Trả lời phỏng vấn kênh Fox News, ông Bolton cho biết Mỹ sẽ chờ xem liệu Triều Tiên có tuân thủ cam kết "từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và mọi thứ gắn liền với nó" hay không theo sau hội nghị thượng đỉnh mới đây ở Hà Nội.
Nếu Bình Nhưỡng không sẵn sàng làm thế, Washington sẽ không nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế mà còn tìm cách tăng cường chúng - ông Bolton tuyên bố.
Cảnh báo của nhân vật ủng hộ hướng tiếp cận cứng rắn với Bình Nhưỡng này được đưa ra sau khi cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tháng rồi không đạt được thỏa thuận.
Hai bên vẫn còn khác biệt về chuyện Triều Tiên sẵn sàng hạn chế chương trình hạt nhân đến mức độ nào và Mỹ sẵn sàng nới lỏng trừng phạt đến đâu.
Ông John Bolton trả lời phỏng vấn kênh Fox News bên ngoài Nhà Trắng hôm 5-3. (Ảnh: Reuters) |
Sức ép lên Bình Nhưỡng còn đến từ cái chết của sinh viên Otto Warmbier sau khi bị tống giam ở Triều Tiên. Hôm 5-3, hai thượng nghị sĩ Mỹ Pat Toomey (đảng Cộng hòa) và Chris Van Hollen (đảng Dân chủ) trình lại dự luật áp đặt trừng phạt bất kỳ ngân hàng nước ngoài nào làm ăn với Triều Tiên.
Tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh nói trên, ông Trump cho biết tin lời của ông Kim Jong-un khi nhà lãnh đạo Triều Tiên nói không hề biết Warmbier bị đối xử ra sao khi bị giam giữ.
Dù vậy, cha mẹ của Warmbier đã ra tuyên bố khẳng định Bình Nhưỡng phải chịu trách nhiệm cho cái chết của con mình.
Dự luật trên đã được Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ thông qua năm ngoái nhưng không tiến xa hơn nữa. Để thành luật, dự luật này cần qua ải lưỡng viện Quốc hội và được ông Trump ký ban hành.
Ảnh vệ tinh chụp cơ sở Tongchang-ri ở Triều Tiên hôm 2-3. (Ảnh: Reuters) |
Quan hệ Mỹ - Triều còn có thể gặp thêm trở ngại sau khi một số tổ chức nghiên cứu của Mỹ và hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) hôm 5-3 tiết lộ Bình Nhưỡng đã khôi phục lại một phần cơ sở phóng tên lửa Tongchang-ri đã được dỡ bỏ trước đó.
Theo Yonhap, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc đã báo cáo với các nghị sĩ rằng hoạt động khôi phục tại cơ sở trên đang diễn ra, trong đó có việc thay thế một mái nhà và một cánh cửa.
Trong khi đó, tổ chức 38 North cho biết hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy các cấu trúc tại cơ sở này đã được xây lại trong giai đoạn từ ngày 16-2 đến ngày 2-3.
Một báo cáo mới của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cũng dẫn các hình ảnh vệ tinh để kết luận Triều Tiên đang "theo đuổi việc xây dựng lại nhanh chóng" tại địa điểm này.
Bình Nhưỡng đã bắt đầu dỡ bỏ cơ sở Tongchang-ri sau khi cam kết làm thế tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Washington ở Singapore năm ngoái.
Sinh viên Otto Frederick Warmbier tại một cuộc họp báo ở Bình Nhưỡng hồi tháng 2-2016. (Ảnh: Kyodo) |
Theo NLĐ