|
Đó là ý kiến của ông Hugh White, giáo sư danh dự tại ĐHQG Úc, trong bài viết vừa đăng trên báo Hong Kong Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.
Theo bài viết, đã có một vài nỗ lực nhằm hình thành chiến lược chống lại Trung Quốc, từ các tài liệu của các tổ chức tư vấn chính sách đến Đạo luật sáng kiến tái bảo đảm châu Á (ARIA) của Quốc hội Mỹ gần đây. Có những người tự tin rằng Mỹ có thể đánh bại thách thức từ Trung Quốc chỉ bằng cách làm thêm một số việc so với những gì họ đã làm ở châu Á trong mấy chục năm qua.
Họ cho rằng chỉ cần kết nối tốt hơn với các đồng minh, các đối tác và bạn bè chủ động, triển khai thêm phương tiện quân sự và tăng cường kết nối kinh tế và nhân dân. Nhưng đó là điều Mỹ đã nói và làm nhiều năm nay mà vẫn chưa thể chặn ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.
Nếu kỳ vọng có thể thắng bằng cách này, các chiến binh chiến tranh lạnh mới đều đã đánh giá quá thấp Trung Quốc. Đó là sai lầm lớn, cho thấy họ chưa hiểu sức mạnh, tham vọng và quyết tâm của Trung Quốc.
Điều trở nên rõ ràng là Mỹ đang đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn và to lớn nếu họ thực sự nghĩ nghiêm túc về việc đối đầu và kìm chế tham vọng của Trung Quốc ở Đông Á. Một cuộc chiến tranh lạnh mới cũng sẽ khó khăn, nguy hiểm và tốn kém như cuộc chiến tranh lạnh cũ.
Các quan chức Mỹ, như Phó Tổng thống Mike Pence trong chuyến đến Munich gần đây, thường nói như thể vấn đề của Mỹ với Trung Quốc chỉ nằm trong các chính sách cụ thể của Trung Quốc, như những đòi hỏi chủ quyền trên biển thái quá và chính sách kinh tế tận dụng.
Nếu vậy, thành công đơn giản sẽ chỉ là thuyết phục Bắc Kinh từ bỏ những chính sách đó, rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp trở lại.
Nhưng những vấn đề cụ thể đó không phải cỗ máy thực sự trong mối quan hệ cạnh tranh Mỹ - Trung mà chỉ giống như vai trò của thành phố Danzig trong Thế chiến 2. Đó chỉ là những triệu chứng của tranh chấp lớn hơn nhiều giữa hai bên, để qua đấy giành thế thống trị ở Đông Á.
Nói đơn giản, Mỹ muốn duy trì vai trò cường quốc thống trị ở Đông Á, còn Trung Quốc muốn đoạt lấy vị trí này.
Đây là cuộc cạnh tranh giữa hai quốc gia mạnh nhất thế giới để giành quyền lãnh đạo ở khu vực thịnh vượng và năng động nhất thế giới. So với thứ đó, tranh chấp về luật biển hay sở hữu trí tuệ nhỏ bé hơn rất nhiều.
Điều thứ hai cần hiểu là sức mạnh từ sự quyết tâm của Trung Quốc phải chiến thắng trong cuộc thi này. Quyết tâm đó bắt nguồn từ tư tưởng lâu đời ở đất nước này. Người Mỹ có thể vẫn coi Trung Quốc là nước nghèo và yếu hơn. Nhưng người Trung Quốc chưa bao giờ thôi nghĩ họ là một cường quốc, và coi sự trỗi dậy gần đây của họ thực chất là phục hồi vị trí trung tâm truyền thống của mình. Vì thế, trong khi Mỹ coi ưu thế của mình ở châu Á là điều đúng đắn và tự nhiên, người Trung Quốc coi đây là phi tự nhiên, lỗi thời và không chịu nổi.
Để hiểu suy nghĩ này, hãy nhớ lại lời của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nhiều năm trước nói rằng quan hệ Mỹ - Trung chủ yếu bị điều khiển bởi những khác biệt, thay vì tương đồng giữa hai nước.
Tưởng tượng xem người Mỹ sẽ cảm thấy như thế nào nếu Trung Quốc thống trị tây bán cầu trong khi Mỹ thống trị Đông Á. Tưởng tượng thế sẽ giúp hiểu Trung Quốc quyết tâm như thế nào trong việc đẩy Mỹ khỏi khu vực để chiếm lấy vị trí.
Điều thứ ba, Trung Quốc là đối thủ mạnh nhất mà Mỹ từng đối mặt, và họ ngày càng mạnh hơn.
Không giống các nước khác, nền tảng sức mạnh của Trung Quốc chính là kinh tế. Kinh tế Trung Quốc hiện nay mạnh hơn nhiều Liên Xô thời kỳ cực thịnh. Tất nhiên Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị nghiêm trọng, nhưng cho rằng họ sẽ dừng hay đảo ngược sức mạnh của mình sẽ chỉ là ảo tưởng. Sức mạnh kinh tế và trình độ công nghệ ngày càng cao của Trung Quốc chắc chắn đã và đang biến thành sức mạnh quân sự và ngoại giao.
Những điều này không khẳng định rằng Trung Quốc sẽ sớm “cai trị thế giới”. Nhưng chắc chắn giúp họ trở thành một đối thủ đáng gờm thực sự, và đặt ra những câu hỏi rằng Mỹ có thể duy trì trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt ở châu Á trước quyết tâm của Trung Quốc hay không.
Washington chưa làm gì thực sự đủ lớn để đảo ngược quyết tâm này.
Dù được một số người ca ngợi là tuyên bố mạnh mẽ cho quyết tâm của Mỹ, ARIA cũng mới cam kết chi 1,5 tỷ USD mỗi năm để xốc lại vị trí của Mỹ ở châu Á. Trong khi đó, cuộc chiến chống khủng bố tiêu tốn của Mỹ khoảng 1 tỷ USD mỗi ngày, kể từ sau đợt tấn công khủng bố 11/9.
Đây không chỉ là câu chuyện về tiền. Giống như chiến tranh lạnh trước đây, một cuộc thi với Trung Quốc ở châu Á sẽ sớm trở thành cuộc cạnh tranh về quân sự. Mỹ không nên chiến tranh với Trung Quốc để đập tan thách thức, mà phải thuyết phục được Bắc Kinh rằng Mỹ không ngại và có thể làm điều đó.
Và điều này lại đặt ra một câu hỏi: Liệu Mỹ có quyết tâm kìm chế thách thức từ Trung Quốc và duy trì vai trò lãnh đạo của mình ở châu Á đến mức sẵn sàng tham gia một cuộc chiến lớn, có thể sử dụng cả vũ khí hạt nhân, hay không?
Nếu không, Mỹ sẽ khó thuyết phục Trung Quốc về quyết tâm của họ, và vì thế cũng sẽ không chiến thắng trong cuộc chiến tranh lạnh mới. Và nếu không thể thắng, Mỹ tốt hơn không nên khởi xướng nó, GS White viết.
Theo Tiền Phong