|
Hình ảnh vệ tinh cho thấy một đường băng dài ở khu vực dự án du lịch ở Koh Kong |
Năm 2008, chính phủ Campuchia ký thỏa thuận cho Union Development Group (UDG), công ty con của tập đoàn bất động sản nhà nước Trung Quốc Wanlong Group, thuê 45.000ha đất ở tỉnh Koh Kong, với thời hạn 99 năm. Theo đó, UDG phát triển dự án khu nghỉ dưỡng bờ biển Dara Sakor, gồm sòng bạc và sân golf, với vốn đầu tư 3,8 tỉ USD. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhiều thông tin cũng như tiến độ thực hiện dự án được công bố, theo The Phnom Penh Post. Trong khi đó, ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu dẫn đến suy đoán dự án của UDG có thể phục vụ cho cả mục đích quân sự.
Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòngNgân sách quốc phòng năm 2019 của Trung Quốc sẽ ở mức 1.190 tỉ nhân dân tệ (hơn 177 tỉ USD), tăng 7,5% so với năm ngoái. Con số này nằm trong báo cáo dự thảo ngân sách được đưa ra tại phiên khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc hôm qua, theo Tân Hoa xã.
Mức tăng 7,5% thấp hơn con số 8,1% của năm ngoái nhưng vẫn cao hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế chính phủ Trung Quốc đặt ra trong năm nay (từ 6 - 6,5%). Trung Quốc là nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.
|
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), những hình ảnh vệ tinh do Cơ quan Không gian châu Âu vừa công bố cho thấy đường băng được xây cho sân bay của dự án Koh Kong dài khoảng 3.400m. Chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), nhận định với chiều dài như vậy đường băng ở Koh Kong có thể đáp ứng hoạt động của mọi loại máy bay quân sự trong không quân Trung Quốc.
Ông Poling không khẳng định dự án của UDG có nhằm mục đích quân sự hay không, nhưng nhấn mạnh: “Nếu có bất kỳ quốc gia nào ở Đông Nam Á mà Trung Quốc có thể có sự hiện diện quân sự luân phiên thì đó là Campuchia”.
Trước đó vào tháng 11.2018, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã gửi thư đến Thủ tướng Campuchia Hun Sen, bày tỏ quan ngại dự án Koh Kong phục vụ mục đích quân sự, theo SCMP. Bà Tôn Vận, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson (Mỹ), cũng cho rằng cảng biển do UDG xây dựng tại Koh Kong có khả năng dùng cho mục đích quân sự, tương tự mô hình phát triển cảng lưỡng dụng cũng do Trung Quốc tiến hành ở Djibouti, Sri Lanka, Pakistan, Myanmar”. Dự án Koh Kong tọa lạc tại một khu vực chiến lược và có thể mang ẩn ý cho những vấn đề đáng ngại tại khu vực, trong đó có Biển Đông, theo SCMP.
Phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan nói “không có ý kiến” về việc liệu chính quyền Phnom Penh có giám sát dự án Koh Kong hay không. Trong khi đó, nhà phân tích Paul Chambers thuộc Đại học Naresuan (Thái Lan) cho SCMP hay một số quan chức cấp cao Campuchia thừa nhận chính phủ đang xem xét cho phép Trung Quốc xây dựng một căn cứ hải quân ở khu vực dự án Koh Kong của UDG. Ông Chambers so sánh dự án Koh Kong như những dự án khác của Trung Quốc ở Sri Lanka.
Chính quyền Sri Lanka đã phải trao quyền kiểm soát cảng Hambantota cho Trung Quốc theo thỏa thuận thuê 99 năm sau khi không thể trả nợ cho Bắc Kinh. Cũng theo chuyên gia này, việc thắt chặt quan hệ quân sự, trong đó có chuyến thăm cảng của tàu chiến Trung Quốc và cuộc tập trận chung giữa hai nước, cho thấy Trung Quốc có ý đồ quân sự ở Campuchia. Ông Chambers dự đoán bước kế tiếp là Trung Quốc có thể xây dựng một căn cứ quân sự tại Campuchia. Dù vậy, Thủ tướng Hun Sen trước đó nhấn mạnh cho nước ngoài xây dựng một căn cứ quân sự là vi hiến.
Theo Thanh Niên