Tháng 1 đầu năm nay, Tổng thống Trump tuyên bố quan hệ của Mỹ với Trung Quốc “đang tốt nhất trong một thời gian dài”, và khen ngợi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, sau thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước.
Tua nhanh đến tháng 7, Tổng thống Trump gần như đã ngừng thảo luận về thương mại. Ông đã trừng phạt Trung Quốc về chính sách đối với Hong Kong, cân nhắc hủy visa đối với một số sinh viên Trung Quốc ở Mỹ, giới hạn phóng viên Trung Quốc, chỉ trích Bắc Kinh về cách chống dịch Covid-19, và gần đây nhất là yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston.
Hai nhà lãnh đạo Trump và Tập chưa nói chuyện từ tháng 3.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Sự thay đổi trên phần nào là do những diễn biến gần đây, chẳng hạn như luật an ninh mà Trung Quốc ban hành cho Hong Kong. Ông Trump cũng muốn tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc, giữa lúc ông đang bị đối thủ Joe Biden bỏ lại phía sau trong các thăm dò trước bầu cử 2020.
Chính quyền ông Trump ngày càng công kích Bắc Kinh về hàng loạt vấn đề đã tồn tại từ lâu nhưng thường được các chính quyền trước “lờ đi”. Điển hình, trong hai tuần qua, chính quyền Mỹ đã đả kích Trung Quốc qua nhiều kênh như họp báo, tuyên bố mới về pháp lý, các bài bình luận trên báo, các diễn văn, các chuyến công du.
“Người dân luôn nhìn Trung Quốc là đối thủ về kinh tế lấy đi việc làm của chúng ta, nhưng giờ đây họ nhìn Trung Quốc là đe dọa an ninh”, ông John McLaughlin, chuyên gia về thăm dò dư luận, nói với Politico.
Từ đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Trump đã lên án Trung Quốc về từng vấn đề cụ thể, chẳng hạn chính sách thương mại, hay các cáo buộc Trung Quốc ép doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ. Nhưng khi ấy, ông Trump vẫn vừa chỉ trích Trung Quốc, vừa khen ngợi cá nhân Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, những tuần gần đây, giọng điệu của ông Trump đã thay đổi. Các đòn trừng phạt mà Mỹ đưa ra đã tăng tốc và ngày càng đa dạng hơn.
Ông Trump hiện nay chỉ trích Trung Quốc ở mọi nơi, thường xuyên cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về đại dịch Covid-19. Ông thường xuyên nhắc đến Hong Kong, gần đây ra lệnh trừng phạt mới về vấn đề Hong Kong, và bỏ đi những ưu đãi thương mại mà Mỹ dành cho Hong Kong.
Đồng thời, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố các yêu sách hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông là “hoàn toàn phi pháp”, một bước tiến xa về lập trường của Mỹ, bốn năm sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã ra phán quyết tương tự năm 2016.
Ông Pompeo cũng tuyên bố lệnh giới hạn visa đối với các nhân viên công ty công nghệ Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Không lâu sau, vào ngày 21/7, Mỹ yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Houston, bang Texas trong vòng 72 giờ.
Trên truyền thông, nhiều quan chức chính quyền đã viết các bài bình luận nêu ra các cáo buộc vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, và cảnh báo rủi ro của chuỗi cung ứng từ nền kinh tế số hai thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hội đàm cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại G20 tổ chức ở Nhật Bản năm 2019. Ảnh: New York Times. |
Trên các diễn đàn quốc tế, chính quyền cũng tăng cường thúc đẩy thông điệp của mình. Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien đến châu Âu hồi đầu tháng 7 và nêu ưu tiên của phía Mỹ là chống lại việc cho Huawei xây dựng mạng thế hệ mới 5G. Trước đó, chính quyền Trump đã gây áp lực để Anh cấm Huawei khỏi mạng 5G.
Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, trong một cuộc họp Zoom với Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế (IISI), cho biết Lầu Năm Góc cũng đang “điều chỉnh” trọng tâm sang Trung Quốc.
Trong nước Mỹ, Bộ trưởng Tư pháp William Barr cũng có những thông điệp cứng rắn với Trung Quốc dành cho các công ty công nghệ Mỹ. Tuần trước, ông có bài phát biểu gay gắt, cáo buộc các công ty như Google, Microsoft, Yahoo và Apple đã quá thân với các lãnh đạo Trung Quốc và cảnh báo trừng phạt đối với các giám đốc công nghệ nếu thúc đẩy lợi ích của Bắc Kinh.
Ngày 21/7, Bộ Tư pháp dưới quyền ông Barr buộc tội hai người đàn ông Trung Quốc tấn công mạng hàng chục công ty Mỹ, bao gồm một số công ty đang nghiên cứu về virus corona.
Chiến dịch lên án đồng loạt Trung Quốc diễn ra giữa lúc ông Trump đang bị bỏ lại trong các thăm dò. Chỉ 38% người được hỏi trong thăm dò ABC News/Washington Post gần đây ủng hộ ông Trump về cách chống dịch Covid-19. Hơn nữa, 5 thăm dò uy tín toàn quốc gần đây cho thấy ông Biden dẫn ông Trump hơn 10%.
Chống lại Trung Quốc cũng giúp ông Trump nhận được sự ủng hộ. Chẳng hạn, các lãnh đạo Thiên chúa giáo - các nhóm quan trọng đối với ông Trump trong kỳ bầu cử 2016 - đã kêu gọi ông trừng phạt Bắc Kinh từ nhiều tháng nay. Chính quyền Trump đã hứa hẹn sẽ có thêm nhiều hành động.
Nhiều quan chức cao cấp đang có ý định cấm mạng xã hội TikTok hay ứng dụng nhắn tin WeChat. Chính quyền gần đây cũng đang cân nhắc lệnh cấm toàn bộ đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo báo New York Times.
Sự giận dữ của ông Trump với Trung Quốc thể hiện khá rõ trong những lần xuất hiện công khai gần đây. Trong một cuộc họp tại Phòng Bầu dục vừa qua về hồi phục sau đại dịch, Tổng thống Trump ngắt lời và đột ngột chỉ trích Trung Quốc dù không ai nhắc đến.
“Virus lẽ ra không được để lây lan. Họ lẽ ra có thể chặn được một cách dễ dàng. Họ đã không làm thế. Chúng tôi sẽ có thêm nhiều báo cáo. Nhưng nó đến từ Trung Quốc, không tốt”, ông Trump nói.
Các đồng minh của Tổng thống cảnh báo rằng chính sách Trung Quốc của chính quyền mới chỉ đang hình thành. Tốc độ của các hành động tiếp theo sẽ gây bất ổn cho quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà những cái được về chiến lược cho nước Mỹ vẫn chưa rõ ràng, theo Politico.
Theo Zing