Game show Kèo này ai thắng đang nhận ý kiến trái chiều từ khán giả truyền hình với cảnh cô gái ngậm củ cải. Ê-kíp sản xuất và người trong cuộc đều khẳng định rằng họ không cố tạo chiêu trò phản cảm để câu rating, đồng thời khẳng định tinh thần trong sáng khi thực hiện một tiết mục biểu diễn trên sóng truyền hình.
Tuy nhiên, nhiều người xem truyền hình lại không đồng tình. Dù xem toàn bộ chương trình, không ít ý kiến cho rằng tiết mục xiếc có sự đầu tư cao của hai cha con nghệ sĩ nhưng cách lựa chọn đạo cụ và góc máy đã tạo ra cảnh quay “đỏ mặt” trên sóng giờ vàng. Do đó, sự phản ứng của công chúng là dễ hiểu.
|
Cảnh gây tranh cãi trong Kèo này ai thắng. |
Kèo này ai thắng là game show phát sóng vào khung giờ vàng tối thứ 5 hàng tuần trên VTV3.
Dù trước ồn ào, chương trình không thực sự gây chú ý với giới truyền thông. Song, không thể phủ nhận tinh thần tích cực mà Kèo này ai thắng muốn hướng đến.
Theo đó, game show này giống như một sân khấu để những nghệ sĩ và các thí sinh tham gia được tỏa sáng, thể hiện tinh thần, ý chí sắt đá và đặc biệt là vượt qua giới hạn của chính mình.
Nhiều gương mặt tài năng, chưa được đông đảo công chúng biết đến đã có cơ hội trình diễn trên sóng truyền hình, nhờ Kèo này ai thắng. Nhiều tiết mục cho thấy sự kỳ công, thậm chí chấp nhận của nguy hiểm của người thực hiện.
Tuy nhiên, trong tập mới nhất lên sóng, Kèo này ai thắng khiến một bộ phận khán giả phẫn nộ với cảnh một người mẫu nữ dùng tay và miệng ngậm củ cải trắng để thí sinh Hoàng Khang ném dao vào. Trong khung giờ vàng có không ít khán giả là trẻ em, cảnh quay bị phản ứng mạnh mẽ.
Sáng 14/3, một nhà văn bình luận trên trang cá nhân: “Đó là hành vi không thể chấp nhận”. Trong khi đó, nhiều khán giả bình luận trên mạng: “Tại sao truyền hình lại để lọt cảnh phản cảm như vậy?”. Có người bày tỏ tiếc nuối: “Phí mất một game show có thông điệp không tệ”.
Kèo này ai thắng vốn là game show mang thông điệp ý nghĩa. |
Thập kỷ 2010-2020 là giai đoạn đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của game show trên sóng truyền hình. Hàng loạt các game show âm nhạc, hài và thời trang được mua bản quyền, Việt hóa và trở thành “món ăn” hấp dẫn khán giả cả nước.
Cục diện truyền hình thay đổi, những cuộc thi vốn mang nặng tính chuyên môn giảm dần sức hút, nhiều trò chơi truyền hình mang thương hiệu của nhà đài cũng dừng sản xuất. Với chủ trương xã hội hóa, các đơn vị tư nhân - công ty truyền thông tham gia nhiệt tình vào việc sản xuất các chương trình truyền hình.
Phần lớn các game show được chú ý trên sóng truyền hình những năm gần đây đến từ các đơn vị sản xuất tư nhân kết hợp phát sóng với nhà đài. Và có một thực tế, nhà đài đôi khi cũng không độc quyền phát sóng. Rất nhiều game show sau khi lên sóng truyền hình, tiếp tục được các nhà sản xuất đăng tải trên kênh YouTube của chính đơn vị.
Kèo này ai thắng là một ví dụ. Tất cả các số của chương trình này đều có thể dễ dàng xem trên mạng, duy chỉ có số mới nhất đã bị gỡ bỏ vì có cảnh phản cảm nhận ý kiến trái chiều.
Nữ hoàng quyến rũ bị phản ứng vì cảnh các thí sinh diện bikini tạo dáng phản cảm trên sóng truyền hình. |
Sự vào cuộc của các đơn vị tư nhân thực tế đã thay đổi diện mạo truyền hình, mang đến nhiều lựa chọn cho khán giả. Xu hướng này cũng được đánh giá là tất yếu và tích cực.
Tuy nhiên, khi game show như "nấm mọc sau mưa" và đứng sau là các đơn vị tư nhân, khâu biên tập cũng thường xuyên có khoảng trống.
Trước Kèo này ai thắng, game show Việt trên sóng giờ vàng ở các đài truyền hình khác nhau cũng nhiều lần vướng ồn ào có cảnh quay phản cảm. Đơn cử như chương trình Nữ hoàng quyến rũ có cảnh các thí sinh diện bikini tạo dáng uốn éo trên sóng truyền hình. Lựa chọn trái tim với hình ảnh Mon 2K hôn ngấu nghiến trai lạ. Mới đây, Trí khôn ta đây cũng bị phản ứng vì có câu hỏi nhạy cảm.
Là một trong hai MC của Kèo này ai thắng, Liêu Hà Trinh tỏ ra tiếc nuối khi những hình ảnh của chương trình gây khó chịu cho người xem về mặt thị giác, gây phản cảm.
“Những hình ảnh được cho là phản cảm trong tập 7 chỉ là sự cố đáng tiếc. Mọi người sẽ tiếp thu và rút kinh nghiệm cho những lần sau", cô nói với Zing.vn.
Hiện chỉ có MC của chương trình lên tiếng thừa nhận đó là một sự cố và xin lỗi khán giả vì những ồn ào. Trong khi, nhà đài vẫn im lặng.
Thực tế cho thấy, khi những sự cố xảy ra, các nhà đài thường chọn cách không lên tiếng. Đôi khi, nhà sản xuất và người chơi phải chịu búa rìu của dư luận.
Trong khi, nhiều trường hợp, lỗi không hoàn toàn thuộc về nghệ sĩ hay người chơi mà được cho là trách nhiệm của khâu biên tập trong việc lựa chọn những cảnh quay, góc máy phù hợp.
Nhiều ý kiến cho rằng rating nhà đài hưởng. Các nhà đài cũng là đơn vị chịu trách nhiệm biên tập và kiểm duyệt đối với chương trình trên sóng, sự phó mặc cho nhà sản xuất, MC, người chơi khi sự cố xảy ra liệu có "hợp lý, hợp tình"?