Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất- TTXVN)
Ngày 13/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng cho biết, trên thế giới đang xuất hiện những ổ dịch mới, có nguy cơ lây lan vào Việt Nam.
Đến nay có trên 132.000 người mắc COVID-19 tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó trên 4.900 người đã chết. Trong hai tuần qua, số ca mắc COVID-19 bên ngoài Trung Quốc đã tăng gấp 13 lần, số quốc gia bị ảnh hưởng gấp 3 lần.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các bộ, ngành, đặc biệt là các tổ chức xã hội, doanh nghiệp đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cùng nhiều hàng hóa khác để đồng hành cùng Chính phủ, các địa phương chống dịch.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn sẵn sàng đáp ứng các loại hàng hóa dồi dào nhất để phục vụ nhân dân trong mọi tình huống. Biện pháp trước mắt là tiếp tục ngăn chặn mạnh mẽ, quyết liệt hơn các nguồn lây, chống lây lan ra cộng đồng; tăng cường công tác khai báo y tế, nhất là khi thế giới đã xuất hiện một số ổ dịch mới.
“Việt Nam có đủ năng lưc, nguồn lực, kinh nghiệm và ý chí để phòng dịch. Vì sức khoẻ của dân, chúng ta sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn," Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành duy trì mục tiêu kép chống dịch và giữ ổn định xã hội, chăm lo phát triển.
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục tinh thần chủ động, hành động kịp thời, đúng đắn, không chủ quan, có kịch bản cụ thể, sát thực tế, đảm bảo không bị động, cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho dân.
Thủ tướng yêu cầu phải tìm mọi biện pháp hạn chế nguồn lây lan, hạn chế các chuyến bay từ vùng dịch đến Việt Nam, theo tinh thần “4 tại chỗ,” tập trung năng lực ứng phó tại cơ sở, địa phương. Mỗi doanh nghiệp, người, khu dân cư là pháo đài chống dịch.
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ trong phòng chống dịch bệnh, tập trung phương tiện, nhân sự điều trị các ca dương tính, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do COVID-19.
Trong việc dạy và học, Thủ tướng yêu cầu, dù giảm số giờ dạy học nhưng không được giảm chất lượng, phải tính toán giải pháp hợp lý cho các trường quốc tế tại Việt Nam.
Về việc đeo khẩu trang, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, những nơi tập trung đông người (trên 100 người), phải đeo khẩu trang. Ngành y tế và công thương phải chuẩn bị đủ số khẩu trang cung cấp, chỉ đạo các sân bay, các của khẩu quốc tế chuẩn bị khẩu trang cho khách nhập cảnh.
Tiếp tục khẳng định, cách ly tập trung là biện pháp đúng đắn, Thủ tướng cho rằng nếu có các biện pháp đặc biệt, cụ thể thì sẽ do Ban chỉ đạo quyết định; tiếp tục duy trì cách ly tập trung. Đối với việc khai báo y tế toàn dân, Thủ tướng cho biết, đây không phải là biện pháp bắt buộc như khai báo y tế khi nhập cảnh Việt Nam.
Đối với người Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, dù Nhà nước còn khó khăn nhưng chúng ta chưa thu phí điều trị đối với những trường hợp nhiễm bệnh. Còn đối với người nước ngoài, nếu mắc bệnh thì phải trả phí điều trị, không phải trả chi phí cách ly và xét nghiệm. Về việc lập Quỹ phòng, chống COVID-19, Thủ tướng giao Bộ Y tế phụ trách.
Thủ tướng cũng khuyến cáo cần ổn định số học sinh, sinh viên đang du học ở nước ngoài, khuyến khích học sinh, sinh viên du học yên tâm ở lại để điều trị, nếu về nước thi phải cách ly nghiêm túc theo qui định; cần quản lý chặt chẽ biên giới, ngăn ngừa khách từ vùng dịch lợi dụng nhập cảnh qua nước thứ ba vào Việt Nam.
Thủ tướng nhắc lại quan điểm không cấm bay đối với hàng không mà phải đảm bảo hoạt động giao thương kinh tế - thương mại bình thường. Hàng hoá, sản xuất, cung ứng phải đảm bảo đủ, giá cả đảm bảo, có thể mở cửa đến 11h đêm để phục vụ nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Thông tin Truyền thông phải thống nhất cung cấp thông tin, đồng thời cho rằng phải quản lý mạng xã hội thật nghiêm, không để lan toả thông tin tiêu cực, gây hoang mang; tăng cường diễn tập ở một số ngành, địa phương để có thể ứng phó tốt khi tình huống xảy ra.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã tập trung chỉ đạo chống dịch COVID-19 đạt kết quả tốt trong phạm vi quốc gia, được người dân và quốc tế đánh giá cao, tạo niềm tin mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Thủ tướng tán thành với các đề xuất của bộ, ngành việc việc khẩn trương chuẩn bị các điều kiện chống dịch, phản ứng nhanh, hiệu quả, hành động kịp thời và đúng đắn. Đặc biệt, các cấp các ngành và toàn dân không được chủ quan, không để dịch lây lan thiếu kiểm soát. Các bộ, ngành, địa phương phải cam kết đẩy lùi dịch bệnh để người dân yên tâm. Các kịch bản hiện có phải được nâng tầm lên thêm một bậc, sát thực hiễn hơn nữa, gồm cả việc đảm bảo lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống:
Trước thực tế dịch đã lây lan trong cộng đồng, Thủ tướng yêu cầu từng người dân, hộ gia đình, khu dân cư phải có biện pháp phòng, chống cụ thể. Mỗi doanh nghiệp, mỗi khu dân cư, thậm chí mỗi người dân đều phải là một “pháo đài” phòng, chống dịch. Cho rằng còn một số địa phương, cơ quan chủ quan, lúng túng trong phòng, chống dịch, Thủ tướng yêu cầu phải có kịch bản chủ động từ trung ương đến địa phương. Các đô thị lớn cũng phải tuân thủ các biện pháp cách ly, hạn chế các trường hợp riêng biệt, không để các trường hợp này lây lan ra cộng đồng. Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn về quy trình bao vây, ngăn chặn dịch để các địa phương thực hiện, tránh tình trạng lúng túng ở một số nới như vừa qua. Các địa phương phải đảm bảo dồi dào hàng hóa, tiếp tục mở cửa đến 11 giờ, giá cả đảm bảo hợp lý.
Thủ tướng cũng yêu cầu phải phát hiện nhanh hơn, khoanh vùng tốt hơn và kiên quyết hơn đối với các trường hợp dương tính và nghi ngờ mắc bệnh, cần hết sức lưu ý các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch chỉ đạo chuẩn bị trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ phòng, chống dịch, đặc biệt là bộ kit thử để phát hiện nhanh người dương tính với dịch, phân bổ cho các địa phương.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao các cơ quan báo chí, truyền thông đã đưa tin có trách nhiệm, chính xác, kịp thời, trong đó có các kênh truyền thông của Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và nhiều cơ quan báo chí khác.
Cùng với việc chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác truyền thông, Thủ tướng yêu cầu tăng cường hơn nữa quản lý mạng xã hội, không để người dân hoang mang. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế thống nhất các thông tin cần đưa ra xã hội để cung cấp cho các cơ quan truyền thông kịp thời hàng ngày. Các địa phương cần làm tờ rơi hướng dẫn phòng chống dịch trong từng gia đình.
Theo TTXVN