Sao phụ nữ ở TP.HCM "lười" sinh con?

Thứ ba, 26/11/2019, 11:40
Lý do áp lực kinh tế, bình đẳng giới, phá thai, vô sinh, thích hưởng thụ… khiến phụ nữ ở TP.HCM 'lười sinh con', dân số tại TP.HCM ngày càng giảm.

Tương lai một người trẻ ở TP.HCM sẽ chăm sóc 6 người già

Tại hội thảo chuyên đề “Vấn đề mức sinh thấp tại TP.HCM, thực trạng, nguyên nhân và giải pháp” diễn ra vào ngày 26.11, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó chi cục trưởng Chi cục dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết theo kết quả thống kê sơ bộ từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1.4.2019, thì dân số ở TP.HCM là 8.993.082 người, mật độ dân số 4.363 người/km2 cao nhất so với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Kết quả tổng điều tra dân số công bố sáng 11.7.2019
Tuy nhiên, tổng tỷ suất sinh ở TP.HCN năm 2018 là 1,33 con/người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,10 con. Nếu như năm 2.000 tỷ suất sinh con tại TP.HCM là 1,76 thì đến năm 2018 giảm xuống còn 1,33.
Hiện TP.HCM đang được xếp trong nhóm 17 tỉnh có mức sinh thấp, do vậy tương lai tỷ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng, điều này càng làm gia tăng tốc độ già hóa dân số tại TP.HCM và sẽ gây nhiều hệ lụy.
Nguyên nhân nào làm mức sinh ở TP.HCM thấp?
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ lý giải: Do áp lực của cuộc sống và công việc, làm xuất hiện tình trạng xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con ngày càng gia tăng; việc nuôi dạy, chăm sóc con cái hiện nay đòi hỏi rất nhiều chi phí như: ăn uống, học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí...
Một nguyên nhân nữa là do tâm lý sợ tốn kém nên nhu cầu sinh con của các gia đình đang có xu hướng giảm nhanh. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh và phát triển kinh tế cũng dẫn đến áp lực cho các gia đình trong tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt...
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ cho biết thêm, trình độ học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ, thích dịch chuyển cũng có tác động nhất định đến mức sinh thấp. Tình trạng phá thai, tỷ lệ vô sinh nguyên phát, thứ phát có xu hướng gia tăng cũng là những yếu tố tác động khiến nhiều gia đình không thể sinh con.
Những nguyên nhân tác động nêu trên đều xuất phát từ quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội đã, đang và sẽ diễn ra với tốc độ nhanh tại TP.HCM.
Theo bà Phạm Thị Mỹ Lệ, kinh nghiệm tại một số quốc gia có mức sinh thay thế thấp chỉ ra rằng một khi mức sinh đã xuống rất thấp thì các chính sách khuyến sinh mặc dù có chi phí đầu tư rất lớn nhưng hầu như không có tác động làm mức sinh tăng trở lại. Trong hơn 20 năm qua, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ để khuyên sinh, nhưng hầu như không thành công, tổng tỷ suất sinh của các quốc gia này đều không thể vượt qua mức 1,3 con.
“Vấn đề mức sinh thấp sẽ gây bất lợi cho cơ cấu nhân khẩu học và sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM trong tương lai. Đó là già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh, tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như: Lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chế độ chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí. Sự suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM", bà Lệ nói.

Tương lai một người nhỏ chăm sóc 6 người lớn

Theo bà Phạm Thị Mỹ Lệ, nếu hôm nay “mỗi gia đỉnh chỉ sinh một con” với công thức 4 - 2 - 1 (1 đứa trẻ được chăm sóc bởi 2 bố mẹ và 4 ông bà nội, ngoại) thì trong tương lai phải đối mặt với vấn đề mới theo công thức ngược lại 1 - 2 - 4 (1 đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại). Vì những đứa trẻ ngày hôm nay được “chăm sóc” rất kỹ lưỡng bởi 6 người lớn sẽ thiếu khả năng, kỹ năng chăm sóc lại 6 người cao tuổi trong tương lai.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích