Thực tế, những ngày gần đây, Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca bệnh COVID-19 từ nước ngoài về. Thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập có khả năng gia tăng. Vì vậy, toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch không được mất cảnh giác, chủ quan, lơ là, không được có tâm lý “coi như đã hết dịch”.
Đó là nhận định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tại cuộc họp chiều ngày 21/5. Diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên thế giới hết sức phức tạp, khó lường. Vừa qua, Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca bệnh xâm nhập vào trong nước. Vì vậy thời gian tới vẫn phải lo chống đỡ với COVID-19.
Các chuyên gia y tế cho rằng Việt Nam đã dập tắt các ổ dịch. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn và hiện hữu vẫn còn do diễn biến dịch bệnh ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới còn hết sức phức tạp, khó lường.
Thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập có khả năng gia tăng, do Việt Nam tổ chức đưa công dân từ vùng dịch về nước; các chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao nước sang Việt Nam làm việc tại các dự án…
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVD-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị, toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch không được mất cảnh giác, chủ quan, lơ là, không được có tâm lý “coi như đã hết dịch”.
Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Ban Chỉ đạo thống nhất phải tiếp tục thực hiện tốt chiến lược ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, “bao đê cho chặt”, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, đường biên giới, cửa khẩu, đặc biệt là các đường mòn lối mở, bởi đê bao thường không vỡ ở những “cửa khẩu to”, mà lại ở những “điểm rò rỉ”, “tổ mối”. Ở trong nước phải thực hiện nghiêm công tác cách ly, tiếp tục tiến hành xét nghiệm sàng lọc đối với những nhóm đối tượng, khu vực có nguy cơ...
Trước nhu cầu nhập cảnh rất lớn đối tượng chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án của Việt Nam cũng như những nhà đầu tư vào tìm kiếm cơ hội làm ăn, Ban Chỉ đạo đã bàn và thống nhất phải có hướng dẫn chi tiết theo quy trình khép kín từ xem xét cấp thị thực nhập cảnh cho đến việc chuẩn bị cơ sở cách ly và các điều kiện theo dõi sức khoẻ sau khi cách ly đối với những đối tượng này. Lãnh đạo ngành công an nhận trách nhiệm về việc này vì là cơ quan có ý kiến quyết định đối với xét cấp thị thực nhập cảnh cũng như là đầu mối tổ chức các cơ sở cách ly ngoài các khu cách ly tập trung của quân đội.
Ban Chỉ đạo đề nghị tất cả doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài phải có văn bản gửi UBND tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó, UBND địa phương căn cứ vào tình hình, tập hợp danh sách và có văn bản gửi Bộ Công an để làm thủ tục duyệt cấp thị thực nhập cảnh và phối hợp với lực lượng công an để chuẩn bị các cơ sở cách ly. Tất cả những đối tượng này đều phải cách ly tối thiểu 14 ngày.
Siết chặt quy định cách ly nhân viên hàng không quốc tế đến Việt Nam
Đáng chú ý, các chuyên gia y tế đã nêu nguy cơ, rủi ro lây nhiễm từ thành viên tổ bay, phi hành đoàn của các hãng hàng không ở nước ngoài, vốn vẫn sinh hoạt bình thường, không phải cách ly trước khi thực hiện các chuyến bay đến Việt Nam. Vì vậy, Ban Chỉ đạo đặc biệt lưu ý và yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, các địa phương phải siết chặt các quy định về cách ly phi hành đoàn, tổ bay các chuyến bay chở khách cũng như vận tải hàng hoá quốc tế đến Việt Nam. Những phi hành đoàn này phải ở khách sạn riêng, không được ở chung những khách sạn có các đối tượng khách lưu trú khác để tránh nguy cơ, rủi ro lây nhiễm.
Trong tình hình mới, Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo văn bản hướng dẫn cụ thể về cấp thị thực và cách ly đối với: người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước; các tổ bay, phi hành đoàn, thuỷ thủ đoàn và những người lái xe qua lại biên giới.
Các văn bản này phải quy định rất cụ thể trách nhiệm của Ban Chỉ đạo địa phương, trách nhiệm của các cá nhân người đứng đầu, trách nhiệm của từng đơn vị, từng lực lượng để tổ chức thực hiện quản lý người nhập cảnh thống nhất, hiệu quả.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh: “Mặc dù những ngày qua, rất nhiều tổ chức quốc tế chúc mừng Việt Nam chiến thắng dịch COVID-19 nhưng chúng ta vẫn chưa chiến thắng, mà mới kiểm soát tốt dịch bệnh. Cuộc chiến này còn rất dài và Việt Nam vẫn đồng hành cùng cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống dịch. Thậm chí giai đoạn này còn có phần khó hơn, bởi sau thời gian dài không xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng, nên người dân có tâm lý buông lỏng. Vì vậy, chúng ta tuyệt đối không được có tâm lý xả hơi”.
Theo Tiền Phong