Căng thẳng Mỹ - Trung liên tục leo thang với tốc độ báo động trong thời gian qua, liên quan đến rất nhiều vấn đề: Từ thương mại, công nghệ cao, cách xử lý dịch COVID-19, việc Bắc Kinh áp dụng Luật An ninh Hong Kong…, cho đến hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Những động thái đáp trả qua lại giữa hai bên khiến quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc ngày càng xấu đi.
Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên trầm trọng hơn sau khi Mỹ hôm 21/7 ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston để bảo vệ sở hữu trí tuệ và dữ liệu của công dân Mỹ. Đáp trả, Trung Quốc hôm 24/7 cũng đã yêu cầu đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô. Bước leo thang mới này đẩy quan hệ song phương xuống mức thấp nhất kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1979.
Trả lời VTC News, TS Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận định, quyết định đóng cửa lãnh sự quán báo hiệu sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới, nhất là sẽ có những vụ “ăn miếng, trả miếng”.
Căng thẳng Mỹ và Trung Quốc leo thang ức độ căng thẳng mới trong những ngày qua. (Ảnh: Nikkei)
- Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu toàn diện, ở mọi mặt trận, thưa ông?
Đúng là như vậy. Về ngoại giao, quan hệ căng thẳng sau khi Mỹ quy kết và truy tìm dấu vết gây ra đại dịch COVID-19 từ Trung Quốc. Kể từ đó, hàng loạt các sự kiện diễn ra theo hướng gia tăng cẳng thẳng như việc Mỹ áp đặt thị thực với nhiều quan chức chính phủ Trung Quốc; thông qua Đạo luật Hong Kong, tuyên bố bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông.
Về kinh tế, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mới chỉ kết thúc giai đoạn một. Mặc dù Trung Quốc tuyên bố thực hiện cam kết nhưng rõ ràng là Mỹ đang mất dần sự hào hứng. Việc chính quyền Trump cấm các công ty Mỹ làm ăn và sử dụng công nghệ của Huawei và cả việc Quốc hội Mỹ đưa những đạo luật nhắm vào các công ty của Trung Quốc cho thấy điều đó.
Căng thẳng hai bên còn diễn ra trên cả mặt trận an ninh - quân sự khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc ăn cắp công nghệ từ Mỹ. Hai bên thường tổ chức tập trận tại khu vực Biển Đông, đưa tàu tuần tra, tàu chiến tới các điểm nóng khu vực. Mỹ cũng liên tục thực hiện chiến dịch tự do hàng hải FONOP để thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Nhìn chung sự đối đầu hiện nay là do có sự cạnh tranh nhau về vị thế lãnh đạo và mâu thuẫn nhau về lợi ích quốc gia.
- Quan hệ Mỹ - Trung leo thang sang mức độ cao hơn khi hai nước đóng cửa lãnh sự quán lẫn nhau. Động thái này nằm trong chủ ý của Mỹ?
Theo tôi, động thái này là mang động cơ chính trị và tất nhiên là chủ ý từ phía Mỹ. Mỹ cáo buộc Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là một mắt xích trong các hoạt động tình báo của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thậm chí cáo buộc Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động gián điệp, gây ảnh hưởng không đúng lên nước Mỹ và chống lại các quan chức, công dân Mỹ.
Tôi cho rằng, động thái này sẽ mở màn cho một chiến dịch lớn hơn khác của Mỹ nhắm vào các hoạt động tình báo của Trung Quốc trên đất Mỹ. Trong thời gian tới, rất có thể có nhiều hoạt động khác từ phía chính quyền Mỹ nhằm vào Trung Quốc, thậm chí kể cả trục xuất các nhân viên công vụ của Trung Quốc về nước nếu có nghi ngờ tham gia các hoạt động tình báo.
- Tại sao chính quyền Trump lại lựa chọn thời điểm này để hành động như vậy, thưa ông?
Hành động của Mỹ diễn ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung trong suốt bốn năm qua. Tuy nhiên, những bất đồng trong quan hệ Mỹ - Trung đến nay gần như vẫn chưa được giải quyết. Những yêu cầu và đòi hỏi từ phía Mỹ vẫn chưa được Trung Quốc đáp ứng.
Mỹ gần như chưa thấy có tiến triển gì trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc trên nhiều vấn đề, trong đó có cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trung Quốc cam kết với Mỹ sẽ không tiếp tục quân sự hóa Biển Đông nhưng họ không làm như vậy. Do vậy, tôi cho rằng, chính quyền Trump muốn gây áp lực nhiều hơn lên Trung Quốc để buộc nước này phải thực hiện các cam kết của mình.
Tòa nhà Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Houston, bang Texas, Mỹ. (Ảnh: AP)
- Đóng cửa lãnh sự quán là bước leo thang mới, thường là hành động cuối cùng trong các gia tăng căng thẳng?
Thực ra đây mới chỉ là đóng cửa lãnh sự quán chứ chưa phải là đóng cửa Đại sứ quán nên chưa phải là vấn đề. Tôi nghĩ trong bối này, cả Mỹ và Trung Quốc khó có thể có những hành động quá mức để đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao của nhau vì điều này cũng không có lợi.
Trục xuất nhân viên ngoại giao của nhau thì có thể xảy ra, tương tự như trong trường hợp giữa Mỹ và Nga hồi năm 2018. Tuy nhiên, đây cũng là sự kiện báo hiệu sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới, nhất là sẽ có những vụ “ăn miếng, trả miếng”.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh ở đây là việc Mỹ tuyên bố đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston do có liên quan tới hoạt động tình báo. Mà hoạt động tình báo ở đây là tình báo để đánh cắp các thông tin về sở hữu trí tuệ, công nghệ nguồn, công nghệ quốc phòng vốn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nước Mỹ.
Đây cũng là vấn đề lớn trong cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc về chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ. Ở đây không chỉ là vấn đề tình báo đơn thuần mà nó còn liên quan tới các vấn đề cạnh tranh phát triển và kinh tế.
- Có ý kiến cho rằng, ông Trump muốn thể hiện sự quyết đoán trong chính sách đối với Trung Quốc để lấy lòng cử tri Mỹ trước bầu cử. Ông có nghĩ vậy?
Tôi cho rằng cái này chỉ là một phần bởi người dân Mỹ đã biết quan điểm của ông Trump đối với Trung Quốc từ lâu, thậm chí trước khi ông trở thành Tổng thống của nước Mỹ. Cái chính ở đây là các cuộc đàm phán trong suốt 4 năm qua giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề thương mại, quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ… chưa mang lại hiệu quả nào cho ông Trump.
Đương nhiên cử tri Mỹ có quyền đánh giá các kết quả đàm phán của ông Trump với Trung Quốc. Và nếu chưa có kết quả nào nổi bật, việc ông Trump tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu vì cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần. Sức ép của cử tri cũng là điều mà ông Trump phải hành động.
- Việc đóng cửa cơ quan lãnh sự lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ hai nước mà còn tới cục diện chính trị toàn cầu?
Đúng là như vậy. Khi quan hệ giữa hai cường quốc căng thẳng, nó sẽ khiến quan hệ quốc tế không hề yên ả bởi đó là một mắt xích quan trọng của hệ thống quốc tế. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay, đang có một xu hướng tập hợp lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. (Ảnh: Hoàn Cầu Thời báo)
Sự tập hợp lực lượng này diễn ra ở cả trong ý tưởng, các sáng kiến mới và cả trong chủ thuyết phát triển cũng như chiến lược đối với các khu vực. “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” được Mỹ triển khai không nhằm ngoài mục tiêu đó của Mỹ. Nó được coi là một đối trọng với các chiến lược, chính sách của Trung Quốc tại khu vực.
- Theo ông, cục diện quan hệ Mỹ - Trung sẽ diễn biến ra sao từ giờ cho đến trước bầu cử Mỹ (tháng 11/2020)?
Sẽ có nhiều căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung và chắc chắn Trung Quốc sẽ là một chủ đề nóng trong cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Tổng thống Donald Trump và Joe Biden trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020. Quan hệ Mỹ - Trung thế nào sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả đàm phán giữa ông Trump và Trung Quốc trong suốt thời gian qua.
Tôi cho rằng quả bóng đã được ông Trump đá sang phía Trung Quốc. Nếu việc thực thi thỏa thuận giai đoạn một không có kết quả, nếu Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông và không thực hiện các biện pháp đảm bảo về quyền sở hữu trí tuệ thì rất khó có thể có tiến triển trong quan hệ Mỹ - Trung trong thời gian tới.
Câu chuyện ở đây là việc Mỹ ra đầu bài còn Trung Quốc là người đưa đáp án. Nếu không có kết quả, Mỹ tiếp tục gây sức ép buộc Trung Quốc phải nhượng bộ. Còn Trung Quốc nhượng bộ như thế nào, mức độ tới đâu thì đó còn là câu chuyện dài. Trung Quốc ít khi chịu để mất mặt trước thế giới.
Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ công bố tháng 11/2017 (và nhiều văn kiện khác) đều coi Trung Quốc là đối thủ và là mối đe dọa tới lợi ích của nước Mỹ.
Tiến sĩ Phạm Cao Cường |
Tôi cho rằng dù ai là Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ thì lập trường của họ với Trung Quốc có lẽ sẽ không thay đổi. Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ công bố tháng 11/2017 (và nhiều văn kiện khác) đều coi Trung Quốc là đối thủ và là mối đe dọa tới lợi ích của nước Mỹ.
Quan điểm của Mỹ về Trung Quốc hiện nay được sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ.
Nếu ông Trump tái đắc cử, quan hệ Mỹ - Trung có căng thẳng nhưng đi kèm với nó có thể có những kết quả đàm phán từ những thỏa thuận trước đây.
Nếu Joe Biden trúng cử, quan hệ Mỹ - Trung cũng khó quay trở lại như thời điểm trước khi ông Trump lên nắm quyền, cho dù ông Biden có thể có cách tiếp cận với Trung Quốc mềm mỏng hơn. Có thể có kết quả đàm phán, nhưng Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế hơn.
- Trục xuất là động thái đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng các quan hệ khác giữa hai nước cũng rất căng thẳng. Thời gian qua, Mỹ luôn bày tỏ quan điểm, thực thi chính sách cứng rắn với Iran, trong khi đó Trung Quốc âm thầm hỗ trợ Iran khi thông qua thỏa thuận giao thương 400 tỷ USD. Liệu có phải Mỹ thích đối diện trực tiếp, còn Trung Quốc thích đánh sau lưng, thưa ông?
Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đã từng nói rằng: “Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”. Cả Mỹ và Trung Quốc khi hợp tác hay liên minh với quốc nào thì đều cân nhắc tới lợi ích quốc gia của họ. Đối với Mỹ, họ có hiệp ước đồng minh với nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới.
Riêng khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã là 28 quốc gia; khối ANZUS có 2 quốc gia là Úc và New Zealand. Chưa kể tới các hiệp ước đồng minh song phương. Còn đối tác quan trọng của Mỹ thì lên tới 76 quốc gia. Còn lại, quan hệ đồng minh Trung Quốc với các quốc gia là rất khiêm tốn, đếm trên đầu ngón tay.
Trung Quốc là nhân tố quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ với nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia muốn dựa vào Mỹ vì “chiếc ô an ninh”, trong khi lại muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc vì các lợi ích kinh tế.
Trong bối cảnh có sự cạnh tranh chiến lược và căng thẳng Mỹ - Trung, quốc gia nào cũng phải tính toán để tối đa hóa lợi ích quốc gia của mình. Trong thời gian qua, quan hệ Mỹ và Iran cũng có nhiều căng thẳng và việc Trung Quốc tận dụng căng thẳng quan hệ Mỹ - Iran để tối đa hóa lợi ích của mình cũng là điều dễ hiểu.
- Quan điểm cá nhân ông về leo thang căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?
Căng thẳng quan hệ giữa các nước lớn đều không có lợi cho các nước nhỏ và đương nhiên căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung có tác động tới Việt Nam. Nhưng trong bối cảnh chung đó, làm thế nào để tối đa hóa lợi ích quốc gia của Việt Nam mới là quan trọng.
Trong thời gian qua, mặc dù chịu tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, thương mại hàng hóa của Việt Nam với Mỹ vẫn gia tăng rất mạnh. Thương mại hai chiều năm 2019 đạt khoảng 77,6 tỷ USD và Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.
Trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu vốn để để phát triển, việc tăng cường quan hệ với các nước lớn là điều cần thiết. Việc tăng cường quan hệ với Mỹ không chỉ thu hút vốn và công nghệ cao từ phía Mỹ sẽ đóng góp cho sự phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam có vị trí địa chiến lược, có đường bờ biển dài nên việc đảm bảo an ninh hàng hải cũng là một khía cạnh quan trọng của Việt Nam.
Với vị trí địa chiến lược quan trọng tại khu vực, chúng ta cần phải xác định mình đang đứng ở đâu trong trật tự khu vực và cũng như vị trí nào quan hệ quốc tế hiện nay. Xác định rõ được điều này sẽ giúp chúng ta có được sự lựa chọn chiến lược cho phù hợp trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn tiến nhanh chóng.
- Xin cảm ơn ông!
Theo VTCNews