Lao động thời Covid-19: Làm 'liều' hay là đói

Thứ hai, 23/03/2020, 08:08
Covid-19 đã đẩy nhiều người vào cảnh thất nghiệp, buộc họ phải "liều mạng" với những công việc có nguy cơ lây nhiễm cao trong khi sự túng quẫn đang cận kề.

Diaz, 38 tuổi, lần đầu tiên thấy New York yên tĩnh đến như vậy: "Nhưng không ai mỉm cười và hạnh phúc, ngay cả trong những ngày nắng". Không khí trong khu phố của anh ảm đạm bởi mọi người "đóng băng tại chỗ" để phòng dịch.

Người đàn ông này là một nhân viên pha chế bị mất việc sau khi Thị trưởng thành phố Bill de Blasio ra lệnh các quán bar và nhà hàng chỉ được bán cho khách mang đi.

Một người Mỹ quay ra sau khi biết Văn phòng giới thiệu việc làm ở New York đóng cửa vì Covid-19. Ảnh: AP.

Một người Mỹ quay ra sau khi biết Văn phòng giới thiệu việc làm ở New York đóng cửa vì Covid-19. Ảnh: AP.

Kể từ khi Covid-19 ập đến, Diaz chỉ là một trong số hàng nghìn người Mỹ đã hoặc đang đối mặt với nguy cơ bị sa thải. Bên cạnh ngành công nghiệp khách sạn, tình trạng sa thải hàng loạt cũng diễn ra trong ngành du lịch, sản xuất và nhiều ngành khác nữa. Một số chuyên gia dự đoán, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ có thể tăng lên 20%, một con số chưa từng có trong thời kỳ hiện đại.

Trong khi đó, nhiều công việc mới được tạo ra trong đại dịch liên quan đến tuyến đầu của cuộc khủng hoảng hay có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Những người bắt "chiếc phao cứu sinh" này đồng nghĩa với việc họ buộc phải chấp nhận để bản thân và gia đình rơi vào nguy cơ mắc bệnh.

Tập đoàn thương mại điện tử Amazon tìm cách bổ sung 100.000 nhân sự để theo kịp sự tăng vọt của nhu cầu mua sắm trực tuyến. Tập đoàn bán lẻ Walmart cho biết sẽ thuê 150.000 nhân viên mới. Hệ thống tiệm tạp hóa Kroger cũng đang tuyển thêm 10.000 người trên toàn quốc. Hầu hết số nhân sự đang được tuyển này là nhân viên chuyển phát - một công việc sẽ phải tiếp xúc với nhiều người và đi lại khắp nơi nên nguy cơ lây nhiễm nCoV là khá cao.

Diaz đang cố tìm một công việc trước khi dùng hết số tiền tiết kiệm chỉ có thể duy trì cuộc sống trong 4 tháng của mình. Anh cũng biết rằng, cần những người sẵn sàng phơi mình trước những nguy cơ để cuộc sống tiếp diễn. "Chúng ta cần nhau hơn bao giờ hết, và tôi nghĩ sẽ phải có ai đó, rất nhiều người sẵn sàng ra ngoài đó và làm việc", ông nói.

Giống như Diaz, Liliana Hernandez, một quản gia 42 tuổi, cũng đang chấp nhận mạo hiểm. Bà vừa bị mất việc tại khách sạn Fairmont Miramar ở Santa Monica vì không có khách. Chồng bà, một nhân viên nhà hàng, gần đây cũng bị sa thải. Cặp vợ chồng chỉ có khoản tiết kiệm đủ nuôi sống bản thân và con trai đang tuổi teen trong hai tháng. Hernandez cố tìm việc tại một cửa hàng tạp hóa. "Mọi người đang hoảng loạn. Tôi lo lắng về việc bị lây nhiễm hoặc những thứ tương tự, nhưng chúng tôi phải tiếp tục và tiếp tục làm việc. Tôi phải cất nỗi sợ đi", bà nói.

Nhưng khoảng 78% lao động Mỹ không có tiết kiệm, cuộc sống còn bấp bênh hơn. "Là một người mẹ đơn thân, tôi không biết mình sẽ phải làm gì", Mélissa St Hilaire, 37 tuổi, một nhân viên chăm sóc sức khỏe tại nhà ở Miami cho biết. Được yêu cầu ở nhà từ thứ Sáu (20/3), nhưng cô chỉ đủ tiền nuôi gia đình qua tuần tới. "Tôi không biết tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu. Tôi chỉ còn cách chờ đợi", cô nói.

Hàng người chờ giới thiệu việc làm tại một trung tâm ở Las Vegas. Ảnh: AP. 

Hàng người chờ giới thiệu việc làm tại một trung tâm ở Las Vegas. Ảnh: AP.

Để góp phần ngăn chặn dịch bệnh và cung cấp các dịch vụ trôi chảy, nhiều doanh nghiệp đã làm hết sức mình để bảo vệ nhân viên. John DeCicco, đồng sở hữu chuỗi siêu thị New York DeCicco & Sons, vừa tuyển thêm khoảng 100 nhân viên. Trong số nhân viên mới có nhiều người bị sa thải từ một nhà cung cấp thực phẩm.

DeCicco & Sons đã áp dụng một loạt biện pháp phòng dịch gồm giới hạn các cửa hàng chỉ có khoảng 30 - 40% khách so với tỷ lệ khách bình thường ở mọi thời điểm, rửa tay thường xuyên, cung cấp găng tay cho cả khách hàng và nhân viên.

"Họ đang ở tuyến đầu, vì vậy bạn phải bảo vệ họ", DeCicco nói. Ông cũng cho nhân viên nghỉ ốm có lương hai tuần, ngoài những ngày nghỉ ốm và nghỉ phép bình thường. "Họ sẽ chăm sóc khách hàng miễn là chúng tôi chăm sóc họ. Đó là triết lý của chúng tôi và là thứ chúng tôi đang cố gắng thực hiện", DeCicco cho hay.

Caleb Fumming, đồng sở hữu Cleanstart - công ty dọn dẹp vệ sinh ở Seattle, gần đây đã thuê 20 nhân viên mới để đáp ứng nhu cầu gia tăng.

Fummin trang bị cho công nhân của mình đầy đủ các thiết bị bảo vệ cá nhân, bao gồm cả mặt nạ phòng độc và quần áo bảo hộ khi họ đi khử trùng để phòng chống Covid-19.

Dù vậy, dường như không có chiến lược nào là hoàn hảo, có thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ lây lan của Covid-19.

Mọi người đang mong cuộc sống bình thường trở lại. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, ngay cả khi đại dịch qua đi, hệ quả kinh tế của nó sẽ kéo dài trong nhiều năm. "Cá nhân tôi dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng mạnh, bởi tôi nghĩ rằng chi tiêu sẽ giảm mạnh", Richard Rogerson, một nhà kinh tế tại Đại học Princeton, cho hay.Ông chỉ ra rằng, ngay cả khi mọi người tìm ra cách sống sót sau sự cố tài chính vì đại dịch, các chủ lao động có thể không làm được như vậy. "Những gì bạn muốn là mọi người quay trở lại với công việc của họ. Nhưng nếu một số trong những doanh nghiệp đó không còn tồn tại thì sao?", Rogerson nói.

Trong khi đó, cho đến nay, có rất nhiều nỗ lực đang diễn ra để giúp những người lao động bị sa thải có thể xoay xở trong thời gian ngắn. Luật cứu trợ mới khổng lồ từ chính phủ cũng có khả năng giúp họ bớt đi gánh nặng.

Bên cạnh đó, người lao động cũng đang gắn kết với nhau. Nhiều liên minh lao động đang phát động các quỹ cứu trợ để giúp những người khó khăn nhất.

Theo VNE

Các tin cũ hơn