Lẩn thẩn nhớ cuộc đến Phú Quốc của chúng tôi năm đã xa…
Chúng tôi đây là bộ tứ cùng quê, người làm trong Nam, kẻ Bắc nhưng thường hẹn nhau mỗi năm phải đi cùng nhau nếu không được rừng thì phải biển. Nhà thơ đại tá Nguyễn Văn Hiếu mà bạn đọc dễ nhớ với tôi lầm lỗi để em thành cổ tích / em hoá rằm vằng vặc một miền tôi! Nhà thơ Lê Quang Sinh mấy tập thơ đã in, sau này phụ trách Bảo tàng Hội Nhà văn. Đại tá nhà văn Nguyễn Bảo khi đó chưa hưu, đương chức Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân Đội.
Phú Quốc năm xa ấy chưa xôm tụ khách sạn, nhà hàng. Cả bọn tá túc chỗ quen là nhà anh Sáu Mẫn cán bộ huyện đảo. Nhà anh rộng rinh.
Sáng hôm sau, cái nơi chúng tôi cần đến đầu tiên là di tích nhà lao Cây Dừa cách trung tâm huyện đảo gần bốn mươi cây số. Hồi hộp, háo hức nhưng chợt hơi hẫng… Nếu Phú Quốc sau 1975 cánh anh em mình chậm và bớt đi cái việc hăng hái dọn quang sạch bách khu trại giam Cây Dừa này? Chuồng cọp. Tháp canh hàng rào thép gai những cũi lợn những mắt cáo... Nay còn lại thưa thớt vài cái nhưng nghe nói là thứ phục chế? Nhà bảo tàng hay là nhà chứng tích tội ác cần thiết nhưng mà bớt đi tỷ lệ nhôm kính sáng nhấp nháy có lẽ khả dĩ hơn?
May cái là cô gái hướng dẫn khách thăm tên là Ngọc Giàu nhỏ nhắn trắng trẻo thuyết minh cho chúng tôi, mỗi lúc nói tới tội ác của bọn cai ngục kìm kẹp tra tấn anh em ta mà mắt cô cứ rưng rưng. Giàu quê Phú Quốc này. Nhà tám anh chị em, cũng túng. Mang cái tên Giàu mong có ngày sẽ đơ đỡ, cô cười... Thi đại học sư phạm không đậu, Giàu xin vô làm ở nhà Bảo tàng. Chợt râm ran như rôm cắn khi Ngọc Giàu chỉ cho chúng tôi tấm ảnh phóng to chụp một người tầm vóc cao lớn, mái tóc bạc trắng đang hướng dẫn mấy cán bộ bảo tàng hí húi làm cái chi đó bên đống dây thép gai...
Chất giọng thanh thanh của cô thoắt nghèn nghẹt cái người đây là thượng sĩ nhất Trần Văn Nhu thường kêu bằng Bảy Nhu. Trong số cai ngục ác ôn của nhà lao Cây Dừa, ông ta là một tên mất tính người nhất. Bảy Nhu có kiểu tra tấn dã man rùng rợn. Ngoài đòn tra nhúng từ từ tù binh vào chảo nước sôi, Bảy Nhu rất khoái dùng một cái tay thước bằng gỗ lim. Y chầm chậm đến trước người tù rồi bất thần vung thước lên đánh bay mắt cá chân của tù binh. Hàng ngàn cán bộ chiến sĩ bị giam giữ ở đây đã từng mất mắt cá chân sau đòn đánh của Bảy Nhu như thế! Chưa hết, tay thước Bảy Nhu còn bất thần vụt như ma thuật, rắc cái là bay mất mấy cái răng cửa của người tù! Nhẹ thì rụng răng cửa. Nặng thì bay cả hàm răng. Nghe tù binh ta nói lại, Bảy Nhu đã có một cái mũ sắt đựng đầy răng của anh em mình!
Kinh khủng quá mấy chú ơi! Nhiều chú đã từng giam ở đây nay tới tham quan bất ngờ khi biết được thượng sĩ Nhu còn sống đã chìa mắt cá chân nay là vết thương sâu hoắm và hàm răng giả khóc lóc đấm ngực hối cháu là phải chỉ đường cho các chú ấy tới làm thịt tên ác ôn này...
Ngọc Giàu nói y chang như câu chuyện hồi đêm của anh Sáu Mẫn.
Đòi thế thôi nhưng không có ai tới làm thịt Bảy Nhu cả. Mặc dù nhà hung thần ác ôn Bảy Nhu chỉ mười lăm phút cuốc bộ là tới...
Chao ôi bốn mươi ngàn tù binh. Bốn mươi ngàn cán bộ chiến sĩ. Tất cả các tỉnh trong cả nước kể cả những tỉnh mới chia tách ra bây giờ, tất tật các binh chủng của quân ta từ năm 1963 cho đến năm 1973, đều góp người vô Nhà lao Cây Dừa. Người đằng đẵng dằng dặc mười mấy năm. Người thì vài năm… đã chen chúc trong cái địa ngục trần gian này! Và hơn bốn ngàn cán bộ chiến sĩ đã gửi xương thịt dưới những vầng cỏ cháy vàng kia!
Tôi cố nèo Ngọc Giàu đưa tới nhà Bảy Nhu.
Đang thoăn thoắt ngon trớn tới khúc quẹo, bỗng cô khựng lại. Giọng đanh lại là cháu chiều mấy chú lắm đó. Nhiều khách thăm đòi tới nhà chả nhưng cháu đâu có chỉ đường. Cháu không sợ chi cả mà ngại. Ngại nhỡ có chuyện chi xảy ra. Ngại nữa là cháu hổng có muốn dòm thấy mặt chả...
Theo hướng chỉ của Ngọc Giàu, chúng tôi rẽ vào một ngõ sâu hút... Rồi ôi chao, bất ngờ một bầy chó dễ đến hơn chục con thứ vàng thứ xám hồng hộc lao ra. Cái thứ chó Phú Quốc dữ thì thật dữ nhưng cứ thụp người xuống tay huơ huơ là chúng khựng lại. Kinh nghiệm Sáu Mẫn bày cho tối qua đã không “đắc sách’’ với lũ chó nhà cai ngục Bảy Nhu bởi chúng cứ hồng hộc lao vào. Nói ra thì lâu nhưng làm thì chóng! Cả bọn cuống quýt, người thì vơ đại đất đá, người thì rút đại cái que kêu to “ông chủ ơi, ông Bảy Nhu ơi...’’ nên chúng cũng chờn. Vừa lùi vừa tiến để canh chừng đàn chó, lát sau chúng tôi đã lọt thỏm vào khu vườn trồng bạch đàn khá rộng trước ngôi nhà một mái xây cất khá khang trang, kiểu nhà phổ biến của dân đảo Phú Quốc. Cửa đóng. Nhưng đèn nê ông trong nhà lại sáng? Chó kêu người gọi dễ đến mươi phút như thế mà xung quanh vẫn lặng lẽ và cửa giả cứ im ỉm?
Tôi bước lên thềm nhà rộng rinh, cất tiếng “Ông Bảy ơi có khách nè...’’ nhưng mọi thứ vẫn lặng phắc? Bao quanh mặt tiền và hông trái nhà lát thứ gạch men bóng láng, lại có mùi nhang thoang thoảng, lẩn quất? Một cái cửa sổ thông thống chỉ có hoa sắt nên tôi ngó rõ một cái bàn thờ thật lớn và bốn bát nhang cũng khá to đang nghi ngút khói. Tuần nhang mới ngún có một phần ba? Chứng tỏ chủ nhân mới đốt?
... Một điều kỳ cục nữa là Bảy Nhu là người tu tại gia! Y thường ăn chay trường và lập bàn thờ Phật, kinh kệ ngay trong nhà. Thuở còn làm cai ngục, ngay sau khi nhúng người vào nước sôi, đánh gẫy răng tù, hắn vẫn kinh kệ nhang đèn rất thành tâm. Đến bây giờ Bảy Nhu vẫn giữ đều việc hương khói nhang đèn như thế...
Tôi thoáng nhớ lại cái thở dài tối qua của Sáu Mẫn.
Chúng tôi ngồi bệt xuống bậc thềm hút thuốc. Mới được vài hơi thì có cái âm thanh lách cách. Một người đàn ông nhỏ thó, chống nạng, mặt đen đen rất khó đoán tuổi, mái tóc dài cợp, trên lưng tòn ten một đứa con nít cỡ lên hai nhưng ngó èo uột. Phía bên quần phải buông thõng... Dạ mấy chú hỏi ba tui? Chắc ổng sang xóm bên có đám giỗ... Dạ tui ở bên hàng xóm, nghe chó kêu quá trời, giờ mới về tới.
Chả đợi hỏi nhưng người đàn ông ấy đã đáp liền. Lạ cái là mắt cứ nhìn chằm chằm vào nhà? Anh nhón lấy điếu thuốc tôi mời và cũng không mở cửa cứ tiếp chuyện trên sân nhà như thế...
Thì ra đây là con trai của ông Bảy Nhu năm nay đã gần bốn mươi! Bảy Nhu có hai trai một chết bệnh, một què... Bốn người con gái nữa. Con trai Bảy Nhu tiếp chúng tôi vẻ dè dặt. Anh cho biết, cha anh hơn tám mươi mà vẫn còn khoẻ thi thoảng mới làm vườn còn thì đi chơi hay nằm miết ở nhà...
Bảy Nhu sau khi đi học tập cải tạo về rồi vượt biên mấy lần không thoát, khách tham quan Phú Quốc, khi hay cái tin Bảy Nhu vẫn còn sống nhiều người đã đòi gặp Bảy Nhu. Hồi mới thì gặp được nhưng sau người đòi gặp nhiều quá, y lảng rồi trốn. Mấy chú lãnh đạo huyện chỉ cho y xuất hiện khi có đoàn tham quan nào đó bự bự. Mà bữa nay các chú tới chưa chắc chả có nhà hay nằm miết trong nhà hổng có ra...
Cô Ngọc Giàu hồi nãy nói linh thiệt! Chợt tiếc hồi sáng không nhớ ra là nhờ anh Sáu Mẫn nói qua với các anh ở huyện mấy câu.
... Có một lúc, giọng anh con trai rõ ràng là phấn chấn và cố ý nói lại hai lần cái chi tiết là có một cô em gái lấy chồng bộ đội Hải quân hiện ở vùng 5 đang đóng quân ở Phú Quốc... Kinh tế nhà cũng tạm. Vợ chồng anh cùng ở với ông già. Ba mẫu đất gia đình sở hữu đang trồng cây. Cũng đang tính phá một ít để trồng thứ cây chi bộn tiền nhưng kẹt vốn có lẽ sắp tới phải vay ngân hàng.
Anh Hiếu cầm lấy tay đứa trẻ èo uột đùa với nó “Má đâu con?’’; Nó lắc... “Nội đâu con?’’; Cũng lắc. Thoáng nhanh ánh mắt của ba nó lại chằm chằm vô nhà. Tôi ngó theo. Cha nó nói lảng thằng này đau bệnh hoài hoài à...
Tôi ngó lâu hơn chỗ ống quần phải đang thõng xuống của anh con trai Bảy Nhu. Anh không giấu. Rằng hồi mới giải phóng đảo, ông già anh đã cấm ngặt sắp nhỏ không được ra quanh chỗ trại tù chơi hay đi lượm sắt vụn vì ở đó có nhiều mìn chưa gỡ. Nhưng một lần anh đã quên và vướng mìn. Mất tiêu một bên chân.
Ông già anh vẫn thường nhang khói thế này à? Anh con trai Bảy Nhu chỉ gật sau câu hỏi của Nguyễn Bảo. Thấy hỏi vậy lại văng vẳng chuyện của anh Sáu Mẫn hồi khuya.
... Có tiếp xúc với nhiều đoàn tham quan trại tù mới biết anh em, đồng chí mình thiệt tuyệt vời. Lúc đầu tụi tui cũng ngán. Cứ cho họ tiếp xúc với Bảy Nhu thế này lỡ có bề nào thì cũng dở! Nhưng nhiều người bị chính Bảy Nhu tra tấn thành tàn phế, có người gặp có người chưa gặp Bảy Nhu nhưng hầu hết không tỏ thái độ cay cú thù hận gì... Người thì mát mẻ hay giận dữ chỉ vài câu, người thì hài hước rằng mỗi khi vết thương trở trời nhức buốt tôi lại phải nhớ nhiều đến ông đấy ông Bảy Nhu ạ.
Nhưng có người khi gặp Bảy Nhu chỉ đứng khóc. Hỏi sao khóc? Họ nói nhớ những anh em đã bị Bảy Nhu và những thằng khác tra tấn đến chết. Mà cùng kỳ mấy anh à, quá khứ đen ngòm ngòm với những tội ác chất chồng như thế mà không có ăn năn không dằn vặt đến ốm đau bệnh tật mà còn đèn nhang kinh kệ mà sống được lại sống khoẻ qua cái tuổi tám mươi?
Có người nói với tui rằng chả cứ sống phởn phơ như thế ngày nào hay ngày đó làm nhân chứng sống cho một tội ác.
Sống thọ là phần thưởng của Tạo hóa. Nhưng có sự hằng sống, sự sống lâu lại là một thứ hình phạt khắc nghiệt? Như hung thần Bảy Nhu đây? Nếu còn chút le lói thiên lương, mỗi thời khắc sự hằng sống lê thê của y cứ như một hình phạt của sự phán xử nghiệt ngã? Cứ ngó động thái cúi gằm của y trước một người tù trong bức hình của nhà bảo tàng đủ thấy hình phạt ấy khốc liệt đến thế nào?
Tôi không có cái may, hên như vài bạn đồng nghiệp có dịp được phỏng vấn ghi hình và cả trò chuyện với Bảy Nhu! Nhưng càng nghĩ nhiều đến sự hằng sống của cái người nay đà 94 ấy, thấy chẳng còn cái cảm giác muốn đụng, muốn dằn mặt như hồi hai mươi năm trước lần đầu đến Phú Quốc.