Ngày 22-7, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị Công bố Chương trình chuyển đổi số và hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố.
Các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT-TT chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM đã triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố (HCM LGSP), nhằm kết nối các cơ sở dữ liệu hiện có của thành phố và kết nối với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu liệu quốc gia. Nền tảng này giúp tăng khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, DN; giảm nguy cơ đầu tư trùng lắp vì xác định rõ được các thành phần, hệ thống thông tin trong chính quyền điện tử.
“Có thể thấy HCM LGSP là nền tảng quan trọng trong việc hình thành Kho dữ liệu dùng chung của thành phố. HCM LGSP đảm nhiệm vai trò chính trong việc cung cấp các thông tin kết nối đến các phần mềm tại đơn vị, tích hợp và khai thác dữ liệu từ Kho dữ liệu dùng chung của TP.HCM. Từ đó, các đơn vị có thể xây dựng chính sách và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiệu quả nhờ có được một cái nhìn tổng thể và mạch lạc về việc ứng dụng công nghệ trong các cơ quan nhà nước”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nói.
Về Chương trình chuyển đổi số (CĐS), được xây dựng dựa trên Chương trình CĐS quốc gia, Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và kiến trúc chính quyền điện tử thành phố.
Chương trình có 6 mục tiêu cơ bản đến năm 2025 gồm: Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt từ 50% trở lên, với tối thiểu 90% người dân và DN hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; thông tin của người dân, DN được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu thành phố; kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; tỷ lệ người dân và DN có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%; hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.
Còn đến năm 2030 là 4 mục tiêu gồm: 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%; tỷ lệ người dân và DN có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng nêu 4 nhiệm vụ và giải pháp chung để triển khai Chương trình CĐS sao cho đạt hiệu quả cao nhất, 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp xây dựng chính quyền số, 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế số; đồng thời khẳng định sẽ CĐS 10 ngành nghề, lĩnh vực của TP.HCM gồm y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính – ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, lĩnh vực môi trường, năng lượng, đào tạo nhân lực.
“Đến năm 2030, TP.HCM trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các DN số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Đó là mục tiêu cơ bản để thúc đẩy các hoạt động CĐS, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên địa bàn. Việc triển khai phải sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nên rất cần được sự hỗ trợ từ các ban, ngành, từ hoạt động tư vấn, đồng thuận, chia sẻ của DN…”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nói.
Kỳ vọng phục vụ người dân tốt hơn
Đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ đề án của TP.HCM trong Chương trình CĐS, qua đó giúp DN phát triển và kỳ vọng chính quyền sẽ phục vụ người dân ngày một tốt hơn, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM (HCA) cho biết, HCA phối hợp chặt chẽ cùng các hiệp hội ngành nghề để kết nối cung cầu, xây dựng hệ sinh thái đối tác cho hoạt động chuyển đổi số, trong đó sẽ hoàn thành bộ danh mục sản phẩm dịch vụ CNTT phục vụ chuyển đổi số và các chương trình lớn của thành phố ngay trong tháng 7 này. Bộ tài liệu này được chia thành các nhóm lĩnh vực ngành nghề, kinh tế. HCA cũng sẽ thành lập CLB chuyên gia CĐS để chia sẻ các thông tin tư vấn, phản biện, đánh giá các sản phẩm phù hợp cho các nhóm DN ứng dụng.
Ông Long cũng kiến nghị, TP.HCM cần có chương trình mỗi xã, phường có một ứng dụng CNTT tiêu biểu dựa trên các tiêu chí đánh giá rõ ràng, ưu tiên các lĩnh vực phục vụ người dân, DN. Đồng thời, yêu cầu các Tổng công ty, DN thuộc thành phố sử dụng ít nhất 30% ngân sách của quỹ khoa học công nghệ dành cho ứng dụng CNTT và CĐS.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM kiến nghị, thành phố có những chính sách hỗ trợ DN CĐS như đảm bảo hạ tầng, an ninh, nguồn tài nguyên số ngày càng phong phú; đồng bộ môi trường pháp lý đảm bảo cho quá trình kinh doanh, giao dịch trên môi trường nền tảng số được thuận lợi. Việc này sẽ củng cố niềm tin của DN ứng dụng công nghệ số. Cùng với đó, Chính phủ điện tử, Chính phủ số cần đẩy mạnh, tiên phong để trở thành lực kéo và sức hút cho quá trình chuyển đổi số của DN.
Còn ở góc độ hội DN quận huyện, ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch hội DN quận Tân Phú nhấn mạnh: “Chuyển đổi số cần một nguồn lực và ngân sách lớn. “Đó là siêu xa lộ, siêu nguồn lực để Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng thành công trong chuyển đổi số. TP.HCM cần có quyết sách rõ ràng, công khai, minh bạch, xuyên suốt để các DN nhỏ và vừa sẽ bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số”, ông Toàn nói.
Tiên phong mở đường
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT-TT chia sẻ, TP.HCM là địa phương tiên phong hưởng ứng và triển khai - mở đường trong đề án CĐS của Quốc gia. Việc này giúp cho cả nước đi theo. Mấu chốt quan trọng để CĐS thành công là cần có sự thay đổi trong nhận thức của những người lãnh đạo đơn vị, người đứng đầu các đơn vị. Đối với các DN, CĐS liên quan đến chuyển đổi mô hình, quản trị, mô hình kinh doanh, cách thức hoạt động, vận hành và nên bắt đầu từ những việc đơn giản, cụ thể, nằm trong khả năng, trong tầm tay.
Theo Bộ trưởng, TP.HCM cần chi tiêu nhiều hơn cho CĐS, bởi hiện tại, thành phố mới chi 0,4% ngân sách cho CNTT, trong đó có CĐS. Bộ TT-TT cam kết, đồng hành hỗ trợ các nguồn lực cho TP.HCM phát triển CĐS và cũng mong các địa phương tiếp nối thành phố trong vấn đề này.
Tiếp thu những ý kiến góp ý tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ, TP.HCM sẽ thực hiện quyết liệt để đưa Chương trình CĐS hoàn thành nhanh nhất, đưa chương trình này là yếu tố quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép hiện nay. Đối với kinh tế số, thành phố sẽ tập trung 10 lĩnh vực trọng tâm là y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng, đào tào nguồn nhân lực. Thành phố cũng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số tại các DN.
Khao khát và nỗ lực chọn con đường phát triển nhanh hơn
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, TP.HCM là địa phương đầu tiên công bố Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh (cuối năm 2017), và nay tiếp tục là địa phương đầu tiên công bố chương trình CĐS - chỉ sau 1 tháng khi Chính phủ công bố chương trình CĐS quốc gia. Điều đó phản ánh khao khát và nỗ lực của TP.HCM là chọn con đường phát triển nhanh hơn bằng phát huy trí tuệ con người, phát huy sức mạnh công cụ CNTT, trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, phản ánh TP.HCM tin vào lực lượng chuyên gia của TP, tin tưởng các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, các trường đại học, viện nghiên cứu… Chính nhờ nguồn lực này, TP.HCM mới có thể thúc đẩy chương trình CĐS. Đề cập yêu cầu của chương trình CĐS, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nêu câu hỏi: “Khi số hóa, ứng dụng giải pháp thông minh thì cuối cùng năng suất lao động có tăng không?” Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, mục tiêu là năng suất lao động phải tăng. Bởi, TP.HCM có dân số ngày một tăng, mỗi một công chức TP.HCM đang phục vụ số lượng người dân gấp khoảng 1,7 lần bình quân số lượng người dân một công chức cả nước phục vụ. Thời gian tới, TP.HCM muốn phục vụ người dân tốt hơn, chỉ có cách là tăng năng suất lao động và chính số hóa, áp dụng các giải pháp thông minh mới giúp tăng năng suất. Cùng với năng suất tăng, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, thì chi phí cũng phải giảm. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Để CĐS thành công, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng đặt ra các vấn đề về kho dữ liệu, phát triển hơn nữa hạ tầng viễn thông, hạ tầng số và mong muốn người Việt Nam làm được đám mây của người Việt Nam để lưu giữ dữ liệu – tài nguyên của người Việt Nam. Đồng chí cũng cảnh báo vấn đề đảm bảo an ninh và cần có Ban chỉ đạo, Hội đồng phát triển ngành CNTT góp phần chịu trách nhiệm việc này. Trước đề xuất hình thành các chỉ số phản ánh trình độ số hóa của cơ sở cũng như của toàn ngành, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá điều đó tốt, rất đáng tham khảo để có bộ chỉ số, vận dụng từng địa phương, từng doanh nghiệp. Từ thảo luận của các đại biểu, Bí thư Thành ủy TP.HCM đặt ra các vấn đề cần quan tâm. Đầu tiên, TP.HCM cần phối hợp với Viettel (Tập đoàn Viễn thông quân đội – PV) hình thành trung tâm giới thiệu sản phẩm, tư vấn triển khai các dịch vụ số hóa, phát triển các sản phẩm thông minh. Với trung tâm này, doanh nghiệp có thể mang sản phẩm tới trình diễn, luân phiên theo từng chủ đề về sản phẩm y tế, giáo dục, du lịch thông minh, giao thông, xây dựng – môi trường, quản lý nhà nước… Hàng năm, có hội thi sản phẩm CNTT, giải pháp CNTT, giải pháp số hóa. Về đào tạo nhân lực, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP.HCM quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cụ thể, trong Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, TP.HCM có nêu ra 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm phát triển TP. Trong đó, TP.HCM có 1 chương trình đột phá về phát triển nhân lực và văn hóa với 8 nhánh đào tạo nhân lực đạt trình độ quốc tế, gồm có nhân lực ngành CNTT - truyền thông và trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, TP.HCM cũng có Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP.HCM; trong đó, xác định sản phẩm CNTT là nhóm sản phẩm chủ lực và có chương trình cụ thể kèm theo. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức gửi 2 chương trình này tới các doanh nghiệp CNTT của TP.HCM biết để cùng tham gia với TP. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trả lời câu hỏi ứng dụng CĐS ở đâu, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, có thể ứng dụng rộng rãi ở xã hội, và đặc biệt, TP.HCM có Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông. Khu đô thị này có 6 phân khu chức năng khác nhau nhưng có hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông thống nhất, mục tiêu là hạ tầng hiện đại nhất Việt Nam. Dự kiến, cuối năm 2020, khu đô thị này sẽ được quy hoạch xong và sẽ giới thiệu để các doanh nghiệp cùng tham gia. Liên quan đến chi ngân sách, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi mở, với chương trình CĐS, TP.HCM nên xem xét việc tăng ngân sách chi cho CNTT. Hiện nay, TP đang chi cho CNTT với tỷ lệ 0,4% ngân sách trong khi tỷ lệ này trung bình trên thế giới là 1%. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, TP nên có sơ kết về hiệu quả của việc chi này, vì sao chưa chi nhiều hơn và còn vướng những gì? TP.HCM cần định hướng, với những sản phẩm chủ lực, lĩnh vực trọng tâm thì chi ngân sách phải tương ứng. “TP.HCM đi lên phải bằng năng suất và suy cho cùng sức mạnh là chính con người. Thực hiện chuyển đổi số thì mức độ cạnh tranh ở TP.HCM phải tốt hơn; doanh nghiệp được thuận lợi hơn; người dân phải hạnh phúc hơn, giám sát chính quyền tốt hơn và chính quyền quản lý hiệu quả hơn”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. |