Ba lý do để du học sinh ngừng than vãn các khu cách ly Việt Nam

Thứ hai, 23/03/2020, 19:15
Câu chuyện du học sinh ồ ạt về nước tránh dịch nhưng một vài người lên tiếng chê bai điều kiện cách ly 'bẩn, không thể ở được' khiến nhiều người bức xúc.

Vì sao du học sinh nên ngừng than vãn và chê bai các khu cách ly khi về nước?

Những ngày qua, hàng ngàn du học sinh và Việt kiều ồ ạt về nước trước khi các nước phương Tây đóng cửa “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trở về nước có nghĩa là trở về với quê hương, gia đình, với nơi họ sinh ra và từng lớn lên. Tất cả phải trải qua 14 ngày cách ly tập trung trước khi trở lại cuộc sống bình thường. Mục đích của việc này không gì khác ngoài 2 chữ an toàn– an toàn cho chính bản thân họ, an toàn cho người sinh thành và cho những người xung quanh.

Tuy nhiên, vài ngày qua, những người mới trở về lập tức lên mạng than vãn về điều kiện cách ly ở Việt Nam với những từ ngữ như: "kinh khủng khiếp thật sự", "không dám đụng vào bất cứ cái gì" hay “không giống review trên Youtube”... Những lời nói trên  khiến dư luận giận dữ trước thực tế cả nước đang gồng mình chiến đấu với đại dịch.

Dưới đây là 3 lý do để các du học sinh ngừng “kể khổ” và phối hợp cách ly đúng quy định với cơ quan chức năng.

Thứ nhất, các bạn đang tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh

Có thể thấy hầu hết các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và lây nhiễm ra cộng đồng hầu hết đều trở về từ các quốc gia bùng phát dịch như Ý, Anh hay Mỹ…

Cập nhật đến sáng 23.3.2020, Ý là nước thứ 2 trên thế giới sau Trung Quốc với gần 60.000 ca nhiễm, hơn 5.000 ca tử vong. Ý cũng rơi vào những ngày tang thương khi hàng trăm người mất trong vòng 24 giờ vì Covid-19. Mỹ đứng thứ ba với 35.000 ca nhiễm, gần 500 người tử vong. Tiếp sau đó là các nước Tây Ban Nha, Đức, Iran, Pháp, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Anh... đều có số ca nhiễm tăng cao mỗi ngày.

3 lý do để du học sinh ngừng than vãn các khu cách ly Việt Nam - ảnh 1

Du học sinh và Việt kiều từ khắp nơi trên thế giới về nước để tránh dịch Covid-19

Trở về từ vùng dịch, có nghĩ là bạn đang tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh cao và lây lan ra cộng đồng. Cả nước đang bước vào “2 tuần thử thách” để chống lại đại dịch thế giới. Việc cách ly 14 ngày đầu tiên là để an toàn cho bản thân của chính bạn. Sau đó, đây cũng là trách nhiệm, sứ mệnh của mỗi một công dân  với cộng đồng, với Tổ quốc. Đã trở về Việt Nam, có nghĩa là bạn được hưởng đầy đủ quyền lợi của một công dân Việt, bạn được chào đón, được chăm sóc sức khỏe và được bảo vệ khỏi dịch bệnh. Vậy thì bạn cũng phải thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc bằng một hành động hết sức đơn giản, cách ly 14 ngày.

Thứ hai, đi cách ly chứ không phải nghỉ dưỡng

Nếu bạn đi du lịch hoặc nghỉ dưỡng, bạn có quyền phàn nàn về dịch vụ kém hoặc tệ vì số tiền bạn bỏ ra không xứng đáng. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, các bạn đang được cách ly an toàn, được cộng đồng chăm sóc và bảo vệ mà chưa tốn phí bởi vì bạn là công dân Việt Nam.

Có bao giờ bạn nghĩ, ai là người thức đêm chạy những chuyến xe dài chở bạn về khu cách ly? Ai là người phục vụ đồ ăn và thực phẩm tận phòng mỗi ngày 3 bữa cho bạn? Ai là ngày đêm canh gác, túc trực để đảm bảo không ai xâm phạm, tấn công bạn? Trong khi bạn ngon giấc trên giường ngủ, có biết bao thanh niên phải nằm trên bìa carton, trên nền đất?... Họ cũng đều là những công dân Việt nhưng vì bạn, vì xã hội mà làm nhiệm vụ. Bạn đòi sự bình đẳng, vậy những người đang hy sinh thầm lặng để chống dịch Covid-19, họ đã đỏi hòi gì từ bạn?

3 lý do để du học sinh ngừng than vãn các khu cách ly Việt Nam - ảnh 2

Ùn ùn tiếp tế người thân ở khu cách ly tránh Covid-19: Hãy thương những người làm công tác phòng dịch, họ đã đủ mệt rồi.

Trong những ngày này, Hà Nội đang đón 20.000 người Việt Nam; TP.HCM đang đón khoảng 17.000 người Việt từ vùng dịch về nước. Toàn bộ khu KTX Đại học Quốc gia TP.HCM lập tức trở thành địa điểm cách ly. Ngay trong đêm, hàng nghìn sinh viên và thanh niên phải dọn dẹp đồ đạc, phòng ốc để nhường lại không gian sinh hoạt cho các bạn

Với một số lượng người trở về quá lớn và ồ ạt như vậy, công tác chuẩn bị chắc chắn sẽ gặp nhiều thử thách, nhưng tất cả đã cố gắng hết sức. Câu chuyện về “đội phản ứng nhanh” tình nguyện dọn dẹp ký túc xá với hơn 120 tình nguyện viên đã trắng đêm dọn dẹp vật dụng, đồ đạc của sinh viên còn lại, chuyển đến các kho, kịp thời giúp ban quản lý KTX chuẩn bị cho khu cách ly phòng chống COVID-19 đã khiến nhiều người cảm động.
3 lý do để du học sinh ngừng than vãn các khu cách ly Việt Nam - ảnh 3

Nhiều thanh niên tình nguyện trắng đêm dọn dẹp, nhường chỗ ngủ cho người cách ly

Nhưng bù lại, các du học sinh trở về nước đã nói gì?
"Nói không phải chứ ở đây kinh khủng khiếp thật sự. Không biết sống sao, không dám đụng bất cứ cái gì trong cái phòng này hết. Không như mấy cái review trên youtube đâu mọi người", một nữ du học sinh Mỹ chê bai điều kiện sống trong khu cách ly ĐH Quốc Gia TP.HCM trên Facbook.

"Không thể sống nổi luôn ấy. Như này quá sức chịu đựng của mình rồi mọi người ơi. Wifi không có, không có cái gì hết. Mọi người làm ơn đặt trường hợp đang sống ở một nơi gọi là sạch sẽ đi. Xong về ở như thế này thì cảm thấy như thế nào", Nữ du học sinh Canada dùng những từ ngữ rất khó nghe về khu cách ly.

“Có 4-8 người trong một phòng nhỏ và bẩn, không nệm, không quạt, không gối, không dịch vụ giao đồ ăn, 2 bữa cơm một ngày", một Việt kiều có tên Loc Selena Tran từ Bali (Indonesia) về Việt Nam đã viết như vậy trên Facebook cá nhân, mặc dù hình ảnh cô đăng tải có đầy đủ đồ dùng, quạt điện, nệm dày để sinh hoạt.

3 lý do để du học sinh ngừng than vãn các khu cách ly Việt Nam - ảnh 4

Du học sinh chê bai KTX Đại học Quốc gia TP.HCM

Nhiều cựu sinh viên ĐH Quốc gia tỏ ra bức xúc. Thúy Hằng (29 tuổi, cựu sinh viên ĐH Khoa học Xã hội nhân văn TP.HCM), cho biết: “KTX Đại học Quốc gia TP.HCM là nơi ở và sinh hoạt của biết bao thế hệ sinh viên chứ không phải nhà hoang mà để nhận chỉ trích như vậy. KTX nằm ở khu đất rộng lớn, cách xa đô thị ồn ào, không có khói bụi, KTX có thể cũ theo thời gian chứ không thể bẩn thỉu như các bạn du học sinh nói. Bản thân mình cảm thấy khá buồn khi đọc những lời bình luận đó”.

Thứ 3, trở về Việt Nam để làm gì? Nghỉ ngơi, thăm nhà hay để được an toàn?

“Các bạn tự hỏi bản thân đi, mục đích các bạn trở về Việt Nam để làm gì? Để nghỉ ngơi, để thăm nhà hay… để an toàn?”, một cựu sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM viết trên Facebook. “Rõ ràng các bạn về Việt Nam để tránh dịch, nhưng các bạn lại đang có nhiều sự đòi hỏi thái quá”. Một người khác bình luận: “ Nếu bạn có đầy đủ visa và giấy tờ hợp pháp, bạn cũng không phạm tội thì không có một đất nước hay quốc gia nào đuổi bạn cả, vậy thì lý do nào để bạn trở về?”…

Trong khi nhiều nước trên thế giới tỏ ra thờ ơ, thậm chí chủ quan khi Covid-19 bắt đầu lây lan thì tại Việt Nam, công tác phòng dịch đã được thực hiện chủ động từ những ngày đầu. Mọi công tác phòng chống và ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19 được thực hiện đồng loạt ở các địa phương. Các thông tin về chăm sóc y tế và xét nghiệm đều được thực hiện khẩn trương và miễn phí nếu như bất kỳ một ai có dấu hiệu của dịch bệnh.

3 lý do để du học sinh ngừng than vãn các khu cách ly Việt Nam - ảnh 5

Bệnh nhân Trung Quốc xuất viện, liên tục cảm ơn bác sĩ Việt Nam

16 trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên đều được chữa khỏi, trong khi thế giới nhiều người phải bỏ mạng vì không được chữa trị kịp thời. Quay trở lại với câu hỏi “Vì sao phải trở về?”, câu trả lời chẳng phải vì bạn muốn được an toàn?

Nam ca sĩ Nathan Lee cũng từng viết một câu nói khiến nhiều cư dân mạng đồng tình, câu nói mang tính thông điệp rõ ràng: “Nếu không thoải mái, bạn hoàn toàn có thể book vé trở về nơi bạn đã đi. Để chỗ cho những người thật sự xứng đáng được quan tâm, chăm sóc”.

3 lý do để du học sinh ngừng than vãn các khu cách ly Việt Nam - ảnh 6

Đây là lúc để mỗi người cùng đồng lòng góp sức, "đánh tan giặc" Covid-19

Đây không phải là lúc để du học sinh về nước đỏi hòi hay thể hiện sự ích kỷ của bản thân. Đây là lúc để mỗi người cùng đồng lòng góp sức chống đại dịch Covid-19, như những lời thơ trong bài Dịch bệnh rồi sẽ qua, nhưng bài ca ở lại tác giả Lương Đình Khoa gây xúc động những ngày qua.

Theo TNO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích