Chống dịch bằng niềm tin

Thứ hai, 23/03/2020, 17:14
Trước chuyến bay tại Lebanon, khi bị một binh sĩ hỏi về khẩu trang và nước rửa tay, một cha xứ nói "Chúa bảo vệ và sát trùng" cho ông.

Đối với hàng tỷ người đang quay cuồng trong một đại dịch mà các nhà khoa học và giới chính trị gia dường như chưa có nhiều câu trả lời, tôn giáo là niềm an ủi, cũng như điều đầu tiên mà họ trông cậy. Giữa lúc thiếu thốn cả vật tư và sự lãnh đạo, nỗi sợ hãi Covid-19 thúc đẩy mọi người gắn bó hơn với tôn giáo và các nghi lễ.

Tuy nhiên, bình luận viên Vivian Yee của NY Times chỉ ra rằng những điều giúp xoa dịu tâm hồn không phải lúc nào cũng tốt cho cơ thể, khi các tín đồ khắp thế giới đang đi ngược lại cảnh báo của giới chức y tế về việc hạn chế tụ tập đông người nhằm ngăn nCoV lây lan.

Các tín đồ giữ khoảng cách khi hành lễ tại nhà thờ Hồi giáo Al Akbar ở Đông Java, Indonesia hôm 20/3. Ảnh: AP.

Các tín đồ giữ khoảng cách khi hành lễ tại nhà thờ Hồi giáo Al Akbar ở Đông Java, Indonesia hôm 20/3. Ảnh: AP.

Ahmed Shaban, dược sĩ 31 tuổi người Ai Cập, vừa hành hương đến nơi sinh và lăng mộ của Nhà tiên tri Muhammad tại Arab Saudi. Hàng triệu tín đồ Hồi giáo cũng đổ về nơi này mỗi năm. Nhiều người dừng lại để hôn lên Kaaba, khối lập phương phủ vải đen ở Mecca, ngôi đền linh thiêng nhất của người Hồi giáo.

"Trong những lúc khó khăn, sợ hãi hoặc hoảng loạn, bạn sẽ nghĩ rằng 'sao Thượng đế lại làm điều này với chúng con', hay chạy tới nơi Ngài để cầu xin sự bảo vệ và chỉ dẫn, khiến cho tất cả trở nên có ý nghĩa?", Shaban đặt câu hỏi.

Chính phủ Arab Saudi, nơi ghi nhận hơn 500 ca nhiễm nCoV, đã ban lệnh cấm hành hương đến Mecca và Medina vô thời hạn. Nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa ở Jerusalem cũng đóng cửa, khiến các tín đồ giờ đây không thể đến ba địa điểm linh thiêng nhất của Hồi giáo.

Những quyết định này đưa ra sau khi dịch bệnh bùng phát từ nhà thờ Tân Thiên Địa ở Daegu, Hàn Quốc. Cuộc hành hương gồm 16.000 người Hồi giáo tại thánh đường Sri Petaling ở ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia và một cuộc họp của các tín đồ Do Thái giáo Chính thống ở New York, Mỹ cũng liên quan tới hàng loạt ca nhiễm nCoV.

Tuy nhiên, tình trạng cách biệt cộng đồng có thể khiến mọi người cảm giác xa cách với Thượng đế. Làm sao bạn có thể cảm nhận được sự ấm áp của buổi cầu nguyện chung, thứ thu hút các tín hữu khắp thế giới đến nhà thờ, thông qua ánh sáng xanh lạnh lẽo từ dịch vụ phát trực tuyến?

"Tôi đang thực hiện các biện pháp đề phòng virus, nhưng không gì có thể lây nhiễm vào đức tin. Tôi tin rằng mọi người đều chết do số mệnh, không quan trọng là do virus hay tai nạn giao thông. Chúa sẽ giúp tất cả", Monica Medhat, người điều hành một nhà máy bia ở Ai Cập, đồng thời là tín đồ Chính Thống giáo Coptic, cho hay.

Đội ngũ cố vấn tôn giáo đang tìm cách hướng đức tin của các tín đồ vào những hoạt động nội tâm. Rabbi David Lau, giáo sĩ trưởng của cộng đồng Do Thái Ashkenazi ở Israel, kêu gọi các tín đồ nói 100 câu phúc lành mỗi ngày, như Vua David từng làm khi đối mặt với dịch hạch.

Trong khi đó, Thượng phụ Tawadros II của Giáo hội Chính Thống giáo Coptic Ai Cập, cho biết đại dịch là lời cảnh tỉnh để mọi người có cơ hội sám hối. "Nếu sự khác biệt tồn tại giữa chúng ta thì đây là lúc để hòa giải", Thượng phụ phát biểu trong một bài giảng.

Bất chấp nỗ lực của họ cũng như loạt quy định từ chính quyền, những cuộc tụ họp vẫn diễn ra. Tại New York, nhiều tín đồ Do Thái Hasidic đã phá lệnh cấm tập trung đông người khi tổ chức các lễ cưới lớn ở quận Brooklyn. Giới chức ghi nhận số ca nhiễm nCoV tăng đột biến trong cộng đồng này những ngày gần đây.

Iran là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19, với hơn 21.000 ca nhiễm và gần 1.700 người chết. Tuy nhiên, hàng chục ngôi đền Hồi giáo Shiite vẫn mở cửa suốt nhiều tuần. Khi chính phủ quyết định đóng cửa hai ngôi đền thiêng ở thành phố Mashhad và Qom hôm 16/3, đám đông đã tập trung phản đối và đòi mở cửa. "Tổng thống vô cùng sai lầm khi làm điều này", họ hét lên.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 339.000 ca bệnh và hơn 14.600 người chết, các tín hữu trên thế giới buộc phải thích nghi với thực tế. Thay vì đến nhà thờ, họ sẽ phải cầu nguyện tại nhà hoặc tuân thủ những quy định kiểm dịch.

Đây là tuần thứ tư không có thánh lễ nào ở Italy. Nhưng tại thành phố Palermo thuộc vùng Sicily, đền thờ Thánh Rosalia, người được tin là đã cứu địa phương này khỏi dịch hạch năm 1625, vẫn mở cửa. Linh mục Gaetano Ceravolo cho biết bất chấp lệnh hạn chế đi lại của chính phủ, khoảng 40 tín đồ hôm 15/3 vẫn đến ngôi đền, nhưng họ chỉ cầu nguyện trong thời gian ngắn và giữ khoảng cách xa nhau.

"Với chúng tôi, Thánh Rosalia vừa là người bạn, vừa là chân lý. Những người khác có thể tận hiến cho Đức mẹ đồng trinh Mary. Nhưng với người Palermo, Thánh Rosalia là chuyên gia về các dịch bệnh", Francesco Tramuto, một tín đồ tại ngôi đền, giải thích.

Tại Israel, cả ba tôn giáo chính khởi nguồn từ Abraham đều tìm cách điều phối các tín đồ nhằm giữ an toàn cho họ. Quảng trường Bức tường Than khóc đã được chia thành những khu cầu nguyện nhỏ, giúp tránh tụ tập đông người. Các thánh đường cũng hạn chế số người đến dự lễ và yêu cầu những người nguy cơ sức khỏe cao ở nhà. Các nhà thờ ở Bờ Tây đóng cửa, trong khi tín đồ chỉ được phép cầu nguyện bên ngoài Núi Đền thiêng liêng tại Jerusalem.

Những thánh lễ của Giáo hoàng Francis giờ đây phát trực tuyến. Ngôi chùa Phật giáo Kinpusen-ji tại tỉnh Nara, Nhật Bản cũng sử dụng phương pháp tương tự khi thực hiện nghi lễ nhằm xua đuổi virus. Các nhà thờ ở Hàn Quốc tổ chức thánh lễ và phát qua nền tảng Youtube, sau khi phần lớn ca nhiễm nCoV ở nước này được phát hiện liên quan tới giáo phái Tân Thiên Địa.

"Tôi rất buồn vì địa điểm mọi người cầu nguyện và tìm niềm an ủi lại trở thành nơi chứa đựng nỗi sợ. Tôi tự hỏi chuyện này sẽ kéo dài bao lâu. Cầu nguyện bằng cách nhìn vào màn hình khác với việc đến nhà thờ mỗi chủ nhật", Kim Jeong-ja, cư dân 58 tuổi ở Seoul, cho biết.

Một cha xứ ở Berlin, Đức giảng đạo thông qua nền tảng phát trực tuyến. Ảnh: NY Times.

Một cha xứ ở Berlin, Đức giảng đạo thông qua nền tảng phát trực tuyến. Ảnh: NY Times.

Trong lúc Covid-19 gieo hoang mang khắp nơi, nhiều tín đồ tin rằng đại dịch có mối liên hệ với thần linh. Một số người Hồi giáo ở Ai Cập quả quyết trên mạng xã hội rằng Thượng đế đang trừng phạt các quốc gia không theo đạo Hồi bằng cách đưa virus đến. Trong khi đó, Ai Cập đã ghi nhận hơn 300 ca nhiễm nCoV và hơn 10 người chết.

Niềm tin tôn giáo còn khiến các tín đồ chống dịch theo những phương pháp thiếu cơ sở khoa học. Tại Myanmar, một nhà sư Phật giáo nổi tiếng nói rằng "bài thuốc" gồm một quả chanh và ba hạt cọ, không hơn không kém, sẽ mang lại khả năng miễn dịch. Trong khi đó, những video trên mạng xã hội cho thấy nhiều người Iran hôn cổng và cột đền thờ để tránh nhiễm nCoV.

Nhà truyền giáo Kenneth Copeland ở bang Texas, Mỹ, còn tuyên bố có thể chữa bệnh cho các tín đồ qua màn hình TV. Hai tuần trước, một nhóm tín đồ Hindu giáo ở Ấn Độ thậm chí tổ chức "bữa tiệc" uống nước tiểu bò tại thủ đô New Delhi vì tin rằng nó có thể chữa được Covid-19.

Tại một bệnh viện của chính phủ ở Lebanon, nơi điều trị cho bệnh nhân Covid-19, một phụ nữ nhập viện gần đây mang theo hỗn hợp nước phép và đất đào từ lăng mộ Thánh Charbel, người được các Kitô hữu ở Lebanon tôn sùng. Một số tín đồ được cho là đã uống hỗn hợp này để phòng dịch.

Bệnh viện kiểm tra mẫu đất và kết luận rằng nó không có khả năng gây hại, nên cho phép các bệnh nhân giữ nó để cảm thấy thoải mái hơn. Một quan chức bệnh viện cho biết dù sao cũng đã quá muộn cho một phép màu.

Theo VNE

Các tin cũ hơn