Khi dịch viêm phổi cấp do virus corona diễn biến phức tạp tại Việt Nam, nhu cầu về trang thiết bị y tế như găng tay, khẩu trang, nước sát trùng… tăng mạnh. Thị trường chứng kiến cảnh khan hiếm các mặt hàng này, từ đó đẩy giá bán lên mức cao gấp 3-4 lần bình thường.
Thậm chí tại Hà Nội, sau khi bị lực lượng chức năng xử phạt và yêu cầu cam kết không tăng giá bán, nhiều cơ sở kinh doanh đã ngừng cung cấp mặt hàng này.
Vấn đề tăng giá hay không, ngừng cung cấp mặt hàng trong lúc dịch bệnh, đạo đức kinh doanh nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Phân tích về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho rằng cần xem xét thấu đáo vấn đề mới có thể đánh giá được việc tăng giá là đúng hay sai.
Theo ông Thỏa, giá cả phản ánh quy luật cung - cầu của thị trường. Khẩu trang là mặt hàng vận hành theo quy luật thị trường (không thuộc diện bị quản lý như dược phẩm, xăng dầu, điện…) nên giá cả biến động.
Khẩu trang là mặt hàng được nhiều người tìm mua để phòng dịch viêm phổi do virus corona gây ra. Ảnh: HC. |
Khi cầu tăng đột biến, nguồn cung hạn chế thì giá sẽ tăng. Ngược lại, khi nguồn cung dư thừa, cầu nhỏ thì giá giảm.
Những ngày này, khi giá cả khẩu trang, găng tay, thuốc sát trùng… tăng cao có nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu tăng đột biến. Trong khi đó, nguồn cung ứng khẩu trang còn hạn chế. Nhiều nhà máy sản xuất khẩu trang nghỉ Tết, thiếu nguyên liệu, khó khăn nhập khẩu… Những nguyên nhân này khiến giá cả tăng cao.
Tuy nhiên, ông Thỏa cho rằng hạn chế của kinh tế thị trường là hành vi đầu cơ, găm hàng của một bộ phận thương nhân. Theo đó, nhiều người đầu cơ, tích trữ, găm hàng để thị trường ngày càng khan hiếm, từ đó có thể định giá rất cao để trục lợi.
“Do đó, quy luật kinh tế thị trường phải có bàn tay điều tiết của Nhà nước để có giá bán hợp lý, tránh việc đầu cơ, tích chữ hàng hóa, tránh việc găm hàng”, ông Thỏa nói.
Khi được hỏi việc tăng giá đột biến khẩu trang những ngày vừa qua là đúng hay sai, ông Thỏa cho rằng cần phải hiểu rõ giá bán hợp lý trong bối cảnh hiện tại là như thế nào.
Theo ông Thỏa, khi nhu cầu thị trường tăng, nguồn cung hạn chế, thương nhân hoàn toàn có thể tăng giá, nhưng phải tăng ở mức bán hợp lý. Sự hợp lý được lý giải dựa trên các yếu tố cấu thành của giá bán.
Giá bán sẽ bao gồm toàn bộ chi phí sản xuất, mức lợi nhuận hợp lý cho doanh nghiệp cùng toàn bộ các khoản nghĩa vụ mà doanh nghiệp phải nộp cho Nhà nước như thuế, phí…
Việc chi phí sản xuất tăng cao cũng khiến giá tăng cao. Doanh nghiệp cũng hoàn toàn có thể đẩy mức lợi nhuận tăng thêm trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, toàn bộ giá bán phải ở một mức lợi nhuận hợp lý dựa trên các yếu tố cấu thành và bối cảnh. Việc tăng giá gấp 3-4 lần bình thường là bất hợp lý.
Một số cơ sở kinh doanh tăng giá khẩu trang 3-4 lần so với bình thường. Ảnh: Phương Lâm. |
Ông Thỏa cũng lưu ý các thương nhân có thể phải nhập hàng giá cao trong bối cảnh hiện tại nên phải bán cho người tiêu dùng ở mức cao. Cơ quan chức năng phải rất tỉnh táo, khách quan trong việc kiểm tra, giám sát, sao cho vừa hài hòa lợi ích doanh nghiệp, vừa hài hòa lợi ích người tiêu dùng.
Bình luận về việc đúng hay sai khi tăng giá, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Đức (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng có nhiều cách nhìn về vấn đề này.
Theo ông Đức, khi giá hàng hóa tăng là những người không đủ tiền không thể mua được. Ông đánh giá đây là một hành vi rất vô đạo đức vì người bán chạy theo đồng tiền mà không đếm xỉa gì đến tính mạng, sức khoẻ của người khác.
Tuy nhiên, ở góc độ ngược lại, ông Đức cho rằng việc tăng giá sẽ giúp tăng nguồn cung. Người bán lẻ sẽ muốn bán nhiều hơn vì lãi lớn. Người vận chuyển cũng sẽ chở nhiều hơn vì có thể đòi được tiền cước cao. Doanh nghiệp sẽ cho máy móc chạy hết công suất để sản xuất nhiều hơn. Công nhân được trả lương cao hơn khi tăng ca.
Đồng tình, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng những lúc như thế này, rất cần “bàn tay” điều tiết của Nhà nước, để bình ổn giá, kéo giá giảm xuống ở mức hợp lý với người tiêu dùng.
Theo nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy việc sản xuất khẩu trang, nước sát trùng, găng tay… làm tăng nguồn cung ra thị trường. Có thể khuyến khích bằng các cơ chế, chính sách, miễn thuế, cho mượn mặt bằng, hỗ trợ nguyên vật liệu…
Sự hỗ trợ sẽ đẩy giá thành sản xuất xuống thấp, nguồn cung dồi dào. Lúc đó, những người đầu cơ sẽ gặp rủi ro, không bán được hàng hóa với giá cao kỳ vọng nữa, và sẽ bị triệt tiêu. Người tiêu dùng cũng có thể tiếp cận hàng hóa một cách dễ dàng, dồi dào và không phải mua với giá cao.
Mặt khác, ông Thỏa cho rằng cơ quan chức năng cần vào cuộc, làm quyết liệt để xử lý những cơ sở tăng giá bất hợp lý. Ông cũng lưu ý phải rất khéo léo xử lý các trường hợp tăng giá, bởi nó có thể dẫn đến một thị trường ngầm, nơi đó có những diễn biến phức tạp và khó quản lý hơn.
Ông Thỏa lấy ví dụ việc nhiều cửa hiệu kinh doanh treo biển không bán khẩu trang nhưng vẫn xuất hiện những người bán “rong” ở ngoài vỉa hè với giá cao, gần khu vực đó. Cơ quan chức năng lại rất khó để xử lý việc buôn bán như vậy.
Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết đang tăng cường các lực lượng cả nước để xử lý các cơ sở tăng giá bất hợp lý, buôn bán khẩu trang giả, không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, ông thừa nhận khó khăn khi xử lý các cơ sở tăng giá quá cao các quy định chưa chặt chẽ.
“Lực lượng quản lý thị trường phải rất khéo léo, phối hợp với các lực lượng như cảnh sát kinh tế, để xử lý các trường hợp tăng giá khẩu trang. Một mặt chúng tôi vận động viết cam kết không tăng giá, một mặt đấu tranh, cũng khơi dậy đạo đức kinh doanh”, ông Linh nói.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết cơ quan này đang làm việc, hỗ trợ và thúc đẩy các nhà máy trong nước tăng cường sản xuất khẩu trang cung ứng ra thị trường. Hiện tại, nhiều cơ sở đang làm việc hết công suất. Bộ Công Thương cũng đang tính đến cả tìm nguồn cung nhập khẩu.
Theo Zing