Gần như mọi quốc gia trên trái đất đang vật lộn để mở lại nền kinh tế một cách an toàn trong khi tiếp tục chiến đấu với virus corona. Nhưng một số quốc gia đang làm tốt hơn những quốc gia khác.
Tờ Politico đã lập bản đồ hiệu suất của 30 quốc gia đi đầu trong công tác chống dịch bằng cách vẽ sơ đồ kết quả kinh tế và sức khỏe cộng đồng của các quốc gia này. Các quốc gia cũng được phân nhóm chúng dựa trên việc đưa ra biện pháp hạng chế nhẹ, trung bình hoặc nghiêm ngặt đối với thương mại và tương tác xã hội.
Sơ đồ hiệu suất chống dịch của 30 quốc gia, trong đó, Việt Nam xếp hạng cao nhất. Bảng xếp hạng của Politico chia 30 quốc gia thành 3 nhóm màu, trong đó các nước có viền màu tím áp dụng các biện pháp hạn chế ở mức nghiêm ngặt, các nước có viền màu vàng áp dụng các biện pháp hạn chế ở mức vừa phải, còn các nước có viền màu xanh áp dụng các biện pháp hạn chế ở mức nhẹ. Ảnh: Politico. |
Trong các quốc gia này, Việt Nam đã xếp hàng đầu trong hệ quy chiếu và là quốc gia vừa có tình hình sức khỏe cộng đồng cùng tình hình kinh tế tốt nhất trong công tác chống dịch. Việt Nam là quốc gia đông dân nhất chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào do Covid-19.
“Việt Nam là nước đông dân nhưng không có ca tử vong nào, với khoảng 300 ca nhiễm được ghi nhận trong tổng số 95 triệu dân. Nền kinh tế Việt Nam được dự đoán tăng 2,7% trong năm 2020, đưa Việt Nam trở thành nước ứng phó thành công nhất với Covid-19 trên toàn cầu”, Politico nhận định.
Ma trận của Politico xem xét điểm số ca nhiễm, tử vong, GDP và tỷ lệ thất nghiệp, cũng như cách các số liệu đó được định hình bằng các biện pháp cụ thể của chính phủ. Ví dụ, Đức có các chỉ số trên khác nhau nhưng nhìn chung không mấy khả quan. Kinh tế của Đức sụt giảm cùng tốc độ với các nước láng giềng. Tuy nhiên, Đức có tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp hơn nhiều so với các nước khác nhờ việc xét nghiệm rộng rãi và hệ thống y tế được chuẩn bị tốt.
New Zealand và Thụy Điển có những cách tiếp cận trái ngược nhau để chống dịch. Hai bên có kết quả sức khỏe cộng đồng rất khác nhau, nhưng suy thoái kinh tế của hai quốc gia này gần như giống hệt nhau. Một số quốc gia có số GDP tương tự nhưng tỷ lệ thất nghiệp hoàn toàn khác nhau (Anh, Mỹ và Nhật Bản), một con số phụ thuộc vào việc chính phủ có đảm bảo trả lương cho người lao động hay không.
Theo Politico, Ấn Độ đã tránh được việc hệ thống y tế mong manh của quốc gia này quá tải thông qua lệnh phong tỏa có quy mô lớn nhất thế giới. Nhưng điều này khiến tăng trưởng kinh tế Ấn Độ có thể giảm đến 45% trong quý này.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tính đến thời điểm hiện tại, ít nhất 340.000 người đã tử vong vì Covid-19, trong khi số ca nhiễm lên tới hơn 5,2 triệu người trên toàn thế giới. Mỹ hiện vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với 98.683 ca tử vong và hơn 1,66 triệu ca nhiễm.
Theo Zing