Những dòng sông băng tại Mông Cổ thường xuất hiện nhiều trong những truyền thuyết liên quan tới Thành Cát Tư Hãn. Chúng vốn được xem như lớp băng vĩnh cửu tồn tại nguyên vẹn ngay cả trong mùa hè. Tuy nhiên, những dòng sông băng tại Mông Cổ hiện đang tan chảy với tốc độ nhanh chóng do vấn đề biến đổi khí hậu.
Tuần qua, khi tiến hành quan sát các dòng sông băng tan chảy, các nhà khảo cổ Mông Cổ đã vô tình phát hiện một mũi tên cổ nổi lên trên mặt sông. Sau quá trình tìm kiếm, rất nhiều đồ vật có giá trị đã được thu thập.
Mũi tên cổ đã tự nổi lên trên mặt sông. |
Ngoài mũi tên bằng đồng được sơn đầu đỏ, các nhà khảo cổ còn tìm thấy một nghĩa địa động vật chứa hàng loạt hài cốt của giống cừu sừng lớn cùng những chiếc roi đẹp được bện từ đuôi ngựa.
Ngoài ra còn một số cổ vật bằng gỗ vẫn bị kẹt trong những mảng băng còn sót lại gần đó. Chúng bao gồm cán giáo, gậy chăn cừu và những chiếc cung tên có niên đại khoảng gần 1000 năm trước. Đáng chú ý, lẫn trong số các cổ vật là một cần câu bằng gỗ có niên đại muộn hơn, vào khoảng những năm 1960 hoặc 1970.
Thời kỳ của Khan vương vĩ đại Thành Cát Tư Hãn là một giai đoạn huy hoàng và đáng tự hào trong lịch sử quốc gia Mông Cổ. Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã tìm đến Mông Cổ để hỗ trợ cho các nhà khảo cổ tại đây có thể tìm kiếm được nhiều hơn những hiện vật lịch sử liên quan tới thời kỳ này.
Quá trình tìm kiếm cổ vật thời Thành Cát Tư Hãn vẫn đang được tiến hành ráo riết |
Mặc dù lớp băng tan trên những dòng sông giúp cho việc phát hiện và thu thập cổ vật dễ dàng hơn, thế nhưng quá trình tan băng nhanh chóng lại đang gây nên nỗi lo ngại cho công tác khảo cổ. Đa phần các cổ vật sẽ sớm bị hủy hoại nếu không mau chóng được khai quật sau khi băng tan. Thực tế trong ngành khảo cổ, lớp băng vĩnh cửu thường mang công dụng đặc biệt trong việc bảo quản các hiện vật.
Vì lý do đó, từ đầu mối lần này, các nhà khảo cổ Mông Cổ sẽ quyết định mở rộng và đẩy nhanh tiến trình tìm kiếm ở các khu vực sông băng, nhằm thu thập được thêm nhiều cổ vật có giá trị trước khi quá muộn.
Theo GenK