Theo quy định của pháp luật, khu vực Tam Đảo II, thuộc diện tích rừng đặc dụng quốc gia, bắt buộc phải “bảo vệ nghiêm ngặt”, nên chúng tôi đã bằng mọi cách, cố gắng tìm ra giấy phép xây dựng các hạng mục và tổng thể dự án Tam Đảo II của Sun Group để xem căn cứ vào những điều gì mà các cấp có thẩm quyền lại cấp phép cho một dự án lớn như vậy ở một nơi được quy định là phải “bảo vệ nghiêm ngặt”.
Theo trình tự, chúng tôi liên hệ với ông Nguyễn Đức Tài - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc - để hỏi về giấy phép xây dựng hạng mục nhà ga cáp treo của dự án Tam Đảo II, có diện tích hơn 15ha, đặt tại thôn Đồng Giếng, xã Đại Đình, H.Tam Đảo. Ông Tài cho biết: “Việc này không thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng, đề nghị phóng viên liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư để biết thêm chi tiết”.
Tiếp tục liên lạc với ông Nguyễn Xuân Quang - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc - chúng tôi được trả lời: “Sở Kế hoạch và Đầu tư chúng tôi chỉ thực hiện chủ trương ban đầu, còn việc cấp phép xây dựng thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng”.
Theo Thông tư số 15/2016/TT-BXD thì những dự án như Tam Đảo II buộc phải được Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy phép. Và dự án này không thuộc trường hợp đặc biệt để được miễn giấy phép xây dựng.
Cũng giống như câu chuyện đi tìm bản báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Tam Đảo II, bằng mọi cách, nhưng đến giờ phút này, chúng tôi vẫn chưa thể tiếp cận được với Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nhưng, việc tiếp cận giấy phép xây dựng của hạng mục cáp treo trong dự án Tam Đảo II còn khó khăn ở cấp độ cao hơn, kỳ lạ hơn.
Nếu như khi muốn tiếp cận ĐTM, chúng tôi bị tránh né khéo léo bằng nhiều cách khác nhau (để rồi vẫn kiên quyết không cung cấp) thì khi tiếp cận với thông tin về giấy phép xây dựng - một thứ giấy phép hiển nhiên phải có, chắc chắn phải có, nếu không có nó mà đã triển khai thì chắc chắn là sai phạm - thì hai cơ quan chủ quản tại địa phương là Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, lại trả lời rằng sở mình “không có thẩm quyền” và “không biết” rồi cứ thế đá “quả bóng” sang nhau.
Với tất cả những thông tin mà chúng tôi có được thì đến giờ này, dự án vẫn chưa có giấy phép xây dựng.
Mặt bằng làm ga cáp treo đã được san lấp |
Trên thực tế, Sun Group đã đưa máy móc, thiết bị vào Vườn Quốc gia Tam Đảo để san lấp mặt bằng cho công trình nhà ga cáp treo tại thôn Đồng Giếng, xã Đại Đình, H.Tam Đảo - một hạng mục lớn của dự án Tam Đảo II.
Qua một đêm, dự án duyệt cho Sông Hồng Thủ Đô đã về tay Sun Group
Theo Quyết định 2992/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ĐTM của dự án “Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II - Bến Tắm - Thác 75 thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo”, dự án có quy mô 385,5ha đất rừng đặc dụng (thuộc các xã Đạo Trù, Đại Đình, Tam Quan, H.Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), được giao cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thương mại Sông Hồng Thủ Đô thuê để kinh doanh du lịch sinh thái.
Quyết định do Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ký ngày 26/12/2016. Một ngày sau (27/12), theo thông tin do một đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc công bố, chính UBND tỉnh này đã phối hợp với Tập đoàn Sun Group tổ chức lễ khởi công hạng mục nhà ga đi cáp treo của dự án này.
“Có thể giữa Sông Hồng Thủ Đô và Sun Group đã làm thủ tục chuyển nhượng dự án trước đó. Theo Luật Bảo vệ môi trường, khi thay đổi chủ đầu tư, không cần làm lại ĐTM. Tôi chỉ có thể đặt ra vấn đề có hay không việc chuyển nhượng này và cần làm rõ: so với ĐTM ban đầu, Sun Group có làm đúng hay không mà thôi” - luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thế Giới Luật Pháp nói.
Theo luật sư Sơn, triển khai một dự án liên quan đến rừng đặc dụng thì việc làm ĐTM cũng như việc giám sát quá trình triển khai phải rất nghiêm ngặt, vì nếu dự án không được thực hiện theo đúng phê duyệt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, hệ động vật, thực vật quý hiếm thì có thể xem xét khởi tố vụ án hình sự.
Theo luật sư Sơn, luật không cấm việc liên kết nhưng hiện trạng đơn vị có khả năng xin được giấy phép không có năng lực thực hiện dự án, buộc phải chuyển nhượng hoặc liên doanh, hợp tác với đơn vị khác, lại bộc lộ những bất thường. Đó là, sản phẩm cuối cùng do việc “trao qua bán lại” sẽ dẫn đến chất lượng công trình như thế nào, cũng như cả mục đích ban đầu có bị sai lạc đi hay không? Như vậy, lỗi thuộc về quá trình giám sát: phê duyệt tổng thể chung là du lịch sinh thái, nhưng thực tế lại có cả sản phẩm bất động sản.
Luật sư Sơn nêu quan điểm: “Vấn đề bây giờ là phải bảo vệ các giá trị di sản, môi sinh, môi trường. Ngoài trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, tôi nghĩ, tất cả chúng ta phải đấu tranh để bãi bỏ việc cho thuê rừng đặc dụng làm dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Ở vụ việc Tam Đảo, toàn dân phải có hồ sơ dự án, đặc biệt ĐTM, để biết được việc triển khai dự án của Sun Group đúng hay sai”.
Tiến sĩ - luật sư Trần Đình Triển Luật pháp quy định, rừng đặc dụng là nơi bất khả xâm phạm dưới bất cứ hình thức nào. Tại sao lại có dự án được cấp trên đất rừng đặc dụng? Theo tôi, cần phải điều tra xem, ngoài Sun Group, còn có những doanh nghiệp nào được cấp dự án để phá hoại rừng quốc gia Tam Đảo? Phải xem xét cả việc quy hoạch đất rừng đặc dụng có tiêu cực hay không, đằng sau đó có phục vụ lợi ích nhóm hay không. Tôi được biết, Tập đoàn Sông Hồng Thủ đô đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án “phát triển du lịch sinh thái khu vực Tam Đảo II”, nhưng nay đã bán lại cho Sun Group dưới hình thức liên danh. Việc mua bán này hết sức bất thường, cần được các cấp có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là khi dự án đã ngang nhiên chiếm lĩnh vị trí nằm trong tâm, lõi rừng đặc dụng. Việc làm dự án này, hiệu quả kinh tế cho nhà nước, cho nhân dân thì chưa thấy đâu, nhưng hiểm họa đổ xuống đầu người dân sống dưới chân núi là điều không thể đong đếm được. Hàng trăm héc-ta rừng bị tàn phá, gây ra sự mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng cho cả khu vực miền Bắc, trong đó có thủ đô Hà Nội. Tam Đảo II là cả một khu rừng, không phải một vườn rau Chia sẻ kinh nghiệm của mình, kỹ sư Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam - cho hay, hiện trạng sang nhượng hoặc ký hợp đồng liên kết giữa đơn vị đứng ra lo thủ tục pháp lý ban đầu cho bên mua lại dự án còn được gọi bằng cụm từ “phát triển dự án”. Theo ông Đực, phê duyệt ĐTM là một trong số nhiều giấy phép con mà khi muốn thực thi dự án nào đó, doanh nghiệp phải được kiểm tra, công nhận “đạt yêu cầu”, như phòng cháy chữa cháy, kết nối giao thông, kết nối điện nước, chiều cao công trình… Thủ tục làm mỗi giấy phép con đó có khi mất nhiều tháng trời. “Chúng tôi làm dự án chung cư thông thường thôi, qua một khâu, từ sở này truyền qua sở kia cũng không thể nào dưới một tháng. Chúng tôi là công ty nhỏ bé, làm sao thấy được hiện tượng ngày trước phê duyệt, ngày sau khởi công. Xin lưu ý, Tam Đảo II là cả một khu rừng chứ không phải một cây củi, một vườn rau, nên chắc chắn duyệt ĐTM đâu có đơn giản, và cần phải công khai” - ông Đực nói. |
Theo Phụ nữ