Những kẻ “yếu ớt”, “bé nhỏ” không có tương lai. Thành phố “trần trụi”, không thể nào “ôm vào lòng” hết thảy giấc mơ của những kẻ bên lề. Ngay cả ý nghĩ họ sẽ bị bỏ rơi (bằng một cách cố tình hay vô tình nào đó), cũng khiến “thiên đường” không bao giờ có thực.
Một cảnh trong phim I, Daniel Blake |
Xem lại I, Daniel Blake (Tôi là Daniel Blake) - bộ phim của đạo diễn kỳ cựu người Anh Ken Loach từng đoạt giải Cành cọ vàng Liên hoan phim Cannes (2016) - trong những ngày châu Âu bị “phong thành” vì COVID-19, mới vỡ lẽ, cái nhiễu màu lung linh lâu nay ta mơ về, rốt cuộc cũng chỉ là một thứ văn minh giả hiệu mà ở đó, vẫn có những con người khốn khổ, yếu ớt - đang hằng ngày chống chọi với đói kém, bệnh tật, sự kỳ thị tuổi tác lẫn lựa chọn nhân văn.
“Di cảo” của Daniel Blake
Bộ phim kể về Daniel Blake - một thợ mộc lành nghề 59 tuổi, góa vợ, có 40 năm kinh nghiệm, sau một cơn đau tim nghiêm trọng, được bác sĩ khuyến cáo không thể tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, thay vì được nhận khoản tiền trợ cấp phúc lợi xã hội của chính phủ để có thể duy trì cuộc sống một cách tối thiểu, Blake đã bị đẩy vào một cơn “ác mộng quan liêu” cùng một loạt thủ tục “hành là chính” nhiêu khê, cứng nhắc mà ông gọi là “một trò đùa”.
Ông Blake đã đứng lên chiến đấu với Sở Việc làm và Trợ cấp để đòi quyền lợi công dân của mình trong tuyệt vọng. Cuối cùng, với sự giúp đỡ của luật sư, vào cái ngày tưởng chừng quyền công dân của ông được thực thi ở xứ sở sương mù, vì quá hồi hộp, ông đã lên cơn nhồi máu cơ tim rồi qua đời.
Tại đám tang của ông, Katie - một bà mẹ đơn thân của hai đứa con nhỏ, cũng là người bạn thân thiết trong những ngày cuối cùng của Blake - đã đứng lên nói rằng, đây không phải là “đám tang của một kẻ ăn mày”. Cô đã đọc lá thư mà ông Blake tự tay viết, bỏ sẵn trong túi áo, dự định đọc trong phiên tòa kháng cáo lại chính phủ (mà cuối cùng, ông đã không có cơ hội đó).
Trong thư có đoạn: “Tôi không phải khách hàng hay thân chủ, cũng không phải là một người sử dụng dịch vụ. Tôi không phải một người chạy trốn, một kẻ ăn mày, hay một kẻ trộm. Tôi không phải là số bảo hiểm quốc gia, không phải là một đốm sáng trên màn hình. Tôi đã đóng tiền thuế, không bao giờ thiếu một xu trong những năm qua, và tôi rất tự hào khi làm vậy.
Tôi luôn tôn trọng hàng xóm của tôi và giúp đỡ họ trong khả năng, khi họ cần. Tôi không nhận hay tìm sự bố thí. Tên tôi là Daniel Blake. Tôi là một người đàn ông, không phải là một con chó. Vì vậy, tôi đang đòi hỏi quyền lợi của mình. Tôi yêu cầu mọi người đối xử với tôi bằng sự tôn trọng. Tôi, Daniel Blake, một công dân. Không hơn không kém”.
Có lẽ, không nhiều nhà làm phim muốn làm một bộ phim về những nhân vật già cả yếu ớt, những nhân vật “không có tiếng nói” sống bên rìa xã hội như thế. Như cách nói của một ai đó, bạn đi ngang qua Daniel Blake trên đường và chắc không chú ý đến ông ấy, nhưng Ken Loach đã hướng ống kính camera vào đó, khiến chúng ta hồi hộp theo dõi, thất vọng, rơi nước mắt, sau cùng là tức giận.
Cái chết của Daniel Blake không chỉ dội một gáo nước lạnh vào hệ thống phúc lợi xã hội của chính phủ, mà còn tố cáo thói thờ ơ, vô cảm của con người. Tại thời điểm ra mắt, bộ phim đã gây nên một “cú sốc” lớn ở Anh, khiến chúng ta suy nghĩ về cách chúng ta tồn tại, chúng ta văn minh như thế nào…
Sao họ lại bị “bỏ rơi” chỉ vì họ già?
Nhưng liệu I, Daniel Blake - bộ phim từ năm 2016 đó, có liên quan gì đến tình hình châu Âu hiện tại, khi dịch COVID-19 đang lây lan với tốc độ chóng mặt? Liệu nhân vật khổ hạnh Daniel Blake, có liên quan gì tới những ca tử vong đang tăng lên mỗi ngày ở vùng đất mà lâu nay ta vẫn nghĩ là “thiên đường”?
Daniel Blake trở thành nhân vật điển hình cho những con người đang sống bên rìa thành phố. Và thực ra, ở châu Âu hiện tại, cũng đang có nhiều Daniel Blake như thế. Nếu như đạo diễn tài năng Ken Loach viết lại kịch bản hoặc làm tiếp phần II của I, Daniel Blake, giả dụ, nhân vật chính Daniel Blake không chết vì nhồi máu cơ tim lúc đó, thì ở thời điểm năm 2020 này, ông có chết vì COVID-19? Hoàn toàn có khả năng! Daniel Blake già cả, thất nghiệp, không tiền bạc, mang bệnh tật trong người.
Và có một sự liên quan không hề “nhẹ”, khi nhận ra, ở thời điểm khắc khổ nhất của cuộc đời, chính phủ đã “bỏ rơi” công dân của mình theo một cách (có thể là) bất đắc dĩ nào đó. Nếu trong I, Daniel Blake, chính sách “thắt lưng buộc bụng” đã đẩy một con người đến bi kịch cuối cùng, thì ở châu Âu những ngày này, những người già, người vô gia cư, những người nằm ngoài hệ thống phúc lợi xã hội, cũng đang trở thành nhóm đối tượng yếu ớt nhất, dễ tử vong nhất khi bị vi-rút tấn công. Trong khi đó, chính phủ thì chưa chuẩn bị sẵn những phương án bảo vệ họ (hoặc có nhưng bị động, chậm chạp).
Với niềm tin chắc nịch, vi-rút chỉ tấn công một bộ phận người già, có sẵn bệnh lý nền; nên đa số người châu Âu, nhất là những người trẻ yên tâm tụ tập, ăn chơi, đi bar, trượt tuyết, biểu tình… như thường, bất chấp các sắc lệnh phong tỏa, lệnh cấm. Có người còn đưa ra những lập luận thô bỉ về việc dân số thế giới đã đến lúc cần phải giảm xuống. Lại có người cho rằng, người già là đối tượng phiền hà, gánh nặng của cả hệ thống kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, các chiến dịch tư vấn người dân tự bảo vệ mình bởi dịch bệnh, có rất ít thông tin phải làm gì nếu rơi vào nhóm nguy cơ nhiễm bệnh cao. Một số tổ chức từ thiện báo cáo rằng, các cuộc gọi từ những người già, người khuyết tật quan tâm đến COVID-19 ngày càng gia tăng.
Rõ ràng, châu Âu đang bắt đầu bước vào giai đoạn khủng hoảng về sức khỏe cộng đồng và nó không hề bình đẳng: Những người nghèo, người già, người bị thiệt thòi và tàn tật nói chung - lẽ ra cần được ưu tiên, lại đang phải chịu sự ảnh hưởng nặng nề nhất. Các số liệu nhiễm bệnh và tử vong, đa phần mang khuôn mặt của những người già.
Trong lúc đó, các bác sĩ ở Pháp, Ý cho biết, họ đang rơi vào tình trạng chưa từng xảy ra trong cuộc đời mình: buộc phải lựa chọn bệnh nhân. Lúc đầu, chỉ những bệnh nhân trên 80 tuổi mới bị từ chối, thì nay là những bệnh nhân trên 70 tuổi, có bệnh nền. Các chuyên viên gây mê yêu cầu không gởi bệnh nhân lớn tuổi vì sẽ chiếm dụng các thiết bị trợ thở 15-20 ngày mà biết rằng, cũng không cứu được họ…
Đó là một câu chuyện buồn thực sự về số phận con người và cũng là một phép thử nhân văn đối với một xã hội văn minh. Vì sao đều là công dân, nhưng những con người đó lại bị “bỏ rơi” (có thể là một sự “bỏ rơi” bất đắc dĩ, không ai mong muốn) trong vòng quay của số phận, chỉ vì họ già cả, yếu ớt?
Đó là một sự chọn lọc không hề tự nhiên, phi nhân bản. Và một lần nữa, “di cảo” mà nhân vật Daniel Blake để lại trước khi ông qua đời mạnh mẽ và có sức tố cáo hơn bao giờ hết: “Tôi đang đòi hỏi quyền lợi của mình. Tôi yêu cầu mọi người đối xử với tôi bằng sự tôn trọng. Tôi, một công dân. Không hơn không kém”.
Cái chết không từ một ai. Nhưng khi bạn già, nghèo khổ, nó sẽ đến nhanh hơn. Với cái chết của Daniel Blake trong điện ảnh, hay số phận của những người già nhỏ bé, yếu ớt ở châu Âu trong đại dịch COVID-19 ở thực tại, có lẽ, hơn cả một phép thử, mà như muốn định nghĩa lại khái niệm “quyền con người” và chân giá trị của họ trong xã hội.