|
Tàu ngầm INS Kalvari lớp Scorpene của Ấn Độ chạy thử vào tháng 12.2017 |
Trên tài khoản Facebook của mình, Hải quân Pakistan ngày 5.3 cho biết các lực lượng của họ với kỹ năng đặc biệt đã phát hiện 1 tàu ngầm thuộc loại hiện đại nhất của Ấn Độ xâm nhập vùng biển nước này vào tối ngày 4.3. Pakistan cũng công bố 1 đoạn video được quay từ trên cao cho thấy kính tiềm vọng và trụ tháp thông tin liên lạc của tàu ngầm đang ở trên mặt biển.
Hải quân Pakistan trong thông báo cũng nói rằng họ có thể tiêu diệt mục tiêu này vì xâm nhập vùng biển Pakistan nhưng đã không thực hiện vì “chính sách duy trì hòa bình”. Thay vào đó Pakistan chỉ cảnh báo và xua đuổi tàu ngầm này khỏi vùng biển. Hải quân Pakistan cũng nói thêm đó là loại tàu ngầm mới nhất của Ấn Độ, và còn có lực lượng khác của Hải quân Ấn Độ giám sát tàu ngầm này từ xa.
|
Bên trái: Tàu ngầm INS Kalvari lớp Scorpene của Ấn Độ. Bên phải: Tiềm vọng kính và tháp thông tin trồi lên mặt nước được cho của tàu ngầm Ấn Độ |
Tài khoản Facebook của hải quân Pakistan cũng đăng tải hình ảnh tàu ngầm INS Kalvari, chiếc tàu ngầm điện - diesel lớp Scorpene đầu tiên đóng tại Ấn Độ theo giấy phép của Pháp đang chạy thử vào tháng 12.2017; bên cạnh hình ảnh từ clip về chiếc tàu ngầm bị phát hiện tối 4.3. Việc này khiến người ta suy đoán Pakistan ám chỉ “tàu ngầm loại mới nhất” có lẽ là chiếc Kalvari!
Ấn Độ bác bỏ
Đây là lần thứ hai Pakistan phát hiện và xua đuổi tàu ngầm Ấn Độ xâm nhập, sau lần trước đó vào 14.11.2016, theo thông cáo. Pakistan còn nói rằng chiến công này là một minh chứng về kỹ năng vượt trội của hải quân Pakistan, có khả năng đáp trả bất kỳ cuộc xâm lược nào.
Cùng ngày, Tư lệnh hải quân Ấn Độ, Đô đốc Sunil Lanba khi phát biểu khai mạc Đối thoại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại New Delhi, đã bác bỏ vụ việc mà Pakistan đưa ra và cho đó là tuyên truyền lừa dối của nước láng giềng, theo Hindustan Times. Ông cũng nhấn mạnh rằng “Chúng tôi cũng có báo cáo về những kẻ khủng bố đang được huấn luyện để thực hiện các cuộc tấn công khác nhau, bao gồm cả thông qua đường biển”.
Hải quân Ấn Độ cũng ra thông cáo cho hay trong những ngày qua Pakistan đã đưa ra nhiều thông tin tuyên truyền sai lệch và hải quân Ấn Độ không bận tâm với các tuyên truyền này. Hải quân Ấn Độ vẫn được triển khai khi cần thiết để bảo vệ lợi ích hàng hải quốc gia. Hindustan Times dẫn các nguồn tin khác cho biết các cường quốc có sự hiện diện ở Ấn Độ Dương đều biết không có tàu Ấn Độ nào xâm nhập vùng biển Pakistan vào thời điểm đó.
|
Tàu ngầm INS Kalvari lớp Scorpene đầu tiên do Ấn Độ tự đóng theo giấy phép của Pháp |
Căng thẳng này là vụ việc mới nhất sau khi hai nước đã tiến hành các cuộc không kích và đấu pháo qua lại tại khu vực Kashmir, sau khi Ấn Độ cáo buộc nhóm cực đoan Jaish-e Mohammad ở Pakistan tấn công khủng bố tại vùng tranh chấp Kashmir vào ngày 14.2 khiến ít nhất 40 nhân viên an ninh của Ấn Độ thiệt mạng. Không quân hai nước sau đó đã có các cuộc tấn công vào lãnh thổ của nhau và không chiến, trong đó Pakistan nói đã bắn rơi 2 tiêm kích MiG-21 Bison của Ấn Độ và công bố hình ảnh bắt giữ 1 phi công; còn Ấn Độ nói đã bắn hạ 1 tiêm kích F-16 của Pakistan nhưng không có hình ảnh nào chứng minh.
Cường quốc tàu ngầm
Nhiều ý kiến sau đó tỏ ra nghi ngờ về thông tin do Pakistan đưa ra. Báo Arab News ngày 5.3 dẫn tin AFP cho hay trong vụ ngăn chặn tàu ngầm được cho của Ấn Độ, hải quân Pakistan không nói rõ chi tiết về thời gian và địa điểm xảy ra vụ việc. Pakistan cũng không thông tin cụ thể tàu ngầm đối phương bị phát hiện là ở trong vùng nội thủy (12 hải lý (22km) tính từ đường cơ sở) hay trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ – 200 hải lý (330km) tính từ đường cơ sở). Còn đoạn clip mà hải quân Pakistan đưa ra với hình ảnh trắng đen, chỉ ghi nhận thời gian ghi hình khoảng 8 giờ 35 tối ngày 4.3, trong clip là hình ảnh phần kính tiềm vọng cùng tháp thông tin ở trên mặt nước.
Trang tin VZ.ru (Nga) ngày 5.3 đăng bài viết tựa đề “Ấn Độ cho Pakistan thấy ai mới là chủ biển cả” dẫn lời ông Alexey Leonkov, biên tập viên tạp chí Vũ khí của Tổ quốc (Nga) cho hay hải quân Ấn Độ có lực lượng tàu ngầm hùng hậu, chủ yếu là các tàu ngầm điện - diesel lớp Kilo 877 do Liên Xô cung cấp từ cuối những năm 1980, và 4 tàu ngầm lớp Type 209 của Đức. Ấn Độ còn có 1 tàu ngầm hạt nhân lớp Akula thuê của Nga, có khả năng phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân và đang xúc tiến thuê thêm chiếc thứ hai. Chưa kể lớp tàu ngầm Scorpene mà Ấn Độ đóng theo giấy phép của Pháp gồm 6 chiếc.
|
Tàu ngầm lớp Kilo của hải quân Ấn Độ |
Ông Leonkov nhận định Ấn Độ không cần thiết phải dùng tàu ngầm do thám đối phương vì họ có các máy bay trinh sát tầm xa như A-50 (Liên Xô chế tạo) hoặc loại Embraer của Brazil. Do vậy ông nghi ngờ thông tin Pakistan xua đuổi tàu ngầm Ấn Độ.
Còn chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov cho rằng hải quân Pakistan tuy được Trung Quốc cung cấp các tàu hộ tống hiện đại nhưng so với tàu của Nga thì lạc hậu, cả tàu ngầm Trung Quốc bán cho Pakistan cũng không thể sánh được với tàu ngầm của Ấn Độ. Ấn Độ còn có 1 tàu sân bay mua từ Nga và đang đóng chiếc thứ hai. Hiện tại hải quân Pakistan không thể đấu lại hải quân Ấn Độ.
Do vậy, thông tin vụ xua đuổi tàu ngầm này cũng còn chưa rõ ràng.
Theo Thanh Niên