Từ ngày 1/2 đến 3/3/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.
Cục Thú y đã tổ chức lấy tổng cộng 338 mẫu của 98 hộ nuôi lợn xung quanh các hộ có lợn bệnh để xét nghiệm. Kết quả đã phát hiện đa số lợn của các hộ xung quanh âm tính, có một số hộ có lợn dương tính đã được chính quyền và các cơ quan chuyên môn thú y xử lý, tiêu hủy ngay lập tức. Đến nay, chưa có ổ dịch nào qua 30 ngày.
Bệnh tả lợn châu Phi là dịch bệnh nguy hiểm cho ngành chăn nuôi, nguyên nhân do virus ASFV gây ra. Bệnh lây lan bằng nhiều con đường, nhiều hình thức và có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn với tỷ lệ chết cao, lên đến 100%, gây thiệt hại thương mại và thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi lợn toàn cầu. Trên thế giới chưa tìm ra vắc-xin phòng, chống.
Thông tin về dịch bệnh này khiến nhiều người hoang mang. Tuy nhiên Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh ở người nên người dân không nên tẩy chay thịt lợn an toàn.
Trả lời báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, dịch tả lợn châu Phi có tác nhân gây bệnh là virus nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.
Tuy nhiên, người dân cần nấu chín thịt lợn trước khi ăn, tránh đi vào vùng dịch, nếu phát hiện lợn chết thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng.
Theo PGS Nguyễn Bá Hiên – Học viện Nông nghiệp Việt Nam, dịch tả lợn châu Phi dễ lây lan và không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người, nhưng có thể lây sang các động vật, côn trùng khác như: muỗi, ruồi, gà, mèo, chuột, vịt...
Ngoài ra, lợn dịch tả do đặc thù bị nhiễm virus nên rất dễ mắc các bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, thương hàn, cúm... Những bệnh này có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe con người thông qua việc gây rối loạn hệ tiêu hóa.
"Khi con người ăn phải thịt lợn mắc bệnh liên cầu khuẩn, tai xanh... qua thức ăn chưa được nấu chín kỹ, tiết canh sẽ có nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập, gây bệnh. Lúc này người bệnh sẽ có những biểu hiện như sốt cao, đau đầu, buồn nôn, thậm chí xuất huyết các vị trí trên cơ thế, ngộ độc, viêm màng não dẫn đến thiệt mạng nếu không cấp cứu kịp thời", ông Hiên nhấn mạnh.
Dịch tả lợn châu Phi dễ lây lan trong vật nuôi nhưng không lây sang con người. |
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ lan rộng, FAO Việt Nam khuyến cáo người dân cần nấu chín thịt lợn trước khi ăn; không tới tham quan khu chăn nuôi lợn, đặc biệt ở vùng dịch và bị ảnh hưởng. Người dân cần báo ngay cho cơ quan thú y khi phát hiện lợn chết.
Do dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.
Trước đó, sáng 4/3, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi đang rất cấp bách, "chống dịch tả lợn châu Phi phải như chống giặc". Do vậy, các địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng. Đồng thời, địa phương vừa tuyên truyền, vừa yêu cầu người dân chăn nuôi thực hiện 5 không: Không giấu dịch; không mua bán; không giết mổ, mua bán lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý làm cám cho lợn.
Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (EOI), tính từ 2017 đến cuối tháng 2/2019 đã có trên 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi, tổng cộng đã có hơn 1 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Tại Trung Quốc, theo thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), từ 3/8/2018 đến ngày 3/3/2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 110 ổ dịch xuất hiện tại 28 tỉnh. |
Theo VTC