Ngày 24/9, Luật sư riêng của giám đốc điều hành Huawei đã phát một đoạn video không âm thanh trước tòa án Tối cao bang British Columbia ghi lại cảnh bà Mạnh bị các sĩ quan biên giới Canada thẩm vấn ngay tại sân bay Vancouver vào ngày 1/12/2018.
Đoạn video được sử dụng để củng cố tuyên bố rằng bà Mạnh phải trải qua "hành vi sai trái đặc biệt nghiêm trọng" của các nhân viên biên giới Canada, người đóng vai trò điều tra viên bí mật cho FBI, mà không nói rõ rằng bà là đối tượng của lệnh bắt giữ từ Mỹ.
Hình ảnh từ camera an ninh cho thấy bà Mạnh bị hai nhân viên hải quan khám xét hành lý và đặt nhiều câu hỏi mang tính điều tra. |
Scott Fenton, một trong những luật sư của bà Mạnh nói: "Các sĩ quan Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA) biết rất rõ rằng lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) đang ở gần đó. Họ biết tất cả về lệnh bắt giữ. Người duy nhất không biết là bà Mạnh".
Phiên tòa hôm 24/9 là ngày thứ hai của phiên điều trần kéo dài tám ngày theo lịch trình để thảo luận về việc tiết lộ bằng chứng trong vụ kiện của người thừa kế tập đoàn Huawei, trước phiên điều trần dẫn độ chính thức, dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 1 và kéo dài đến tháng 10 hoặc tháng 11 năm 2020.
Một luật sư khác của bà Mạnh, Richard Peck, cho biết các nhân viên CBSA đã thẩm vấn giám đốc điều hành Huawei về bất động sản của bà trên khắp thế giới và các vấn đề kinh doanh mà không tiết lộ rằng bà là đối tượng của lệnh bắt giữ; một sĩ quan thậm chí còn hỏi liệu Huawei có bí mật giao dịch với Iran.
Luật sư Peck khẳng định rằng việc làm của các nhân viên CBSA là "chắc chắn không nằm trong quy tắc thông thường".
Ông Fenton nói thêm rằng thân chủ của mình đã bị "vi phạm nghiêm trọng" các quyền Hiến định tại Canada. Vị luật sư đề cập đến việc các nhân viên CBSA thu giữ các thiết bị điện tử của bà Mạnh trước vụ bắt giữ, và nhận xét rằng dù hiện tại chính quyền Mỹ không còn quan tâm đến nội dung của các thiết bị, "điều đó không làm giảm mức độ nghiêm trọng của sai phạm".
Ông nói rằng cuộc kiểm xét của bà Mạnh được thực hiện dưới "vỏ bọc kiểm tra nhập cư”, nhưng có một "mục đích bất hợp pháp"; bởi bà Mạnh đã đến Canada thành công hơn 50 lần trong thập kỷ qua. Ông Fenton cáo buộc hồ sơ của CBSA cố tình che giấu động cơ của cảnh sát viên trong việc tìm kiếm và tịch thu các thiết bị điện tử của bà Mạnh.
Luật sư Peck cho biết hôm thứ Hai rằng các sĩ quan biên giới Canada đã trì hoãn việc bắt giữ tại sân bay một cách không chính đáng nhằm tiến hành một "cuộc điều tra hình sự bí mật" theo yêu cầu của FBI và Cảnh sát Hoàng gia Canada.
Bà Mạnh Vãn Chu rời nhà riêng để đến phiên điều trần tại Tòa án Tối cao bang British Columbia. |
Vụ án của bà Mạnh Vãn Chu là điểm nóng trong quan hệ Mỹ - Trung, xảy ra giữa cuộc chiến thương mại.
Vụ bắt giữ cũng khiến quan hệ Trung Quốc - Canada lao xuống độ thấp nhất trong nhiều năm. Trung Quốc đã bắt giữ hai người Canada - Michael Spavor và Michael Kovrig - cáo buộc họ làm gián điệp, nhưng Canada nói rằng các vụ giam giữ chỉ là cái cớ mặc cả cho vụ án của bà Mạnh.
Hiện bà Mạnh (47 tuổi) được tại ngoại nhờ khoản bảo lãnh 7,5 triệu USD và sống trong biệt thự riêng ở Vancouver. Với tấm hộ chiếu Canada, bà thường xuyên đến thành phố trong những năm gần đây, bao gồm sáu chuyến thăm vào năm 2018 trước khi bị bắt vào ngày đầu tháng 12. Phiên điều trần tiếp theo được hoãn lại cho đến sáng thứ Tư 25/9.
Theo Phụ nữ