Không để 'hạt giống lép' lọt vào đại hội

Thứ ba, 30/06/2020, 18:34
“Thời gian qua, có những trường hợp trực tiếp giới thiệu những “hạt giống đỏ”, nhưng sau này họ lại không phát huy được, trở thành “hạt giống lép”. Với những trường hợp như vậy, bản thân người giới thiệu phải chịu trách nhiệm chứ?”, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trò chuyện với Tiền Phong.

Một số “hạt giống đỏ” đã bị chín ép trong nhiệm kỳ qua

Tránh vận động, nâng đỡ không trong sáng

Nhân sự là vấn đề hệ trọng luôn được đặt ra trong mỗi kỳ đại hội Đảng, đặc biệt, những trường hợp “con ông cháu cha” luôn rất được quan tâm. Ông đánh giá gì về những nhân sự từng được xem là “hạt giống đỏ” nhưng lại sớm thui chột, chín ép vừa qua?

Trong nhiệm kỳ qua, đã có một số trường hợp “con ông cháu cha” có phẩm chất, năng lực, được đại hội tín nhiệm bầu. Chúng ta cũng không nên cực đoan, phủ định sạch trơn với tất cả. Là “con ông cháu cha” nhưng nếu phát huy được truyền thống tốt đẹp của ông cha mình thì rất tốt. Ngay cả người sinh ra trong một gia đình bình thường nhưng có phẩm chất, năng lực tốt, đi tiên phong trong mọi công việc, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì đại hội cũng sẽ bầu. Với những con người được sinh ra trong một gia đình truyền thống, lại có đầy đủ phẩm chất, năng lực thì càng được quan tâm hơn.

Thế nhưng, điều chúng ta băn khoăn là những trường hợp “con ông cháu cha” được quan tâm, ưu ái một cách thái quá, để rồi xem nhẹ phẩm chất, năng lực thực sự của họ. Bởi "trái núi" của ông cha lớn quá đã che lấp đi mọi thứ xung quanh. Tâm lý “con ông cháu cha” dường như vẫn còn đè nặng ở đâu đó, những “hạt giống đỏ” dù chưa đạt độ chín, song vẫn được bầu, được cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm, thậm chí một số trường hợp còn làm xấu hình ảnh ông, cha mình.

Chúng ta không quá nặng nề, định kiến, bởi thực tế cũng có những người sinh ra trong một gia đình truyền thống, từng nắm giữ vị trí cao, có đóng góp lớn cho đất nước và con cháu sau này tiếp tục phát huy được truyền thống gia đình. Họ luôn sống khiêm nhường, luôn làm tốt công việc mà Đảng và nhân dân giao phó. Tuy nhiên, cũng còn những trường hợp cậy quyền cậy thế, dựa vào cái bóng của ông cha, coi thường mọi người, rồi tự cao tự đại, tự cho mình đặc quyền, đặc ân, không phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện gì cả. Rồi dần dần họ đánh mất mình lúc nào chẳng hay.

Không để 'hạt giống lép' lọt vào đại hội - ảnh 1
ông Lê Như Tiến

* “Trong đánh giá cán bộ, không gì bằng tai mắt của nhân dân, của cơ sở nơi họ công tác, nơi cư trú và qua kênh truyền thông, báo chí”.


* “Không ít trường hợp thông tin lại với chúng tôi rằng, họ đến dự đại hội đấy nhưng lại biết rất ít thông tin về trường hợp này, trường hợp kia. Cứ thấy ban chấp hành cũ giới thiệu là bầu thôi. Như vậy thì rất nguy. Bản thân anh là người được trực tiếp bỏ lá phiếu lựa chọn nhân sự trong cả một nhiệm kỳ, anh phải phát huy bản lĩnh, trí tuệ, công tâm, sáng suốt để lựa chọn người xứng đáng nhất”.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Làm thế nào để nhận diện, để những hạt giống đó không bị chín ép, hay sớm nở tối tàn như một số trường hợp đáng tiếc vừa qua, theo ông?

Hạt giống muốn ươm mầm nảy cây tươi tốt thì phải chịu được môi trường khắc nghiệt. “Con ông cháu cha” cũng vậy, nếu chưa đạt độ chín thì phải đưa họ rèn luyện trong những môi trường khắc nghiệt, đưa họ xuống cơ sở, thử thách trong một thời gian dài. Nếu thấy họ trưởng thành, gương mẫu, hoàn thiện bản thân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì đó chính là đối tượng chúng ta cần phải bầu. Còn ngược lại, nếu họ không tu dưỡng, rèn luyện, không hoàn thành tốt nhiệm vụ, lại chỉ biết cậy quyền cậy thế rồi ỉ lại thì cần loại bỏ.

Đặc biệt, theo tôi, trong đánh giá cán bộ, không gì bằng tai mắt của nhân dân, của cơ sở nơi họ công tác, nơi cư trú và qua kênh truyền thông, báo chí. Cần tránh hiện tượng trong đại hội chỉ một vài người, đại diện cho một nhóm nhỏ giới thiệu. Nhân sự được giới thiệu, nhưng phải qua sự sàng lọc, đánh giá bằng nhiều kênh khác nhau. Đại hội là nơi có quyền cao nhất và cần tuyệt đối tránh vận động, “nâng đỡ không trong sáng”. Nếu có một sự can thiệp khiên cưỡng, vụ lợi cho mình, hoặc nhóm mình sẽ là một mầm họa, bởi sai lầm trong lựa chọn nhân sự vô cùng tai hại và không thể sửa chữa được.

Nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã thấy có cán bộ cấp cao là Ủy viên Trung ương Đảng, bí thư thành ủy… nhưng lại không giữ được truyền thống của ông cha mình và đã ngã ngựa giữa dòng. Đó là bài học đau xót để đại hội các cấp có cách nhìn sáng suốt hơn trong việc lựa chọn, sàng lọc nhân sự, đặc biệt đối với các trường hợp “con ông cháu cha”.

Trao trọng trách cho đại hội trực tiếp bầu

Vậy theo ông, trong mỗi kỳ đại hội cần có bộ lọc, hay giải pháp nào thực sự hiệu quả, để chọn được người xứng đáng nhất?

Chúng ta phải đặt niềm tin vào đại hội, vào chính những người đi dự đại hội. Họ là những người tinh túy nhất được bầu ra từ cơ sở. Chính vì vậy, tôi rất ủng hộ chủ trương đại hội bầu trực tiếp bí thư, chứ không phải chỉ bầu ban chấp hành, rồi ban chấp hành bầu ra thường vụ và bầu bí thư. Hàng trăm con người tham dự đại hội, họ sẽ có cách nhìn bao quát, đầy đủ hơn, chính xác hơn là một nhóm nhỏ người.

Một số nơi đang thí điểm đại hội bầu bí thư, điều đó rất tốt và đấy chính là việc mở rộng dân chủ trong Đảng. Chủ trương đó cũng là cách sàng lọc “con ông cháu cha” tốt hơn. Tránh chỉ một vài người, một nhóm nhỏ người, hoặc chỉ một người giới thiệu, rồi vì nể nang nhau, người ta vẫn đưa lên vị trí này, vị trí kia.

Còn bản thân những người giới thiệu cán bộ thì sao?

Để dẫn tới tình trạng hạt giống chín ép thường có nguyên nhân từ hai phía. Trước tiên, do chính bản thân họ thiếu tu dưỡng, rèn luyện. Nhưng bên cạnh đó cũng có trường hợp, vì biết họ chưa đạt độ chín mà vẫn cất nhắc, bổ nhiệm, khoác trên mình họ những chiếc áo quá rộng. Có thể trong quá trình bầu là chính xác, nhưng sau đó, bản thân họ lại không theo kịp, thiếu rèn luyện, phấn đấu, hoặc cũng có thể bị vật chất cám dỗ, che mờ tất cả khiến họ không còn sáng suốt, tỉnh táo nữa.

Chính vì điều này, tôi từng kiến nghị, bản thân người trực tiếp giới thiệu cũng phải chịu trách nhiệm đối với chính người mình giới thiệu. Thời gian qua, có những trường hợp trực tiếp giới thiệu những “hạt giống đỏ”, nhưng sau này họ lại không phát huy được, trở thành hạt giống lép. Với những trường hợp như vậy, bản thân người giới thiệu phải chịu trách nhiệm chứ? Thế nhưng, trong thời gian qua lại không thấy ai chịu trách nhiệm cả. Đây là một lỗ hổng phải khắc phục trong nhiệm kỳ này.

Ông gửi gắm, kỳ vọng gì ở đại hội các cấp và tiến tới đại hội Đảng toàn quốc tới đây?

Tôi kỳ vọng từng đại biểu tham dự đại hội thực sự sáng suốt, tinh tường và phải có nhiều thông tin nhất về nhân sự được bầu. Không ít trường hợp thông tin lại với chúng tôi rằng, đến dự đại hội đấy nhưng lại biết rất ít thông tin trường hợp này, trường hợp kia. Cứ thấy ban chấp hành cũ giới thiệu là bầu thôi. Như vậy thì rất nguy. Bản thân anh là người được lựa chọn, được trực tiếp bỏ lá phiếu lựa chọn nhân sự trong cả một nhiệm kỳ, bản thân anh phải phát huy bản lĩnh, trí tuệ, công tâm, sáng suốt để lựa chọn người xứng đáng nhất.

Lý do không biết hoặc ít thông tin chỉ là thể hiện sự thiếu trách nhiệm với lá phiếu của mình, thiếu trách nhiệm của một đảng viên. Nếu chưa biết về người đó thì phải tìm hiểu kỹ qua nhiều kênh, từ báo chí, đến nhân dân, đến những người có trách nhiệm… Nếu cần thì phải tự mình đi tìm hiểu xem người đó có xứng đáng được bầu hay không. Còn cứ trên giới thiệu, dưới tự động bầu thì thiếu trách nhiệm với nhân dân, với địa phương mình, bộ, ngành mình và rộng ra là thiếu trách nhiệm với đất nước.

Cảm ơn ông.

Theo TPO

Các tin cũ hơn