Sự bất đồng giữa các thành viên EU trong tương lai có thể dẫn đến việc các nước Đông Âu rút khỏi tổ chức. Dự báo này được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra tại Diễn đàn đầu tư “Russia Calling 2019” kéo dài 2 ngày (20-21/11) tại Matxcơva.
Theo nhà lãnh đạo Nga, những bất đồng ở EU đã nảy sinh từ những điều “hoàn toàn cụ thể”. Ông trích dẫn Vương quốc Anh là một ví dụ. Theo đó, nước này chi hàng chục tỷ euro để hỗ trợ các nước có nền kinh tế kém phát triển.
“Tôi không nghĩ rằng, những người đóng thuế ở Vương quốc Anh thích chi trả các khoản thuế, khi mà họ nhận và biết rằng, một phần đáng kể tiền của họ là để dành cho việc ‘giữ thắt lưng quần’ cho một số nước chưa đạt đến mức độ phát triển kinh tế nhất định” - ông Putin nói.
Tổng thống Vladimir Putin tại Diễn đàn đầu tư "Russia Calling 2019". (Ảnh: TASS) |
Người đứng đầu Nhà nước Nga cũng lưu ý rằng, vào khoảng năm 2028, một số quốc gia ở Đông Âu sẽ đạt đến mức độ phát triển kinh tế mà tại đó họ sẽ không còn nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách châu Âu.
“Tôi không chắc rằng, những suy nghĩ tương tự (về việc rút khỏi Liên minh châu Âu) sẽ không xuất hiện ở đó như chính Vương quốc Anh hiện nay” - ông Putin cho biết thêm.
Đồng thời, Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh rằng, Nga quan tâm đến việc duy trì EU, bởi Matxcơva muốn “làm việc với một đối tác có thể dự đoán và dễ hiểu”. Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu hiện là đối tác thương mại và kinh tế lớn nhất của Nga, và một phần đáng kể nguồn dự trữ vàng và ngoại hối của Nga cũng đang dựa vào đồng euro.
“Chúng tôi muốn mọi thứ giữ nguyên và vận hành hiệu quả” - ông Putin nhấn mạnh.
Ban đầu, Vương quốc Anh được cho là rời EU vào ngày 29/3/2019, nhưng Quốc hội nước này nhiều lần từ chối đề xuất của Thủ tướng khi đó là bà Theresa May về các điều khoản của thỏa thuận Brexit. London được Brussels chấp thuận cho dời hạn đến ngày 12/4, và sau đó là 31/10. Các bên phải xây dựng được một thỏa thuận có sự chấp thuận của cả hai phía để giải quyết hệ quả của Brexit. Tuy nhiên, sau đó, việc rời khỏi Liên minh châu Âu của Anh vẫn tiếp tục bị trì hoãn.
Theo VTC