Mỹ tính thưởng tiền cho các công ty rời khỏi Trung Quốc

Thứ hai, 18/05/2020, 17:35
Giới nghị sĩ và quan chức Mỹ đang soạn thảo đề xuất nhằm khuyến khích các công ty của nước này chuyển sản xuất hoặc cơ sở cung cấp quan trọng ra khỏi Trung Quốc. Giảm thuế, ban hành quy định mới và trợ cấp là những biện pháp đang được tính đến.

Một nhà máy ở Trung Quốc. (Ảnh: Techspot)

Nhiều quan chức và cựu quan chức chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp và nghị sĩ quốc hội Mỹ cho biết các cuộc bàn bạc đang diễn ra, trong đó có ý tưởng về một “quỹ di chuyển”, với mức ban đầu khoảng 25 tỷ USD, để khuyến khích các công ty Mỹ cải tổ mạnh mẽ quan hệ của họ với Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã hứa sẽ đưa các hoạt động sản xuất về nước, nhưng đại dịch COVID-19 hiện nay và những mối bận tâm liên quan đến tình trạng Mỹ phụ thuộc quá mức vào các chuỗi cung ứng thực phẩm và y tế từ Trung Quốc khiến ý tưởng này càng được thúc đẩy mạnh mẽ ở Nhà Trắng.

Ngày 14/5, ông Trump ký một sắc lệnh hành pháp để trao quyền cho một cơ quan đầu tư nước ngoài của Mỹ hỗ trợ các nhà sản xuất của nước này. Ông Trump nói rằng mục tiêu là nhằm “sản xuất mọi thứ mà mà người Mỹ cần rồi sau đó xuất khẩu cho thế giới, trong đó có cả thuốc men”.

Nhưng nội bộ chính quyền Trump vẫn chia rẽ về cách tốt nhất để thực hiện kế hoạch và khó có khả năng nó sẽ được giải quyết bằng gói kích thích tài khóa sắp tới để khắc phục những hậu quả của đại dịch COVID-19. Quốc hội Mỹ đã bắt đầu họp bàn về gói kích thích tài khóa nữa, nhưng vẫn chưa rõ nó có được thông qua hay không.

Nỗ lực của chính quyền Trump được thúc đẩy trong năm bầu cử. Trong khi những đề xuất chống Trung Quốc, có lợi cho việc làm của người Mỹ có thể gây hiệu ứng tốt với cử tri, nhưng việc cấp tiền cho người nộp thuế hoặc giảm thuế cho các doanh nghiệp Mỹ chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc vào thời điểm các doanh nghiệp nhỏ đang khó khăn có thể không hiệu quả.

Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đang soạn dự luật nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào hàng hóa Trung Quốc, chiếm khoảng 18% tổng hàng nhập khẩu trong năm 2019.

“Virus corona là hồi chuông cảnh tỉnh đau đớn cho thấy chúng ta quá phụ thuộc vào những nước như Trung Quốc đối với những mặt hàng y tế chủ chốt”, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham nói trong thông cáo báo chí đưa ra ngày 15/5. Ông dự kiến sẽ trình một dự luật mới trong tuần này.

Thượng nghị sĩ Josh Hawley thuộc đảng Dân chủ đang thúc đẩy quy định về hàm lượng nội địa bắt buộc đối với các chuỗi cung ứng y tế, và “trợ cấp đầu tư hào phóng” để khuyến khích sản xuất các loại hàng hóa và linh kiện trong nước. Thượng nghị sĩ Marco Rubio thuộc đảng Cộng hòa trình một dự luật vào ngày 10/5 nhằm cấm bán những hàng hóa nhạy cảm cho Trung Quốc và tăng thuế đối các công ty Mỹ có thu nhập từ Trung Quốc.

Một dự luật do hai Hạ nghị sĩ Anna Eschoo và Susan Brooks thuộc 2 đảng đề xuất thành lập một hội đồng để tìm ra các biện pháp giảm phụ thuộc vào nguồn cung thuốc men từ Trung Quốc.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mark Green trình dự thảo “Đạo luật SOS”, đề xuất mua lại những công ty nhạy cảm với an ninh quốc gia của Mỹ.

Các nghị sĩ cũng hy vọng sẽ đưa những điều khoản về di chuyển doanh nghiệp vào Đạo luật ủy quyền quốc phòng, một dự luật đề xuất chi 740 tỷ USD cho Lầu Năm góc mà Quốc hội Mỹ thông qua mỗi năm.

Một ý tưởng gây tranh cãi đang được bàn đến ở Washington là sẽ dành 25 tỷ USD cho các công ty sản xuất hàng thiết yếu chuyển cơ sở về nước, để bảo đảm những sản phẩm nhằm ở cuối chuỗi cung ứng cũng được sản xuất trong nước.

Chưa nghị sĩ nào khẳng định sẽ thúc đẩy ý tưởng này, nhưng nhiều trợ lý trong Quốc hội thừa nhận đây là một phần trong những thảo luận rộng hơn ở Quốc hội.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow đã nói công khai về việc dùng ưu đãi thuế để thôi thúc các công ty Mỹ chuyển một số hoạt động về nước.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và một số người khác ủng hộ ý tưởng xây dựng một mang lưới tin cậy gồm các nhà cung cấp dược phẩm và thiết bị y tế.

Những người phản đối chuyện trợ cấp cho rằng dùng tiền để hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc sẽ là hành động vi phạm quy định của WTO, có thể khiến các doanh nghiệp nước ngoài không muốn làm ăn ở Mỹ nữa.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đang làm việc cũng các cơ quan và chính phủ nước ngoài để đa dạng các chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. “Việc này bao gồm chuyển sản xuất về Mỹ và mở rộng cơ sở với các đối tác sản xuất quốc tế”, một phát ngôn viên nói với Reuters.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn