Gần nửa đêm, trước mái lều dã chiến ở chốt 1322, bản Cẩm Hắc, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), Danh Thành Tài (quê Kiên Giang) chắc tay súng, mắt chăm chú quan sát xung quanh. Cách nơi Tài đứng chừng 30 m là hàng rào sắt phân định biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Xung quanh, trời tối đen, không một ánh đèn, nhà dân.
Hôm trước mưa to khiến đường biên bị sụt, muốn sang Việt Nam chỉ cần lội qua con suối nhỏ. Vì vậy, Tài và đồng đội phải thay phiên nhau canh gác 24/24h, không chỉ ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép mà còn kiểm soát người và phương tiện qua lại để phòng Covid-19.
Ba tuần trước, tại buổi sinh hoạt tiểu đoàn tập trung, quyết định tăng cường toàn bộ học viên năm cuối của Học viện Biên phòng lên biên giới chống dịch được công bố. Bất ngờ và sung sướng là cảm giác đầu tiên của chàng thanh niên quê Kiên Giang. Với cậu, đây vừa là cơ hội học tập, trải nghiệm, vừa là lúc để "cống hiến sức mình cho Tổ quốc".
Sau vài ngày tìm hiểu thông tin, tập huấn kiến thức về Covid-19, sáng sớm 6/3, hơn 300 cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện Biên phòng, huấn luyện viên và khuyển chiến (chó chiến đấu) của trường Trung cấp 24 Biên phòng xuất quân lên biên giới. Bốn tỉnh được tăng cường quân số chống dịch gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai. Danh Thành Tài đến vùng đất Mỏ cùng 59 đồng đội và 5 chó nghiệp vụ.
Võ Phước Trung (trái) và Danh Thành Tài tại chốt 1332 của Đồn Biên phòng Hoành Mô. Ảnh: Hoàng Thuỳ |
Tuần đầu tiên ở Đồn biên phòng cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu), Thành Tài và bạn cùng lớp Quản lý biên giới Võ Phước Trung (An Giang) được phân trực chốt 1322 cũng hai người. Trong lúc tuần tra, cảnh giới và khi nghỉ ngơi giữa hai ca, cậu đều tranh thủ học thuộc các chốt kiểm soát thuộc quản lý của Đồn, tìm hiểu địa danh nơi cắm chốt, những mốc nào cùng một bản và trưởng bản là ai, biển số xe của họ thế nào để hạn chế việc kiểm tra phương tiện.
Ở Học viện Biên phòng, Tài đã quen với nhiệm vụ canh gác. Nhưng nếu như tại trường chỉ canh gác mục tiêu không có hoạt động vi phạm thì khu vực biên giới, không gian rộng hơn, các hoạt động vi phạm lại tinh vi nên thời gian trực căng thẳng hơn. "Bọn em phải căng mắt căng tai để đảm bảo không bỏ lọt trường hợp vi phạm. Thời gian đầu diễn biến phức tạp, có nhiều việc phải làm, chúng em ngủ khoảng 2-3 tiếng vào ban đêm, nay đỡ hơn thì 5-6 tiếng", Tài cho hay.
Còn Trung thì cảm thấy phấn khởi khi ở trường chỉ học lý thuyết, lên biên giới được các anh, các chú chỉ bảo nhiều kiến thức thực tế. Đó là nếu như gặp người xuất nhập cảnh trái phép thì làm thế nào, bắt được trường hợp buôn lậu thì phải làm sao? Bên cạnh học cách phòng chống dịch, cậu cũng học được cách quản lý các hoạt động của đơn vị, cách giao tiếp với đoàn thể, xã hội, người dân.
Trung thấy may mắn khi đã có cơ hội cùng các chú ở rừng xuyên đêm để bắt tội phạm. Dù vất vả và nguy hiểm, Trung luôn nghĩ "đàn anh của mình làm được, không có lý do gì lại e ngại hay lo sợ".
Trương Trùng Dương làm nhiệm vụ tại đồn Pò Hèn. Ảnh: HT |
Cùng rời Học viện đi tăng cường nhưng Trương Trùng Dương (quê Quảng Trị) và Hoàng Như Thanh (Đăk Lăk) lại được phân đến Đồn Biên phòng Pò Hèn (Móng Cái, Quảng Ninh) với nhiệm vụ cơ động, tăng cường cho các chốt khi cần. Dương có sức khoẻ tốt, từng đạt giải nhì và ba Vận động viên chiến sĩ khoẻ cấp Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nên sự khắc nghiệt của thời tiết như mưa dầm, rét mướt không làm khó được nam sinh khoa Phòng chống ma tuý và tội phạm này.
Hôm trước nửa đêm mưa gió, có thông tin người Việt Nam bị đẩy về qua biên giới, Dương và các anh trong đội phải lập tức đến tiếp nhận, đưa về khu cách ly. Vất vả như vậy nhưng em "thấy hạnh phúc khi được làm công việc mình thích".
Trong hành trang lên biên giới tăng cường chống dịch của Tài, Trung, Dương, Thanh, ngoài quần áo và các đồ dùng sinh hoạt còn có tài liệu học tập. Trùng Dương cho biết trong quyết định điều động học viên lên biên giới chống dịch chưa có ngày về. Tuy nhiên, theo lịch là tháng 6 học viên năm cuối thi tốt nghiệp, vì vậy, lúc được nghỉ giữa hai ca gác, các em đều tranh thủ ngồi học.
Từ trái qua, học viên Lê Phúc Nghĩa, Hoàng Như Thanh, Trương Trùng Dương tranh thủ giờ nghỉ giữa hai ca gác để ôn bài. Ảnh: Hoàng Thuỳ |
Thiếu tá Mai Văn Thể, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Hèn, nói các sinh viên đã không ngại khó, ngại khổ, luôn làm hết sức mình khi được giao nhiệm vụ. Tuy nhiên, anh lo lắng cho sức khoẻ học viên khi thời tiết mưa liên tục. "Khi lên đường các em chỉ được phát hai bộ quần áo dã chiến. Trời mưa, độ ẩm cao, quần áo phơi mãi không khô. Có em 7 ngày rồi không được thay quần áo", thiếu tá nói.
Là trưởng đoàn quản lý học viên tăng cường cho biên phòng tỉnh Quảng Ninh, trung tá Đồng Sơn Hùng, giảng viên khoa Trinh sát, cho biết phần lớn học viên về với đất Mỏ đều quê ở miền Nam, khí hậu, điều kiện sinh hoạt rất khác miền Bắc. Tuy nhiên, các em đã thích nghi rất tốt cả về công việc lẫn thời tiết, chấp hành nghiêm kỷ luật.
Theo dự kiến, hôm 9/3 học viên diễn tập cuối khoá và viết luận văn trước khi ra trường, nhưng các kế hoạch đều dời lại để tập trung nhiệm vụ phòng chống Covid-19. "Đây là cơ hội rất tốt cho các học viên thực tập, có kinh nghiệm công tác trước khi ra trường, về các đồn Biên phòng trên cả nước", thầy Hùng nói và cho biết, đơn vị và Bộ chỉ huy đã dùng phép thử để kiểm tra học viên như đóng giả người dân dùng tiền hối lộ để xin qua biên giới nhưng các em đã thể hiện bản lĩnh.
Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Chính uỷ Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh cho biết, khi chưa có học viên, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phải tăng cường 170 quân từ đơn vị vũ trang về các Đồn. Với sự tham gia của học viên, vòng kiểm soát dịch bệnh được thắt chặt, hiệu quả hơn.
Từ đầu tháng 2, 535 tổ chốt chặn (260 cố định, 275 lưu động) của Bộ đội Biên phòng đã được lập để kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung. Trong tổng số gần 3.000 người tham gia, có hơn 1.700 cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng và khoảng 1.200 cán bộ thuộc các lực lượng công an, quân sự, hải quan, y tế địa phương, dân quân.
Theo VNE