Bắc Kinh cho biết Mỹ hôm 21/7 yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở Houston trong 72 giờ, đánh dấu động thái chưa có tiền lệ sau 41 năm Mỹ - Trung thiết lập quan hệ. Mỹ giải thích họ làm vậy để "bảo vệ sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân của người Mỹ" trong khi Trung Quốc gọi đây là "sự leo thang chưa từng có" và dọa đáp trả.
Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston ngày 22/7. Ảnh: Reuters.
Nhà phân tích quân sự tại Hong Kong Song Zhongping cho rằng lệnh đóng cửa lãnh sự quán ở Houston có thể liên quan đến việc các nhà ngoại giao Mỹ chậm trễ được phép quay lại đại sứ quán và lãnh sự quán của họ ở Trung Quốc, do các hạn chế đi lại và quy tắc kiểm dịch Bắc Kinh đưa ra để ngăn chặn nCoV lây lan.
Theo Bloomberg, một bức điện từ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 27/6 nói rằng các nhà ngoại giao và gia đình của họ không được phép quay lại các quốc gia khiến họ phải xét nghiệm hoặc cách ly không tự nguyện. "Có thể đây là một đòn trả đũa của người Mỹ đối với vấn đề xét nghiệm", Song nói.
Tuy nhiên, một nguồn tin ngoại giao tại Bắc Kinh cho biết hai nước đã đạt được thỏa thuận về các nhà ngoại giao Mỹ đang chờ để quay lại Trung Quốc. Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 22/7 xác nhận có thỏa thuận như vậy.
Thay vào đó, vụ này có thể liên quan đến hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, cáo buộc mà Mỹ nhiều lần đưa ra với Trung Quốc. "Thật là đáng tiếc và không thể tin được khi Mỹ cáo buộc lãnh sự quán có liên quan đến hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ hoặc thậm chí là làm 'căn cứ' cho những hành động phi pháp như vậy", nguồn tin ngoại giao Trung Quốc nói.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio, quyền chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, cáo buộc lãnh sự quán ở Houston "về cơ bản là một bình phong".
"Nó là nút thắt trung tâm của hoạt động gián điệp lớn - gián điệp thương mại, gián điệp quốc phòng". ông nói. "Họ sử dụng các doanh nhân làm bình phong để cố gắng gây ảnh hưởng đến các nghị sĩ và các lãnh đạo chính trị khác ở cấp bang và địa phương. Vì vậy, nó lẽ ra phải bị đóng từ lâu".
Trong khi đó, Huang Jing, chuyên gia về Mỹ tại Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, đưa ra một cách giải thích khác. "Kể từ khi Mỹ - Trung thiết lập quan hệ, Mỹ luôn nhấn mạnh cần thành lập các cơ sở ngoại giao ở Trung Quốc dựa trên nguyên tắc có đi có lại. Nhưng trong những năm qua, Bắc Kinh đã từ chối yêu cầu của Mỹ về việc mở một lãnh sự quán ở miền Tây Trung Quốc.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà lập pháp và chính trị gia Mỹ đã thúc giục Bộ Ngoại giao thành lập một lãnh sự quán ở Lhasa, thủ phủ Tây Tạng, và biến nó thành điều kiện tiên quyết để thỏa mãn yêu cầu của Trung Quốc là mở cơ quan ngoại giao mới ở Atlanta và Boston.
"Trung Quốc coi nguyên tắc có đi có lại là hai bên đều có cùng số lượng đại diện ngoại giao ở nước đối phương, nhưng đối với Mỹ, điều đó có nghĩa là tương đương về cả số lượng và địa điểm", ông nói.
Huang đánh giá nhiều khả năng cả hai bên đã liên lạc và đối thoại về việc đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc từ trước. "Đây là lần đầu tiên sau hơn 40 năm một lãnh sự quán buộc phải đóng cửa. Khó có thể tưởng tượng hai bên không có bất kỳ liên lạc nào về vấn đề này từ trước, vì động thái này có thể bị coi như hạ cấp quan hệ", ông nói.
Thực tế, việc đóng cửa lãnh sự quán không có nhiều tác động về mặt ngắn hạn. Lãnh sự quán chủ yếu xử lý thị thực cho người muốn đến Trung Quốc. Lãnh sự quán ở Houston xử lý đơn của người sống tại các bang miền Nam, từ Texas đến Florida nhưng đi lại giữa hai nước đã bị hạn chế vì Covid-19.
Lãnh sự quán ở Houston có khoảng 60 nhân viên. Có 6 cơ quan ngoại giao của Trung Quốc khác tại Mỹ: đại sứ quán ở Washington D.C., một văn phòng tại Liên Hợp Quốc và lãnh sự quán ở New York, Los Angeles, San Francisco và Chicago.
Các quan chức Mỹ có thể đã tính toán kỹ khi chọn lãnh sự quán ở Houston vì đây là thành phố kết nghĩa với Vũ Hán. Bắc Kinh có thể đáp trả bằng cách đóng cửa lãnh sự quán tại Vũ Hán nhưng động thái sẽ chỉ mang tính biểu tượng vì Bộ Ngoại giao Mỹ đã sơ tán lãnh sự quán ở đây khi Covid-19 bùng phát ở thành phố.
Tuy nhiên, quyết định này cho thấy rạn nứt mới nhất khi Bắc Kinh và Washington đang bất hòa trên nhiều lĩnh vực, từ nguồn gốc của nCoV đến vấn đề của Hong Kong và Tân Cương. Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã trục xuất hàng chục nhà báo làm việc cho truyền thông Mỹ, trong khi Washington áp đặt hạn chế thị thực đối với công dân Trung Quốc làm việc với tư cách nhà báo ở Mỹ.
Zhu Feng, chuyên gia về Mỹ tại Đại học Nam Kinh, nói rằng trong khi lệnh đóng cửa lãnh sự quán là chưa từng có trong quan hệ Mỹ - Trung, mối quan hệ giữa hai nước khó có thể "sụp đổ toàn diện". "Đây là một phần của những gì tôi gọi là màn trả đũa của Trump với Trung Quốc vì Covid-19", ông nói.
Daniel Russel, cựu trợ lý bộ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách Đông Á, nói rằng động thái của Mỹ sẽ khiến Bắc Kinh trả đũa và tiếp tục giảm các kênh ngoại giao giữa hai bên. "Với việc Tổng thống Trump nhấn mạnh thế đối đầu với Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử, có vẻ hợp lý khi cho rằng động thái này liên quan nhiều đến chính trị hơn là sở hữu trí tuệ", ông nói.
Shi Yinhong, chuyên gia tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói rằng từ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với Trung Quốc vì các vấn đề như Hong Kong và Tân Cương và việc đóng cửa lãnh sự quán, "chúng ta có thể đặt câu hỏi tình hình sẽ còn tệ hơn thế nào cho đến tháng 11 hoặc khi nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo bắt đầu".
"Động thái này mang tính chính trị và pháp lý", ông nói. "Đó là sự kiện rất nghiêm trọng và là biểu tượng cho thấy sau đại dịch và sau khi Bắc Kinh ban hành luật an ninh Hong Kong, quan hệ Mỹ - Trung đang rơi tự do".