Cuộc đua vaccine có ứng viên dẫn đầu, Mỹ tính trước việc phân phối
Thứ năm, 21/05/2020, 10:43
Giữa lúc cuộc đua chế tạo vaccine đang sôi động và có những ứng viên triển vọng, các chính phủ và công ty dược đã tính đến phương án phân phối vaccine, bao gồm ưu tiên y bác sĩ.
Nhân viên phòng lab tại cơ sở của công ty Moderna, bang Massachusetts, nơi đã thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người. (Ảnh: Wall Street Journal).
Trong hơn 100 loại vaccine đang được phát triển trên toàn cầu, ít nhất 8 vaccine đã bắt đầu thử nghiệm trên người. Đồng thời một số tập đoàn dược đang chuẩn bị sẵn nguồn lực để sản xuất hàng trăm triệu liều vaccine, của chính mình hoặc của các công ty đối tác.
Các bước thử nghiệm được đẩy nhanh, và Nhà Trắng cũng nỗ lực để thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh nhất có thể, vì vaccine là cách tốt nhất để kiềm chế được Covid-19. Các công ty đang phát triển vaccine với tốc độ nhanh hơn hẳn so với trước.
Nhưng vẫn chưa có gì đảm bảo rằng những ứng viên vaccine đang đi xa nhất trong thử nghiệm sẽ cho kết quả an toàn, sau khoảng thời gian ngắn như vậy, theo Wall Street Journal. Một số vaccine của Pfizer và Moderna dựa vào công nghệ hoàn toàn mới chưa được cơ quan quản lý chấp thuận trước đó.
Một khi vaccine được chứng minh là an toàn trong thử nghiệm lâm sàng, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) được cho là sẽ đẩy nhanh quá trình chấp thuận, dù có thể chưa thu được toàn bộ bằng chứng mà quy trình thông thường vẫn yêu cầu.
Trước đó, FDA đã đẩy nhanh việc chấp thuận thuốc remdesivir của hãng Gilead, chỉ vài ngày sau khi một nghiên cứu cho thấy thuốc này rút ngắn thời gian nằm viện của bệnh nhân Covid-19.
Các công ty dược đang tăng sẵn sàng công suất nhà máy, với cam kết có hàng triệu liều vaccine trong năm nay. Nhưng viễn cảnh lượng vaccine đủ lớn để dành cho toàn bộ người dân có thể vẫn chưa thành hiện thực cho tới năm 2021, theo một số dự đoán của chuyên gia.
Sự giới hạn nguồn vaccine đã khiến một số nước tìm cách thương thảo sao cho “giữ chỗ” được một lượng vaccine đầu tiên ra lò. Các công ty nhận trợ cấp của chính phủ Mỹ, như Johnson & Johnson, Moderna, Sanofi, được yêu cầu phải dành ra một số lượng vaccine cho người Mỹ, theo các quan chức trong ngành.
Tổ chức NGO mang tên “Liên minh Sáng tạo Chuẩn bị sẵn cho Dịch bệnh”, hoạt động để thúc đẩy phân phối vaccine bình đẳng trên toàn cầu, gần đây đồng ý tài trợ 380 triệu USD cho công ty Novavax để vaccine sẽ được phân phối đến nhiều nước trên thế giới.
Ở Mỹ, chính phủ, chẳng hạn cơ quan kiểm dịch CDC, nhiều khả năng sẽ đứng ra quyết định ưu tiên vaccine cho ai trước, có thể sẽ là các y bác sĩ và các nhân viên tuyến đầu, thiết yếu như ở siêu thị, tiệm thuốc, hệ thống giao thông, cảnh sát, Wall Street Journal dẫn ý kiến các chuyên gia.
Một câu hỏi hiện nay là liệu vaccine có tác dụng với người cao tuổi hay không. Hệ miễn dịch của họ giảm đi theo tuổi tác, vì vậy vaccine có thể ít tác dụng hơn.
Ít nhất một thử nghiệm, mới đầu tập trung vào những người tình nguyện thanh niên, trung niên để nhanh có kết quả, giờ đang mở rộng đối tượng thử nghiệm sang nhóm người trên 55-60 tuổi.