Indonesia tuần này bắt giữ 85 công dân Trung Quốc bị buộc tội điều hành một đường dây lừa đảo bằng cách làm giả công an.
Những tội phạm lừa đảo giả làm công an, công tố viên và nhân viên ngân hàng để lừa các nạn nhân ở Trung Quốc đại lục khoản tiền tiết kiệm của họ. Tội phạm nói với các nạn nhân rằng họ có vấn đề pháp lý và yêu cầu tiền để giải quyết vấn đề này, Cảnh sát trưởng Jakarta Gatot Eddy Pramono cho biết hôm thứ Hai (25/11).
Một số tội phạm lừa đảo giả vờ là nhân viên ngân hàng và đưa ra các chương trình đầu tư, thuyết phục nạn nhân chuyển tiền vào các ngân hàng ở Trung Quốc đại lục. "Lý do tội phạm này đến Indonesia là vì ở Trung Quốc bị truy quét và không thể ở lại", ông Gatot nói.
Gatot cho biết các nghi phạm trong vụ lừa đảo mới nhất bị bắt tại sáu địa điểm ở Jakarta, ngoài một nghi phạm đã bị bắt ở Malang, Đông Java. Nghi phạm nhập cảnh vào Indonesia bằng visa du lịch và lưu lại từ 3 đến 4 tháng.
Tất cả nạn nhân đều ở Trung Quốc và chiến dịch bắt giữ được tiến hành sau khi chính phủ Trung Quốc cung cấp thông tin. Gatot cho biết các nghi phạm là một phần của một mạng lưới mà cảnh sát hy vọng sẽ làm sáng tỏ trong hai tuần tới.
Tuần trước, Malaysia bắt giữ 680 người Trung Quốc nghi ngờ thực hiện lừa đảo đầu tư qua internet. Vụ lừa đảo cảnh sát giả mạo ở Bali năm 2018 - trong đó một nạn nhân đã mất hơn 500.000 USD - dẫn đến việc bắt giữ 103 người Trung Quốc.
Tháng 9/2018, cảnh sát Indonesia bắt giữ 18 người từ Trung Quốc đại lục và 29 người từ Đài Loan trong một vụ lừa đảo giả làm công an tại đảo Riau, Sumatra.
Cảnh sát Singapore cho biết họ cũng nhận thấy sự tái xuất của các vụ lừa đảo liên quan đến việc mạo danh các quan chức Trung Quốc. Các nhà chức trách ở đảo quốc Sư tử cho biết các nạn nhân Trung Quốc đại lục bị lừa ít nhất 3,5 triệu USD trong 65 trường hợp từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2019 và những kẻ lừa đảo chuyển hoạt động sang Bitcoin.
Theo VTC