Áp đặt lệnh cấm lên Huawei, nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng "điêu đứng"

Thứ tư, 20/05/2020, 11:12
Các lệnh cấm vận từ Mỹ khiến cho hoạt động sản xuất của Huawei bị tê liệt, tuy nhiên các doanh nghiệp nội địa của quốc gia này cũng chẳng khá khẩm hơn, theo báo Nikkei.

Thời gian vừa qua, chính phủ Mỹ liên tục tìm cách ngăn cản Huawei triển khai mạng 5G của mình tại các nước cũng như việc mua các linh kiện cần thiết phục vụ cho quá trình sản xuất. Mặc cho các khó khăn gặp phải, doanh thu của Huawei vẫn gia tăng hơn 19% vào năm ngoái, điều này đã khiến Mỹ suy tính đến việc tăng cường các lệnh cấm của mình đối với công ty này.

Hôm thứ Sáu tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kế hoạch sửa đổi Quy tắc sản phẩm sản xuất ở nước ngoài (Foreign Direct Product Rule). Theo đó, các sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài nhưng dựa trên công nghệ và phần mềm của Mỹ sẽ được xem là "sản phẩm trực tiếp" và vì thế phải tuân theo quy định xuất khẩu của quốc gia này.

Theo như đề xuất thay đổi trên, Huawei sẽ không thể tiếp tục mua chip từ TSMC, nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, có trụ sở tại Đài Loan. TSMC đang cung ứng chip cho Huawei thông qua các thiết bị từ các công ty thuộc lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn của Mỹ như Applied Materials và Teradyne. Để tiếp tục hợp tác với Huawei, TSMC sẽ cần phải có được giấy phép từ chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, đề nghị này gần như chắc chắn sẽ bị từ chối.

Đây chẳng khác gì một đòn "kết liễu" nhắm vào Huawei, tuy nhiên các doanh nghiệp tại Mỹ cũng sẽ phải chịu vạ lây. Tháng trước, 9 hiệp hội thương mại tại Mỹ đã viết thư cho Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross bày tỏ ý kiến cho rằng động thái này sẽ gây hại cho "ngành công nghiệp bán dẫn, chuỗi cung ứng toàn cầu và các lĩnh vực công nghệ rộng hơn".

Trước đó, hiệp hội thương mại đại diện cho chuỗi cung ứng sản xuất chất bán dẫn và điện tử SEMI cũng đã gửi công văn đến Tổng thống Donald Trump. SEMI chỉ ra rằng các công ty Mỹ xuất khẩu 20 tỷ USD thiết bị sản xuất chip mỗi năm, vì vậy kế hoạch của chính quyền nước này đối với Huawei sẽ "làm ngăn cản sự đầu tư và đổi mới xa hơn" và sẽ khuyến khích các tập đoàn công nghệ trên thế giới loại bỏ các linh kiện của Mỹ khỏi sản phẩm của mình.

Thay đổi Quy tắc sản phẩm sản xuất ở nước ngoài sẽ gây ra những tổn thất doanh thu đáng kể đối với các doanh nghiệp Mỹ. Tháng 3, một báo cáo độc lập của công ty tư vấn chiến lược Mỹ BCG (Boston Consulting Group) đã lưu ý "một ngành công nghiệp bán dẫn mạnh mẽ là rất quan trọng đối với khả năng cạnh tranh toàn cầu và an ninh quốc gia của Mỹ". Họ dự đoán rằng, trong vòng 3 đến 5 năm tới, các công ty Mỹ có thể phải đối mặt với mức giảm doanh thu 16% nếu tiếp tục duy trì các hạn chế hiện tại, và là 37% doanh thu nếu Mỹ cấm hoàn toàn các nhà sản xuất chip bán linh kiện cho khách hàng Trung Quốc.

Tổn thất lớn như vậy sẽ khiến các công ty Mỹ buộc phải cắt giảm chi phí R&D và chi phí vốn, làm giảm khả năng đổi mới, tính cạnh tranh của Mỹ. Thêm vào đó, các công ty sẽ phải tính đến việc cắt giảm từ 15.000 đến 40.000 việc làm tay nghề cao trong ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ, theo ước tính của BCG.

Đại dịch toàn cầu là thời điểm tệ hại khiến cho tìm kiếm việc làm tại Mỹ càng trở nên rủi ro. COVID-19 đã khiến hơn 36 triệu người lao động Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và Cục Dự trữ Liên bang cho biết nền kinh tế Mỹ có thể phải giảm đến 47 triệu việc làm, tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp 32%, còn cao hơn trong thời kỳ Đại khủng hoảng.

Về lâu dài, các quy định của Mỹ có thể buộc các nhà sản xuất chip trên thế giới phải đưa ra lựa chọn: cắt đứt mọi mối liên hệ kinh doanh với công ty công nghệ Trung Quốc hoặc ngừng sử dụng thiết bị của Mỹ để sản xuất chip.

Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ Trung Quốc, các nhà sản xuất chip có thể sẽ chọn phương án thứ hai, kiến tạo nên một ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn mới, hoàn toàn ly khai với Mỹ. Điều này sẽ đặt các công ty công nghệ Mỹ vào con đường trì trệ và suy giảm, làm tổn thương hệ sinh thái toàn cầu và nguy cơ hủy hoại sự lãnh đạo của Mỹ trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo Vnreview

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích