Bệnh nhân hiện không thể tách rời máy ECMO (hệ thống oxy hóa máu ngoài cơ thể). Nếu rút máy, bệnh nhân sẽ chết, theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Trong khi đó, để chuẩn bị cho phương án ghép phổi, bệnh nhân phải được chụp chiếu kỹ đánh giá tổng trạng sức khỏe. Các bác sĩ buộc phải di chuyển bệnh nhân kèm hệ thống máy móc tinh vi và dây dợ đi theo. Tại bệnh viện, phòng chụp CT nằm ở lầu một, trong khi khu vực hồi sức tích cực điều trị cách ly bệnh nhân phi công ở tầng trệt.
"Hình ảnh CT scan sẽ giúp đánh giá rõ các tổn thương phổi bệnh nhân", bác sĩ Châu nói.
Sau khi có kết quả chụp CT ngày 18/5, Hội đồng Chuyên môn Bộ Y tế sẽ hội chẩn để quyết định phương án điều trị phù hợp.
CT Scan, còn gọi chụp cắt lớp vi tính, là dùng nhiều tia X quét lên một khu vực của cơ thể, sau đó xử lý bằng máy vi tính để cho ra hình ảnh hai chiều hoặc ba chiều của bộ phận cần chụp. Phương pháp này có độ tương phản cao, nhận diện tổn thương rõ, chụp được nhiều góc, nhiều lát cắt.
Thời gian chụp cắt lớp vi tính tùy thuộc từng bệnh nhân, từng bộ phận cần chụp. Đa số thường kéo dài 3-5 phút, một số trường hợp lâu hơn, lên tới 15-45 phút.
Theo bác sĩ Châu, bệnh nhân sẽ được chụp CT trong điều kiện chống lây nhiễm chéo tại khu vực chẩn đoán hình ảnh và toàn viện trong quá trình di chuyển
Các hệ thống máy thở và ECMO nối với một bệnh nhân tại TP HCM. |
Đây là lần thứ hai bệnh nhân được chụp CT, trong hai tháng điều trị Covid-19. Lần chụp đầu tiên vào hôm 12/5. Kết quả cho thấy tình trạng xơ hóa đông đặc toàn bộ hai phổi, chỉ khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động, sẽ tử vong nếu rời máy hỗ trợ sự sống. Vì vậy Bộ Y tế chỉ định ghép phổi.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, cho biết quá trình tiến hành chụp CT cho bệnh nhân rất vất vả. Trong lần chụp CT trước, các bác sĩ phải đợi đến 21 giờ, bệnh viện vắng người, mới tạm ngưng máy lọc máu, bê hệ thống máy thở, máy ECMO với dây chằng chịt lên giường, đẩy bệnh nhân đến khu chụp CT.
Phi công Anh đã 43 ngày phải can thiệp ECMO, hiện tại nằm yên, sử dụng thuốc an thần. Siêu âm phổi phải đông đặc thùy giữa dưới, phổi co nhỏ. Phổi trái đông đặc vùng sau dưới, ít dịch màng phổi.
Bệnh nhân xét nghiệm âm tính liên tục hơn 10 ngày nay, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát ở mức "tạm ổn".
Đây là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất, diễn biến sức khỏe rất thất thường. Bệnh nhân xác định dương tính ngày 18/3, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù mới 43 tuổi và không bệnh nền. Phổi đông đặc, mẫu bệnh phẩm nhiều lần âm tính rồi dương tính trở lại.
Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng "cơn bão cytokine", tức hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Bộ Y tế đã mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị rối loạn đông máu cho bệnh nhân.
Bệnh nhân là phi công hãng Vietnam Airlines, ngụ ở TP.HCM, từng tới một số địa điểm ăn uống, giải trí, trong đó có Buddha Bar & Grill, ổ dịch lớn nhất thành phố.
Theo VNE