Đại sứ Phạm Sanh Châu, thứ ba từ phải sang, cùng gia đình dự đám cưới của đại gia Ấn Độ ở Phú Quốc đầu tháng 3/2019. Ảnh: NVCC. |
"Kể từ tháng 11/2018, các nhân viên ngoại giao của Việt Nam tại Ấn Độ đi đến đâu cũng nói một câu: nếu ông/bà thấy có đám cưới nào lớn thì hãy giới thiệu cho chúng tôi", ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ chia sẻ với VnExpress.
Tháng 11/2018 là thời điểm ông Châu, người bắt đầu nhiệm kỳ đại sứ từ cuối tháng 10 cùng năm, bắt đầu "chiến dịch lôi kéo các đại gia Ấn Độ tổ chức đám cưới tại Việt Nam".
Mục tiêu này của Đại sứ được đưa ra sau khi ông nghe một người bạn Ấn Độ tên là Kamal Kumar cho biết nghi lễ này rất nổi tiếng, riêng thiệp mời đã trị giá 80 USD vì đi kèm với rất nhiều quà cho khách. Sau đó, ông Châu được "mục sở thị" khi dự lễ ăn hỏi có quy mô 800 người, lễ cảm ơn hậu đám cưới có đến 1.200 khách tham gia. Tìm hiểu thêm, Đại sứ càng bất ngờ khi biết chi phí cho đám cưới của các đại gia Ấn Độ trong một năm có thể lên đến 60 tỷ USD. Khách mời không chỉ đông mà còn đa dạng, đến từ ít nhất 12 quốc gia khác nhau. Đó là bạn học và đồng nghiệp của cô dâu, chú rể, bạn bè của gia đình hai bên, họ hàng định cư ở Mỹ, Australia, Canada và đối tác làm ăn ở khắp thế giới.
"Trong suốt nhiều ngày, đi đâu tôi cũng làm quen để dò hỏi: ông/bà đã tổ chức đám cưới cho các con chưa, vì sao không tổ chức ở Việt Nam", Đại sứ kể lại.
Khi nghe câu trả lời "không biết Việt Nam thế nào", ông Châu, một người nhiều năm làm ngoại giao văn hoá cảm thấy "không đành lòng". Ông quyết tâm phải tìm bằng được người thay đổi điều đó.
Đến tháng 12/2018, điều Đại sứ Châu mong chờ đến, khi ông Nitin Shah, một đại gia ở Mumbai, Ấn Độ, tìm gặp, thông qua Trưởng Thương vụ Việt Nam tại New Delhi. Ông Shah qua nhiều kênh đã biết đến 'câu nói truyền tai" của các nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, về việc "hãy giới thiệu khi có đám cưới".
Rất nhanh chóng, ông Châu và gia đình ông Shah cùng thông gia tương lai sắp xếp cuộc gặp gỡ tại nhà hàng để thảo luận về nơi thành hôn của chú rể Rushang Shah và cô dâu Kaabia Grewal. Cả hai cũng đều có tiếng trong giới nhà giàu Ấn Độ, Rushang Shah sở hữu công ty cung cấp dịch vụ an ninh cho các doanh nhân và chính trị gia, Grewal là đồng sáng lập, sở hữu của hãng trang sức The Outhouse.
"Chúng tôi trò chuyện rất thân tình. Khi nghe ông Shah nói đã đi khảo sát ở 30 quốc gia mà chưa ưng ý, vì muốn tổ chức đám cưới đình đám nhất 2019. Tôi tự tin khẳng định luôn nếu tổ chức ở Việt Nam, gia đình ông sẽ được mãn nguyện", ông Châu cười lớn, nói. Tiếp đó, Đại sứ say sưa giới thiệu các điểm nổi tiếng của Việt Nam, chạy dọc từ Bắc vào Nam.
Bị thu hút bởi phong cảnh Việt Nam, gia đình ông Shah có thêm 4 cuộc gặp với Đại sứ Châu và 5 cuộc họp bàn. Đại diện gia đình hai bên đã đến Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc để khảo sát. Cuối cùng, Phú Quốc được chọn nhờ có cơ sở hạ tầng đủ đáp ứng được yêu cầu: có bãi biển đẹp, có nhiều không gian để tổ chức các buổi tiệc khác nhau mà không bị trùng lặp về cảnh quan và trang trí, đảm bảo độ riêng tư để không bị nhòm ngó, thuận lợi về vận chuyển và thủ tục nhập cảnh, có một loạt khách sạn có số phòng đáp ứng quy mô 700 - 800 khách với hai loại rất cao cấp cho khách mời và bình thường cho người phục vụ. Trong đó, Phú Quốc còn đáp ứng có tiêu chí là "nơi chưa có đại gia Ấn Độ nào tổ chức đám cưới".
Không gian tiệc cưới sang trọng. Ảnh: TL. |
Đến đầu tháng 3, lễ cưới hoành tráng của con trai ông Shah có 11 sự kiện chính, kéo dài suốt 7 ngày, từ 4/3 đến 10/3 tại khu nghỉ dưỡng 5 sao ở thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc. Khoảng 45 đầu bếp, 5 phụ bếp và hầu hết thực phẩm sử dụng được đưa sang từ Ấn Độ. Ngoài ra, hơn 225 người bay từ gần 10 quốc gia đến Phú Quốc để phục vụ cho lễ cưới này. Trong đó có 30 người phụ trách lên kế hoạch cho các công đoạn: trang phục, làm tóc, trang trí không gian các sự kiện. Có 145 nhạc công, DJ, ca sĩ, nghệ sĩ múa, ca sĩ opera đến từ các quốc gia: Italy, Mỹ, Thái Lan, Anh, Thuỵ Sĩ, Ấn Độ và Việt Nam luân phiên biểu diễn liên tục phục vụ lễ cưới. Khoảng 800 khách tham dự, trong đó có Đại sứ Châu cùng gia đình.
"Tôi không khỏi choáng ngợp khi chứng kiến đám cưới, cả về sự cầu kỳ và quy mô. Họ không hề tiết lộ từ trước", Đại sứ cho hay.
Để có một đám cưới như ý như thế, ông Châu và gia đình đại gia Ấn Độ đã phải kiên nhẫn cùng nhau xử lý hàng loạt vấn đề, thậm chí có lúc tưởng như hai bên sắp bỏ cuộc.
Với tiêu chí "đám cưới Ấn Độ đình đám nhất 2019", gia đình ông Shah nêu các yêu cầu như có thảm đỏ ở hai đầu sân bay đón khách, bắn pháo hoa, nhóm múa biểu diễn trong sân bay, đưa rượu lên máy bay tổ chức tiệc. Tuy nhiên các quy định của Việt Nam không cho phép cá nhân thực hiện các đề nghị đó. Đại sứ Châu phải nói rõ với gia đình họ là lần đầu tổ chức thì cũng có một số điều chưa xử lý ngay được, những gì có thể thì Việt Nam đều đáp ứng hết, trong đó có thông báo trên loa ở sân bay chào mừng khách đến, phát thiệp mời và kẹo trên máy bay.
Đại sứ Châu cũng đích thân đứng ra dàn xếp việc thuê máy bay để đưa 800 khách mời đến đám cưới. May mắn có một hãng hàng không Việt Nam nhận lời, sau khi 4 hãng khác của cả Việt Nam và Ấn Độ từ chối. Cơ quan quản lý hàng không hai nước cũng phải thảo luận để bỏ quy định "chở đi bao nhiêu khách thì về phải đúng bấy nhiêu", tạo điều kiện cho nhiều người ở lại Việt Nam đi tham quan thêm.
Sau khi mọi việc diễn ra suôn sẻ, Đại sứ Châu giữ liên lạc thường xuyên với gia đình ông Shah. Đại gia này thông báo đã nhận được hơn 100 cuộc gọi từ các bậc phụ huynh ở Ấn Độ, họ muốn tìm hiểu thêm về việc chuẩn bị lễ cưới cho các con của mình ở Việt Nam. Trước đây, các đại gia Ấn Độ chủ yếu tổ chức đám cưới ở Phuket (Thái Lan), Bali (Indonesia), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và một số đảo ở Tây Ban Nha.
Đại sứ Châu cho hay ông rất lạc quan rằng sẽ có thêm nhiều đám cưới của Ấn Độ được tổ chức ở Việt Nam. Hai bên cũng có thể kết hợp tăng cường trao đổi các dự án đầu tư, xuất các sản phẩm hoá sinh, tranh vẽ sang Ấn Độ.
"Để đón chờ nhiều đám cưới Ấn hơn, tôi cho rằng Việt Nam nên xem xét áp dụng linh hoạt các quy định để đáp ứng nhu cầu của giới nhà giàu. Đồng thời những nơi cung cấp dịch vụ cũng cần tìm hiểu kỹ văn hoá, tôn giáo của Ấn Độ để không lúng túng", ông Châu gợi ý.
Theo VNE