Tại cuộc họp báo tình hình kinh tế - văn hóa – xã hội TP.HCM 2 tháng đầu năm 2019, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, có những chia sẻ về đề án cấm xe máy vào khu vực trung tâm TP.
Theo ông Lâm, dự án này đang trong giai đoạn nghiên cứu xây dựng lộ trình và giải pháp phù hợp, nhằm tăng cường vận tải giao thông công cộng và kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân. Sở GTVT đang xây dựng giai đoạn đề án ở mức phản biện, tổ chức điều tra xã hội học, hoàn chỉnh thông qua các báo cáo của các chuyên gia. Mục tiêu cao nhất của dự án là giảm tai nạn giao thông và người dân đi lại thuận tiện.
Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, nói còn lâu nữa TP.HCM mới cấm được xe máy vào trung tâm bởi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng để phát triển vận tải công cộng.
Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm nhấn mạnh chỉ khi nào hạ tầng đã đáp ứng và người dân có nhiều lựa chọn hơn thì mới thực hiện hạn chế xe cá nhân.
“Dự án này có phạm vi ảnh hưởng lớn và lộ trình dài nên khi có kết quả phản biện thì tư vấn sẽ hoàn chỉnh kết quả nghiên cứu và báo cáo các cấp chính quyền thông qua. Dự án chỉ khả thi khi được cấp thẩm quyền cao nhất chấp nhận và đồng tình của người dân”, ông Lâm nói.
Ông Trần Quang Lâm trả lời tại buổi họp báo. |
Ông Lâm cho biết Sở GTVT đã nghiên cứu, lấy ý kiến của người dân để xây dựng các lộ trình. Tuy nhiên, điều kiện cần và đủ của dự án này là khi giao thông công cộng và hạ tầng phát triển, thỏa mãn các điều kiện tiếp cận của người dân. Lúc đó, các ban ngành mới nghĩ tới chuyện tổ chức lại giao thông theo hướng kiểm soát phương tiện cá nhân.
Về cách làm, Sở GTVT sẽ thí điểm khu vực nhỏ. Từ đó, đơn vị này sẽ đánh giá sự đồng thuận của người dân rồi mới hoàn thiện, xây dựng kế hoạch tổng thể. Hoàn thiện cơ chế chính sách về pháp luật về giao thông, quy hoạch, phát triển hạ tầng, phát triển tốt năng lực hạ tầng hiện hữu.
“Cách làm của chúng tôi rất thận trọng, cầu thị. Trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo các nước và cách làm phù hợp với TP.HCM”, ông Lâm nói.
Trong khi đó, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, cho rằng đây là đề án của một cơ quan tư vấn. Sở GTVT sau khi xem xét, đưa ra lấy ý kiến phản biện các cơ quan. Ông cho rằng các cơ quan, đơn vị cần tiếp thu hết các ý kiến; đồng thời, phải đặt ngược lại vấn đề đang bàn luận để tìm giải pháp thấu đáo.
“Tôi có coi đề án các đồng chí chuẩn bị thì thấy rằng chúng ta thường sử dụng hệ thống hạ tầng cũ rồi bằng nhiều cách để phát triển giao thông công cộng. Nhưng với cái nền này sẽ không bao giờ phát triển. Chúng ta không nói nhiều về vấn đề quy hoạch phát triển ở khu trung tâm, chúng ta cũng không nói gì về vị trí trung chuyển thì còn rất lâu nữa để chúng ta thực hiện đề án này”, ông Hoan nói.
Ông Hoan cho rằng TP.HCM không thiếu giải pháp, thậm chí các đề án rất đầy đủ, toàn diện. Tuy nhiên, khi đưa ra bàn luận thì nhiều người đứng trên quan điểm khác nhau, khía cạnh khác nhau cho ra suy nghĩ không giống nhau. Đây là thách thức để nhà quản lý làm sao dung nạp các ý kiến đó và cho ra một đề xuất có tính khả thi.
“Trong thực hiện, chúng ta không thể thoát ra được giảm kẹt giao thông. Chúng ta làm chỗ này lại kẹt chỗ khác, chúng ta làm cầu thì kẹt dưới chân cầu”, ông Hoan nói và nhấn mạnh: “Cuối cùng, chúng ta làm rất nhiều nhưng vẫn loay hoay, lúng túng”.
Để giải quyết được bài toán giảm tải giao thông cho TP.HCM, ông Hoan cho rằng phải thực hiện được các giải pháp lớn như tuân thủ quy hoạch khu trung tâm 930ha.
“Chúng ta phải kiên trì, hạn chế hoặc không cấp phép dự án nhà ở khu trung tâm. Những dự án nào đã làm thì cho làm, chưa làm thì xem lại, cái nào đang manh nha thì dứt khoát không. Các đồng chí kiến nghị, đề xuất UBND TP có một quyết sách tất cả tuân thủ quy hoạch 930ha và hạn chế thấp nhất, thậm chí đi đến cấm phát triển đô thị, nhà ở trong khu trung tâm”, ông Hoan nói.
Ngoài ra, theo ông Hoan, cần đề xuất một loạt dự án đường trên cao, tận dụng các trục chính, các tuyến đường sông, kênh rạch để làm những tuyến xuyên tâm TP.
Ông Võ Văn Hoan cho rằng TP.HCM còn lâu mới cấm được xe máy. |
“Đường trên cao đi một mạch tới nơi, chứ không phải kiểu giao cắt rất nhiều. Tôi ngoại đạo nhưng tôi xin đề nghị như vậy. Chúng ta nghiên cứu phát triển đường trên cao nội đô TP.HCM, gồm trục chính và các đường vòng để đi một lượt lên trên đó, để ra ngoài. Còn ai đi vào TP thì di chuyển ở dưới”, ông Hoan đề xuất.
Theo ông Hoan, khi làm các tuyến đường trên cao sẽ giảm tải giao thông ở dưới, lại vừa có đường cho phương tiện công cộng chạy. Đây là dự án đầu tư lớn và TP.HCM có thể kêu gọi BOT.
“Mình muốn phát triển vận tải công cộng nhưng không có đường thì làm cỡ nào thì cũng không thực hiện được. Xe công cộng đi không nhanh hơn xe máy thì xe máy phát triển thôi”, ông Hoan nhấn mạnh.
Cuối cùng, ông Hoan đề xuất TP.HCM phát triển giao thông vận tải hàng hóa về ban đêm và nghiên cứu, khuyến khích phát triển đường thủy mạnh hơn trong thời gian tới.
Theo Zing