Tính đến 20 giờ 30 ngày 15-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận toàn thế giới có 5.808 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 153.377 ca nhiễm. đại dịch hiện đã lan ra 155 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 75.559 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính.
Trong khi đó, phát biểu tại Nhà Trắng hôm 14-3 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump cho biết với tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, nguồn ngân sách bổ sung 50 tỉ USD sẽ được giải ngân để tiếp sức thêm cho các bang, địa phương và các vùng lãnh thổ của Mỹ trong dịch bệnh COVID-19, theo đài CNN.
Đến nay, gần như toàn bộ tiểu bang ở Mỹ đã có ca bệnh COVID-19. Trước tình hình này, ông Trump kêu gọi chính quyền tiểu bang ngay lập tức thiết lập các trung tâm ứng biến khẩn cấp và mọi bệnh viện trên cả nước cần kích hoạt kế hoạch phòng bị tình huống khẩn cấp lúc này.
Tăng cường quy mô, năng lực xét nghiệm
Trong bài phát biểu, ông Trump có nhắc tới nhiều lần những nỗ lực của chính quyền trong việc tăng cường năng lực xét nghiệm COVID-19 và nhấn mạnh đây sẽ là điểm mà chính quyền liên bang tập trung trong thời gian tới.
Theo CNN, dư luận Mỹ những ngày qua dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu thốn xét nghiệm COVID-19. Các y, bác sĩ tại bang Washington là những người thuộc nhóm đầu tiên đối mặt với khủng hoảng dịch bệnh. Họ cũng là những người lên tiếng trước tiên về sự chậm chạp của giới chức y tế liên bang và chia sẻ những bức xúc vì sự thiếu thốn trang thiết bị đã cản trở khả năng chống dịch của họ.
Ông Trump nói chính quyền liên bang sẽ hợp tác với các tổ chức tư nhân để đẩy nhanh năng lực xét nghiệm. Theo ông, chính phủ đang đàm phán với các hãng dược và các nhà bán lẻ để có thể làm những xét nghiệm tiện lợi kiểu “drive-thru”, tức là người dân được xét nghiệm nhanh chóng ngay trong xe hơi, không cần phải bước ra ngoài như Hàn Quốc đang áp dụng.
Người dân Mỹ mang khẩu trang đi bộ trên đường phố TP.New York hôm 11-3. Ảnh: CNN
Ngoài ra, một kiểu xét nghiệm mới, tốc độ hơn do Công ty Roche Holding AG phát triển cũng đã được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) Mỹ phê chuẩn. Xét nghiệm này được thiết kế để thực hiện trên các máy tự động của công ty đã được cài đặt tại hơn 100 phòng thí nghiệm trên toàn nước Mỹ.
Cho đến đầu tuần tới, ông Trump ước tính sẽ có thêm nửa triệu xét nghiệm virus gây dịch COVID-19 sẵn sàng và 5 triệu xét nghiệm khác cũng sẽ có trong vòng một tháng. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ không khuyến khích tất cả người dân nên làm xét nghiệm. “Chúng tôi không muốn mọi người làm xét nghiệm này. Điều đó hoàn toàn không cần thiết” - ông Trump nói.
Theo ông Trump, tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với dịch COVID-19 cũng sẽ cho phép các cơ quan liên bang trọng yếu miễn bỏ những quy định có thể gây cản trở cho nỗ lực chống dịch. Cụ thể, trong đó có những hạn chế liên quan tới việc các bệnh viện có thể điều trị và thu xếp việc tiếp nhận người bệnh COVID-19 như thế nào.
Đài CNBC ngày 15-3 dẫn nguồn bác sĩ riêng tại Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Donald Trump đã xét nghiệm và có kết quả âm tính với virus gây dịch COVID-19. Trước đó, ông Trump đã tiếp xúc với một số thành viên phái đoàn Brazil nhiễm bệnh tại bang Florida hôm 7-3. |
Washington dự liệu trường hợp xấu nhất
Theo tiết lộ của tờ The New York Times mới đây, một cuộc họp kín đã được tổ chức vào tháng trước giữa các quan chức thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cùng hàng chục chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ khắp thế giới.
Đáng chú ý, một trong số các chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Ira Longini trong cuộc họp đã trình bày bốn kịch bản về những khả năng virus gây dịch COVID-19 có thể lây nhiễm cho người dân Mỹ. Trong bốn kịch bản khác nhau, mỗi người nhiễm virus COVID-19 được giả định lây cho 2-3 người khác, tỉ lệ nhập viện từ 3% đến 12% hay 25% và tỉ lệ tử vong là 1%. Theo kịch bản xấu nhất, khoảng 160 triệu đến 214 triệu người ở Mỹ có thể bị nhiễm virus COVID-19. Số ca phải nhập viện là 21 triệu bệnh nhân và từ 200.000 tới 1,7 triệu người tử vong.
Cuộc họp do CDC tổ chức cũng thảo luận những ảnh hưởng khác nhau của COVID-19 như dịch sẽ lây lan như thế nào giữa các quốc gia, nguồn lực y tế cần thiết để chống dịch và hệ quả của việc đóng cửa các trường học. “Chúng tôi đang rất cẩn thận để chắc chắn đưa các mô hình mang tính khoa học thực tiễn về dịch, dựa trên những điều đã biết về virus COVID-19” - ông Longini cho biết.
Theo tờ The New York Times, CDC hiện đang phát triển các mô hình sử dụng những phương pháp có thể giúp giảm thiểu số người nhiễm virus COVID-19 trong kịch bản xấu nhất.
Mỹ bị tố “nẫng” vaccine COVID-19 của Đức Tờ Die Welt (Đức) ngày 15-3 dẫn nguồn tin nội bộ giấu tên tiết lộ Tổng thống Donald Trump và chính phủ Mỹ đang tìm cách thuyết phục và sẵn sàng chi tiền khủng để các chuyên gia thuộc Công ty công nghệ sinh học CureVac bán giấy phép sản xuất độc quyền vaccine ngừa COVID-19 cho Mỹ. Được biết đây là công ty có trụ sở tại bang Bade-Wurtemberg (Đức). Chính quyền Berlin trước đó cũng đưa ra đề nghị hỗ trợ tài chính tương tự. Một phát ngôn viên của Bộ Y tế Đức khẳng định với Die Welt rằng chính phủ Đức đang đàm phán tích cực với CureVac và nhấn mạnh giới chức Berlin rất quan tâm tới công thức vaccine ngừa COVID-19 và các phương pháp điều trị mới. Die Welt cũng cho hay tổng giám đốc CureVac, ông Daniel Menichella, ngày 2-3 từng được mời đến gặp Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence ở Nhà Trắng. Tại đây, ông Trump đã thảo luận với đại diện của nhiều hãng dược lớn nhằm tìm kiếm giải pháp cho COVID-19. Ngày 11-3, chín ngày sau chuyến thăm Mỹ và gặp hai ông Trump, Pence, ông Menichella bị sa thải. Vị trí tổng giám đốc được chủ tịch kiêm nhà sáng lập CureVac kiêm nhiệm. CureVac sau đó cũng đã lên tiếng xác nhận chuyến thăm Mỹ của ông Menichella. Tuy nhiên, công ty này không nêu rõ liệu phía Mỹ đã đưa ra bất kỳ đề xuất hợp tác hay mua bản quyền vaccine hay chưa. |
Theo PLO