Nếu kiểm soát tốt, ca bệnh Covid-19 ở Đà Nẵng không đáng lo ngại

Chủ nhật, 26/07/2020, 14:18
Việt Nam vừa ghi nhận 2 bệnh nhân mắc Covid-19 trong cộng đồng sau 99 ngày. Các chuyên gia nhận định đây là điều có thể hiểu được bởi chúng ta không phải ốc đảo.

Tính từ thời điểm ghi nhận ca bệnh số 268 là thiếu nữ 16 tuổi ở Hà Giang, Việt Nam trải qua 99 ngày không ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, đến ngày 24/7, Đà Nẵng ghi nhận bệnh nhân 57 tuổi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hai ngày sau, ca cộng đồng tiếp theo cũng được phát hiện ở thành phố này.

Việt Nam không phải ốc đảo

“Trên thế giới, số ca nhiễm vẫn tăng cao. Dù qua 100 hay 1.000 ngày, khi tình hình dịch thế giới chưa kiểm soát được, việc chúng ta ghi nhận ca mắc trong cộng đồng là điều dễ hiểu, không bất thường”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh kiêm Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, cố vấn chuyên môn phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, nêu quan điểm.

Theo bác sĩ Khanh, số bệnh nhân nhiễm mới và tử vong vẫn chưa có xu hướng dừng lại, đặc biệt tăng nhanh tại các quốc gia lớn như Mỹ, Canada… Ngay sát biên giới Việt Nam, số ca nhiễm tại Trung Quốc cũng không có dấu hiệu dừng lại.

“Việc ghi nhận bệnh nhân trong cộng đồng là vấn đề tất yếu vì chúng ta chỉ có thể kiểm soát, khống chế, chưa thể triệt tiêu triệt để”, bác sĩ Khanh nói thêm.

benh nhan Covid-19 o Da Nang anh 1

Việc xuất hiện bệnh nhân 416 ở Đà Nẵng đã kết thúc chuỗi 99 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng tại Việt Nam. Ảnh: Việt Linh.

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cũng cho rằng Việt Nam "ở cánh đồng trũng", xung quanh là "nước to, gió lớn" chứ không phải là ốc đảo, tách biệt với thế giới.

"Nếu không kiểm soát chặt, nước từ nơi khác tràn xuống, tương tự mối nguy xâm nhập từ bên ngoài. Chúng ta chỉ có thể khống chế, kiểm soát dịch chứ không thể đảm bảo 100%. Ca bệnh cộng đồng xuất hiện là đáng buồn nhưng có thể hiểu và biết trước”, TS Hùng nhận định.

Bệnh nhân 416 đã đến 3 cơ sở y tế ở Đà Nẵng gồm Trung tâm Y tế Ngũ Hành Sơn, Trung tâm Y tế Liên Chiểu, Bệnh viện C Đà Nẵng. Trong đó, Bệnh viện C Đà Nẵng đã bị phong tỏa. Nhiều người lo ngại Bệnh viện C Đà Nẵng có thể lặp lại kịch bản tương tự Bệnh viện Bạch Mai.

Về điều này, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng cả hai bệnh viện đều bị cách ly, phong tỏa do ca Covid-19 trong cộng đồng. Ca mắc này xảy ra trong bối cảnh năng lực của Việt Nam đã khác so với giai đoạn trước. Ngành y tế Đà Nẵng có mức cảnh giác cao, công tác khoanh vùng, cách ly khẩn trương hơn do đã có kinh nghiệm.

“Về việc có lặp lại kịch bản hay không, chúng ta chưa thể kết luận. Điều này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng, kết quả tầm soát nhân viên y tế, người tiếp xúc gần, nguồn lây F0 và số người là F1, F2 dương tính”, bác sĩ Khanh nói thêm.

ThS.BS Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cũng cho rằng ca bệnh này không phải là bất thường. Mặc dù không rõ nguồn lây, các bệnh viện ở Đà Nẵng đã thăm khám, cách ly đúng quy trình. Những người tiếp xúc với bệnh nhân có xét nghiệm lần đầu âm tính. Đây là điểm đáng mừng.

benh nhan Covid-19 o Da Nang anh 2

Các chuyên gia nhận định việc xuất hiện ca nhiễm cộng đồng là có thể hiểu được. Ảnh: Trương Khởi.

Mối nguy từ người nhập cảnh trái phép

Bác sĩ Khanh cho biết nhiều ca Covid-19 xuất hiện trong cộng đồng là điều đáng lo ngại. Khi các ca bệnh rải rác, chúng ta sẽ thực hiện cách ly, khoanh vùng, dập dịch tốt, người dân không cần quá lo lắng.

Điều các chuyên gia lo ngại hiện nay là tình hình dịch trên thế giới chưa được kiểm soát trong khi Việt Nam có đường biên giới với các nước láng giềng quá dài.

“Nhiều ca nhập cảnh không kiểm soát được sẽ lây nhiễm ra cộng đồng. Việc truy tìm F0 trở nên khó khăn”, bác sĩ Khanh bày tỏ lo lắng.

Sự việc 21 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép tại Đà Nẵng là dẫn chứng cụ thể cho mối nguy hiểm luôn thường trực.

“Giả sử trong nhóm người nhập cảnh trái phép có người lành mang trùng. Trong thời gian này, họ lây truyền virus trong cộng đồng. Khi được phát hiện và làm xét nghiệm, họ khỏi bệnh và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, người trong cộng đồng lúc này có thể đã nhiễm bệnh”, bác sĩ Khanh nêu giả thuyết.

Trách nhiệm lớn của người dân

Việc ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng đang khiến người dân lo lắng. Vì vậy, bác sĩ Khanh khuyến cáo: "Trước mắt, dù ghi nhận thêm bao nhiêu ca Covid-19 cộng đồng, chỉ cần tuân thủ an toàn từ đeo khẩu trang khi tiếp xúc người khác, ở nơi đông người, rửa tay sát khuẩn thường xuyên… chúng ta có thể được bảo vệ”.

Ông cho biết nếu xuất hiện ca bệnh xâm nhập không được kiểm soát, virus sẽ tấn công trước tiên vào nhóm người không mang khẩu trang trong môi trường công cộng kín như xe khách, khách sạn, phòng họp…

Chúng ta đã và đang bắt đầu cuộc sống bình thường mới sau giãn cách xã hội. Ca bệnh nhân nhập cảnh theo diện bảo hộ công dân, chuyên gia đã được cách ly ngay. Do đó, trách nhiệm còn lại ở người dân rất lớn. Khi phát hiện người lạ mặt, người nước ngoài đến địa phương, người dân cần thông báo cho cơ quan chức năng.

Người dân trong giai đoạn này cần hạn chế việc di chuyển, du lịch đến các địa phương có nguy cơ. Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia cũng cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể, tránh gây hoang mang, ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và phụ huynh.

“Nếu chúng ta kiểm soát tốt, ca bệnh này không có gì đáng lo ngại. Điều đáng lo là không kiểm soát được đối tượng nhập cảnh trái phép và ý thức của người dân”, bác sĩ Khanh nói.

TS Lê Quốc Hùng nhấn mạnh thêm Covid-19 là dịch bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp. Việc dịch bệnh quay lại cộng đồng cũng là điều có thể hiểu được. Đặc biệt, với những người mang mầm bệnh nhưng không biểu hiện (người lành mang trùng), chúng ta rất khó kiểm soát.

Khi phát hiện ca nhiễm bệnh trong cộng đồng, vấn đề chúng ta cần làm tương tự các biện pháp đã thực hiện từ trước đến nay. Các quy trình phòng, chống dịch cần khởi động lại. Nếu Việt Nam khoanh vùng, dập dịch tốt, dịch không thể bùng lên và trở thành làn sóng mới.

benh nhan Covid-19 o Da Nang anh 3

Đồ họa: Minh Hồng

Theo Zing

Các tin cũ hơn