"25 năm tới, ASEAN là không gian chiến lược quan trọng với Việt Nam"

Thứ tư, 29/07/2020, 10:19
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp của Ban Thư ký quốc gia về ASEAN, cho biết từng có đề nghị không chính thức muốn Việt Nam kéo dài nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN thêm một năm.

Bà Nga cho hay bối cảnh của đề nghị trên là những thách thức chưa từng có ở các nước bạn do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng Việt Nam “còn phải cân nhắc” vì có nhiều ưu tiên ngoại giao khác trong năm tới.

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo chiều 28/7 về 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, vị đại sứ, đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương, nói sự kiện Việt Nam gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995 đánh dấu lần đầu tiên đất nước trở thành thành viên đầy đủ của một tổ chức quốc tế. Và từ đó, Việt Nam học được “các nguyên tắc của luật chơi”, hợp tác với nhiều tổ chức, diễn đàn lớn hơn.

25 nam Viet Nam gia nhap ASEAN anh 2

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương. Ảnh: Hồng Anh.

Bà Nga, nguyên Trưởng SOM ASEM Việt Nam, lập luận rằng 25 năm qua, ASEAN đã nỗ lực tăng cường gắn kết với môi trường hòa bình, phát triển. Giai đoạn hiện nay là lúc từng tỉnh thành, người dân, doanh nghiệp phải tìm hiểu, tận dụng hiệu quả các khuôn khổ đã được tạo ra.

Nhưng giờ cũng là lúc “tình hình rất phức tạp” do sự chuyển dịch chiến lược giữa các nước lớn. “Đông Nam Á sẽ có vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược toàn cầu của các nước lớn, chúng ta phải can dự, đưa các nước vào tham gia nhưng phải khuyến khích sự đóng góp tích cực”, bà trả lời câu hỏi của Zing.

Sau gia nhập ASEAN, Việt Nam “trưởng thành rất nhanh”

- Trong bối cảnh dịch Covid-19, đã có đề nghị là Việt Nam kéo dài nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN thêm một năm. Điều đó có được đề cập trong hội thảo hay không?

- Những kỳ vọng và niềm tin đặt vào Việt Nam là rất lớn, là kết quả của nỗ lực đóng góp của mình rất nhiều năm, đặc biệt trong năm nay. Hiện nay, đang có thử thách chưa từng có về năng lực ứng phó tại khu vực, năng lực tập hợp, tạo đồng thuận trong khu vực. Có thể nói ASEAN vẫn giữ đúng lộ trình, các chương trình nghị sự, vẫn có các tọa đàm, hội thảo, thương lượng văn kiện.

Việt Nam ứng phó tốt với Covid-19, làm các nước bạn ấn tượng. Chính vì kỳ vọng đó mà có nước, nhất là nước bạn Brunei năm sau làm chủ tịch, nước bạn rất lo, cũng đã đề nghị một cách không chính thức, thăm dò, là liệu Việt Nam có thể làm Chủ tịch ASEAN thêm một năm nữa.

Chúng ta còn phải cân nhắc, nhưng chắc chúng ta vẫn giữ theo lộ trình thứ tự. Cũng còn rất nhiều câu chuyện mới trong hoạt động quốc tế mà chúng ta phải giữ nữa và cả hoạt động trong nước. Nhưng như vậy là đã có đặt vấn đề, nói lên rằng các bạn tin tưởng và ta đã làm tốt chức Chủ tịch ASEAN năm nay. Chúng ta sẽ phải cân nhắc trong tổng thể hoạt động đối ngoại nói chung, cả hoạt động trong nước, bao gồm chuẩn bị cho đại hội Đảng.

Nhưng ngay cả khi không là Chủ tịch, chúng ta vẫn đóng góp tốt, vẫn chủ trì các hoạt động. Chúng ta vẫn có các sáng kiến và nuôi các sáng kiến - có rất nhiều cách.

25 nam Viet Nam gia nhap ASEAN anh 3

Cờ Việt Nam tung bay cùng các thành viên ASEAN tại trung tâm hội nghị quốc tế ở thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei, năm 1995. Ảnh: TTXVN.

- Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan vừa nói ASEAN là bậc thang đầu tiên giúp Việt Nam hội nhập. Bà có bao giờ nghĩ về việc Việt Nam hội nhập ASEAN thời kỳ đầu và ý nghĩa của cột mốc đó?

- Có lẽ với tất cả cán bộ ngoại giao, bài học đầu tiên khi hoạt động đối ngoại, nhất là đa phương - ai cũng nghĩ đến ASEAN đầu tiên. Vì thế ASEAN được coi là cơ chế ưu tiên hàng đầu trong các cơ chế ưu tiên của Việt Nam trong hợp tác quốc tế.

Việc chúng ta gia nhập ASEAN đánh dấu việc Việt Nam thực sự tham gia với tư cách thành viên đầy đủ của một tổ chức quốc tế, tức có tiếng nói, có quyền phủ quyết, được đóng góp ý kiến, có tham gia nguồn lực và xử lý các vấn đề hàng ngày.

Vì ta tham gia ASEAN năm 1995 nên đến năm 1996, khi có quá trình thành lập Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Việt Nam trở thành nước đồng sáng lập cùng 25 nước thành viên khác. Việc đó thể hiện tâm huyết, nguyện vọng của Việt Nam là cùng đồng hành trong khu vực. Nhờ hợp tác năm 1996 đó, chúng ta mới đồng hành được với APEC năm 1998 - cứ “từ ao làng ta ra sông suối, rồi ra biển lớn”.

Những năm đó giúp Việt Nam quen với hội nhập, các nguyên tắc của luật chơi. Ta mới bắt đầu tham gia thúc đẩy đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007. Cả chặng đường đó là sự nâng tầm của Việt Nam, và Việt Nam trưởng thành rất nhanh, chỉ trong hơn 10 năm từ 1995 đến 2007.

25 nam Viet Nam gia nhap ASEAN anh 4

25 nam Viet Nam gia nhap ASEAN anh 5

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ hai từ trái - ảnh 1; giữa - ảnh 2) dự hội nghị ASEAN tháng 7/1995 và ký văn kiện trong lễ kết nạp Việt Nam làm thành viên. Ảnh: TTXVN.

ASEAN phải dẫn dắt các cơ chế khu vực

- 25 năm nhìn lại, hoạt động của ASEAN đã trở nên thực chất hơn như thế nào, thưa bà?

- Cái rất cần ở đây là hiệu quả cuối cùng. Ban đầu hiệu quả của chặng đường đầu của ASEAN là phải gắn được các nước trong khu vực lại với nhau. ASEAN 10 (ý nói khối ASEAN sau khi kết nạp thêm Myanmar, Lào, Campuchia để có 10 thành viên năm 1999 - PV) là cột mốc rất lớn, vì việc mở rộng ASEAN thành một thị trường thống nhất trong khu vực là thuận lợi cho phát triển.

Thêm nữa, thực chất phải thể hiện ở chỗ giúp cho từng quốc gia phát triển. Rõ ràng kể từ ASEAN 10, năm 1999, đến nay ASEAN phát triển năng động, hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, đến 2030 chúng ta có thể vươn lên là nền kinh tế đứng thứ tư thế giới, mở rộng thị trường tới 600 triệu dân. Người dân xuất nhập cảnh không cần visa, có thể đi lại học hành, các thanh niên có thể đến các thị trường ASEAN kiếm công ăn việc làm một cách thuận lợi.

25 nam Viet Nam gia nhap ASEAN anh 6

Theo đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, ASEAN 10 là cột mốc rất lớn. Ảnh: Reuters.

Đó là lợi ích của người dân, và đó mới là “thực chất”. “Thực chất” không có nghĩa chúng ta phải ra một tuyên bố gì đó hay phải làm gì đó.

Khi đã gắn kết, đem lại môi trường hòa bình, an ninh, phát triển như vậy, điều cuối cùng là từng địa phương, tỉnh thành, người dân, doanh nghiệp phải tận dụng được, thì chính là giai đoạn hiện nay xây dựng Cộng đồng ASEAN. Điểm nghẽn quyết định xem nước ta có tham gia hiệu quả hay không là sự tham gia, tận dụng hiệu quả của địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Nếu người dân dửng dưng không tham gia, đứng ngoài các khuôn khổ, thỏa thuận đã được tạo thuận lợi, chắc chắn chúng ta không thể có hiệu quả.

Trong thế kỷ 21 và thời đại số, rất cần không gian, không phải thị trường thuần túy, mà là không gian phát triển về an ninh, chính trị, gắn kết và con người. ASEAN chính là một không gian quan trọng về chiến lược với Việt Nam trong 25-30 năm tới.

25 nam Viet Nam gia nhap ASEAN anh 7

Theo bà Nga, sự tìm hiểu, tận dụng của người dân, doanh nghiệp sẽ quyết định hiệu quả của ASEAN. Ảnh: AFP.

- Việc nêu được vấn đề Biển Đông và thu hút được sự tham dự của các nước lớn trong các cuộc họp của ASEAN nói lên gì về vai trò của Việt Nam trong khối?

- Chúng ta phải nhìn rộng hơn các vấn đề đối với ASEAN nhất là trong chặng đường xây dựng Cộng đồng ASEAN đến năm 2025. Đối với vấn đề an ninh và phát triển, trong không gian rộng lớn của chúng ta, Biển Đông là một vấn đề. Còn có vấn đề Mekong, còn có khoảng cách phát triển, khoảng cách về công nghệ, hội nhập. Giai đoạn tới, những thách thức về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng đều đan xen nhau.

Nếu Biển Đông không ổn định, không đảm bảo được tự do hàng hải, tự do thương mại trên Biển Đông sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và liên kết, gắn kết của chuỗi, trong khu vực và trên thế giới nữa.

Cách tiếp cận của ASEAN là phải tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ và tham gia của các trung tâm trên thế giới. Các trung tâm, các cấu trúc, cơ chế đang hình thành, và đang thay đổi - chẳng hạn ở châu Âu ngày xưa là Anh, Đức, Pháp, ngày nay là EU - chúng ta phải can dự được không chỉ các nước lớn, mà còn các trung tâm.

25 nam Viet Nam gia nhap ASEAN anh 8

Theo bà Nga, các thách thức đối với hợp tác sẽ đan xen nhau từ nhiều mặt, như vấn đề Biển Đông và Mekong. Trong ảnh, một tàu cá trên sông Mekong đoạn gần Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP.

- Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gay gắt, ASEAN đã thể hiện vai trò ra sao trong việc điều hoà quan hệ giữa các nước lớn, tạo môi trường hòa bình, ổn định?

- Đối với chúng ta vốn nằm trong số các nước vừa và nhỏ, lại có vị trí địa chiến lược, địa kinh tế quan trọng, thì sự can dự của các nước lớn rất rõ nét. Hiện nay, sự chuyển dịch về chiến lược, về kinh tế, xã hội đan xen với nhau, tạo nên tình hình rất phức tạp. Trong ứng xử của các nước ASEAN, chắc chắn đây là một vấn đề lớn cần đặt ra.

Bài học của Việt Nam 25 năm qua trong ASEAN, cũng như hơn 50 năm lịch sử của ASEAN vẫn là các nước phải đa dạng hóa các mối quan hệ. Anh phải có quan hệ tốt, càng nhiều càng tốt với tất cả các trung tâm, tranh thủ tham gia đóng góp vào khu vực. Đông Nam Á sẽ có vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược toàn cầu của các nước lớn, chúng ta phải can dự, đưa các nước vào tham gia nhưng phải khuyến khích sự đóng góp tích cực.

Chúng ta phải thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy sự tôn trọng luật pháp quốc tế, các luật chơi chung và chuẩn mực chung, nguyên tắc không can thiệp. ASEAN phải đóng vai trò trung tâm, định hình cấu trúc luật chơi của khu vực này và dẫn dắt các cơ chế của khu vực Đông Nam Á.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích