Trong một tuyên bố đưa ra hôm 5/3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói rằng Hiệp ước phòng thủ chung Philippines-Mỹ (MDT) là mơ hồ, không rõ ràng và có nguy cơ gây ra sự nhầm lẫn và hỗn loạn trong một cuộc khủng hoảng.
"Philippines không có xung đột với bất cứ quốc gia nào và sẽ không tham gia vào một cuộc chiến với bất cứ quốc gia nào trong tương lai. Nhưng việc các tàu hải quân Mỹ tăng cường hiện diện ở vùng biển phía tây Philippines có thể tăng khả năng dẫn tới một cuộc chiến. Trong trường hợp như vậy và chiếu theo MDT, Philippines sẽ tự động phải tham gia vào cuộc chiến đó", ông Lorenzana cho hay.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana. (Ảnh: Inquirer) |
Vùng biển phía Tây Philippines là thuật ngữ mà Philippines sử dụng để gọi Biển Đông, nơi Mỹ trong vài năm trở đây đang tăng cường các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở vùng biển này.
Hôm 5/3, một máy bay ném B-52 của Mỹ đã bay gần các đảo tranh chấp trên Biển Đông trong khi thực hiện các hoạt động bay huấn luyện. Không quân Mỹ sau đó khẳng định các hoạt động của máy bay B-52 mới đây hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế.
Hai tàu sân bay Mỹ là USS Ronald Reagan và USS John C Stennis tập trận hỗn hợp trong vùng biển Philippines. (Ảnh: U.S. Navy) |
Hiệp ước quốc phòng chung giữa Mỹ và Philippines được ký kết vào năm 1951, những năm đầu Chiến tranh Lạnh. Theo hiệp ước này, Manila và Washington cam kết hỗ trợ cho quốc gia còn lại trong trường hợp một trong hai quốc gia bị tấn công vũ trang vào lãnh thổ lục địa hoặc đảo ở Thái Bình Dương thuộc quyền tài phán của quốc gia đó, các lực lượng vũ trang, các tàu hoặc máy bay ở Thái Bình Dương.
Theo VTC