Diệt nCoV bằng môi trường tự nhiên

Thứ năm, 06/02/2020, 15:18
nCoV sợ ánh sáng, gió, nhiệt độ, tia cực tím..., vì vậy nên tận dụng điều kiện tự nhiên tiêu diệt virus, theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

Họp báo chiều 5/2, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khuyên các gia đình nên tận dụng điều kiện tự nhiên để diệt virus corona bằng cách mở cửa sổ thông thoáng, do đặc tính nCoV nhạy cảm môi trường thoáng khí. Nhà ở cần vệ sinh bề mặt thường xuyên, lau rửa dụng cụ bàn ghế bằng thuốc sát khuẩn.

Phó Giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP.HCM cũng đồng tình. Ông cho biết, với lý thuyết chung về virus corona, ví dụ SARS-CoV có thể sống sót bên ngoài cơ thể tương đối bền vững, nhất là trong điều kiện nhiệt độ thấp, thời tiết mát và lạnh. SARS-CoV có thể tồn tại tới 3-4 ngày trên các vật liệu gỗ, vải, giấy, kim loại, da; 4-5 ngày trong nước bọt và chất thải của bệnh nhân. Virus có thể tồn tại với độc lực cao ở 4-20 độ C trong 5 ngày; chỉ mất khả năng lây nhiễm sau 30 phút (ở 56 độ C). Tia cực tím (UV) và các hóa chất khử trùng y tế ở nồng độ thông thường có thể diệt được virus trong vòng 60 phút.

Vệ sinh nơi ở, làm việc thường xuyên sẽ giúp diệt virus corona.

Ngoài ra, mỗi người phòng bệnh bằng cách rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày. Trung bình 10 phút một lần tay chúng ta có thể có động tác đưa tay lên mặt, tạo điều kiện cho virus lây lan. Theo Tổ chức Y tế thế giới, rửa tay bằng xà phòng có thể ngăn 44% các bệnh truyền nhiễm, lây truyền qua bàn tay. Thói quen rửa tay thường xuyên, không những có thể phòng nCoV mà còn các bệnh nhiễm khuẩn khác.

Hiện nay chưa có vắcxin, cũng như chưa có thuốc điều trị dự phòng, điều trị đặc hiệu trị nCoV. Do đó, cần tránh tiếp xúc trực tiếp qua không khí với người nghi nhiễm bệnh, tránh tụ tập đông người, dừng các lễ hội... là điều quan trọng. Hành động hắt hơi, sổ mũi, ho, có thể làm bắn virus xa đến 1,8 mét. Tổ chức Y tế thế giới khuyên nên đứng cách xa người có biểu hiện lâm sàng một mét là có thể phòng được. Ngoài ra, tránh tiếp xúc với bệnh nhân trong khu vực nhiễm bệnh.

Virus corona lây truyền thông qua các giọt bắn, dịch tiết từ nguồn bệnh xâm nhập vào cơ thể người. Mỗi người nên đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm qua đường hô hấp, dự phòng sự phát tán mầm bệnh, dù biện pháp này chỉ là một phần.

Khẩu trang được khuyến khích sử dụng ở nơi đông người, tàu xe... Khẩu trang y tế bằng vải không dệt thông thường có 3 lớp đã đủ để phòng các bệnh lây truyền theo đường hô hấp, trong đó có viêm phổi.

Những loại khẩu trang như N95, N99 khi đeo có thể gây khó chịu, gây ngộp nếu dùng trong thời gian dài. Khẩu trang N95, N99 chỉ dành cho những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân đang mắc bệnh đường hô hấp hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh. Người dân không cần thiết phải mang khẩu trang N95 để phòng chống lây nhiễm virus corona khi tiếp xúc với môi trường, đám đông.

Khẩu trang chỉ phát huy tác dụng nếu được đeo và dùng đúng cách. Theo Bộ Y tế, khi đeo khẩu trang phải để mặt xanh ra ngoài do mặt màu xanh có tính chống nước, các giọt nước bọt lớn bắn vào sẽ không thấm vào trong. Mặt màu trắng có tính hút ẩm, nên quay vào trong, để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang.

Khẩu trang phải che kín cả mũi lẫn miệng. Khi mang khẩu trang tuyệt đối không sờ tay vào, vì động tác sờ tay, thậm chí chỉnh sửa khẩu trang sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và những người xung quanh.

Khi tháo khẩu trang chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn. Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra. Thói quen lấy tay vo khẩu trang lại sẽ gây lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác cho bàn tay.

Không có khẩu trang y tế thì khẩu trang vải cũng có tác dụng tương tự. Dùng khẩu trang vải xong cần giặt sạch mỗi khi đi ra đường về hoặc sau khi tiếp xúc với người có ho, hắt hơi, văng dịch tiết..

Theo VNE

Các tin cũ hơn