Trung Quốc bỏ từ "hòa bình" khi nói về thống nhất Đài Loan

Thứ sáu, 22/05/2020, 16:50
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã không sử dụng từ "hòa bình" khi đề cập đến mong muốn "thống nhất" Đài Loan của Bắc Kinh, giữa lúc quan hệ hai bờ eo biển tiếp tục đi xuống.

Trong báo cáo công việc tại phiên khai mạc kỳ họp thường niên của quốc hội Trung Quốc hôm 22/5, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẽ "kiên quyết phản đối và ngăn chặn mọi hoạt động của những phần tử ly khai nhằm giành độc lập cho Đài Loan", theo Reuters.

Trung Quốc sẽ cải thiện các chính sách và biện pháp để khuyến khích trao đổi và hợp tác ở eo biển Đài Loan, bảo vệ sự thịnh vượng của người dân Đài Loan, theo người đứng đầu Quốc vụ viện Trung Quốc.

"Chúng tôi sẽ khuyến khích họ tham gia cùng chúng tôi trong việc phản đối Đài Loan độc lập và thúc đẩy sự thống nhất của Trung Quốc", ông Lý nói. "Với những nỗ lực này, chúng tôi chắc chắn có thể tạo ra một tương lai tươi đẹp cho công cuộc chấn hưng dân tộc Trung Hoa".

Tuy nhiên, ông không sử dụng từ "hòa bình" trước từ "thống nhất", khác với ngôn từ tiêu chuẩn mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã sử dụng ít nhất 4 thập kỷ qua khi nói trước Quốc hội và đề cập đến Đài Loan.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thường niên sáng 22/5. (Ảnh: Reuters).

Trung Quốc xem Đài Loan là vấn đề lãnh thổ nhạy cảm và quan trọng nhất của họ, và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đưa lãnh thổ mà họ coi là một tỉnh về dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh, biến eo biển Đài Loan trở thành điểm nóng quân sự tiềm năng.

Đài Loan đã chỉ trích việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự kể từ khi đại dịch virus corona xảy ra, với máy bay chiến đấu và tàu hải quân thường xuyên đến gần hòn đảo trong các cuộc diễn tập mà Trung Quốc nói là hoạt động định kỳ.

Một quan chức cấp cao của Đài Loan nói với Reuters rằng việc thiếu vắng từ "hòa bình" không báo hiệu thay đổi căn bản trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với hòn đảo này.

"Họ vẫn đang nói về khái niệm thống nhất hòa bình, chỉ là thông qua cách biểu đạt ngôn ngữ gián tiếp", người này, vốn nắm rõ chính sách của Đài Loan đối với Trung Quốc, nhận xét, chỉ ra những lời lẽ của ông Lý về trao đổi xuyên eo biển và hội nhập kinh tế.

"Việc này mang tính chất trung tính. Chúng tôi không nhìn theo cách đó".

Phát biểu tại Đài Bắc hôm 20/5 khi nhậm chức bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn nói Đài Loan không thể chấp nhận việc trở thành một phần của Trung Quốc theo đề nghị "một quốc gia, hai chế độ" và bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Trung Quốc muốn Đài Loan chấp nhận mô hình "một quốc gia, hai chế độ", được cho là đảm bảo quyền tự chủ cao, đã được Bắc Kinh áp dụng để quản lý 2 đặc khu hành chính Hong Kong và Macau.

Tuy nhiên, tất cả đảng lớn của Đài Loan đều không chấp nhận đề nghị này.

Đáp lại ông Lý, Hội đồng Đại lục Sự vụ của Đài Loan cho biết người dân Đài Loan kiên quyết phản đối đề xuất "một quốc gia, hai chế độ" vì việc này "làm giảm giá trị của Đài Loan và làm tổn hại nguyên trạng ở eo biển Đài Loan".

Theo Zing

Các tin cũ hơn