Châu Á bùng phát Covid-19, Australia trải qua ngày chết chóc nhất

Thứ năm, 30/07/2020, 17:25
Một đợt lây nhiễm mới của virus corona bất ngờ bùng phát trở lại ở châu Á cho thấy khu vực không được chủ quan sau giai đoạn cam go nhất trong cuộc chiến.

Australia và Ấn Độ ngày 30/7 ghi nhận số ca nhiễm tính theo ngày đạt kỷ lục mới. Trung Quốc đại lục công bố số ca bệnh mới là 105 và là mức tăng số ca bệnh Covid-19 tính theo ngày cao nhất ở đại lục kể từ tháng 4.

Nhiều nước châu Á từng là hình mẫu về khả năng khống chế dịch trong giai đoạn đầu, sau khi Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào tháng 12/2019. Theo Reuters, đợt tái bùng phát lây nhiễm tháng 7 ở châu Á là lời cảnh tỉnh về sự nguy hiểm mà tâm lý chủ quan mang lại trong cuộc chiến với đại dịch.

Covid-19 bung phat lai o chau A anh 1

Nhân viên y tế tại thành phố Mumbai, Ấn Độ, kiểm tra sức khỏe phòng ngừa Covid-19 tại một cơ sở dành cho trẻ em. Ảnh: Reuters.

Làn sóng lây nhiễm mới

"Chúng ta cần cẩn thận không rơi vào suy nghĩ rằng tại Australia có một dạng miễn dịch vàng trước loại virus này", Thủ tướng Scott Morrison vừa qua trả lời báo chí.

Australia vừa ghi nhận ngày "chết chóc nhất" vì Covid-19 với 13 ca tử vong và hơn 700 ca nhiễm mới. Phần lớn bệnh nhân được ghi nhận ở Victoria, bang đông dân thứ hai cả nước. Chính quyền địa phương đã ra lệnh toàn dân phải đeo khẩu trang khi ra đường.

Đến nay Australia đã phát hiện 16.298 ca nhiễm virus corona kể từ khi đại dịch bùng phát, với 189 ca tử vong. Hơn một nửa số bệnh nhân được ghi nhận tại Victoria và thủ phủ Melbourne. Thành phố đã kích hoạt chế độ cách ly.

Làn sóng lây nhiễm mới từ Victoria lan sang một số khu vực khác, bao gồm cả bang đông dân nhất cả nước - New South Wales. "Bang nhà" của thành phố Sydney đã ghi nhận 18 ca nhiễm mới.

Giới chức chính phủ đang cân nhắc thêm nhiều biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lan rộng. Tuy nhiên, siết chặt kiểm soát dịch tễ và đi lại có nguy cơ giáng thêm một đòn nặng ký lên nền kinh tế quốc gia.

Đại dịch đã khiến Australia bước vào cuộc suy thoái đầu tiên trong vong 30 năm qua. Dẫu vậy, theo Thủ tướng Morrison, thất bại trong kiểm soát bùng phát dịch có thể dẫn đến những hậu họa kinh tế còn nghiêm trọng hơn về dài hạn.

Ấn Độ cũng phát hiện hơn 52.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua. Đây là số ca nhiễm tính theo ngày cao nhất tại Ấn Độ kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Tổng số ca bệnh Covid-19 trên toàn quốc đã lên đến 1,6 triệu người.

Quốc gia Nam Á đang là nước có số ca nhiễm virus corona cao thứ ba toàn thế giới. Mặc dù một số thành phố lớn như New Delhi và Mumbai bắt đầu ghi nhận xu hướng ca nhiễm giảm, dịch bệnh đang bùng phát nghiêm trọng ở các khu vực nông thôn.

Covid-19 bung phat lai o chau A anh 2

Australia đang siết chặt các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm virus corona sau khi dịch bùng phát trở lại. Ảnh: Reuters.

"Không được mất cảnh giác"

Trung Quốc đại lục ngày 30/7 ghi nhận 105 ca bệnh Covid-19 mới. Trước đó hai ngày, số ca nhiễm mới trong ngày chỉ là 68.

Giới chức nước này ngày một lo ngại về nguy cơ làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát, với hai ổ dịch tại thủ phủ Urumqi của khu tự trị Tân Cương phía Tây Bắc và thành phố Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh phía Đông Bắc. Tính đến ngày 29/7, Trung Quốc có 84.165 ca bệnh được xác nhận và 4.634 ca tử vong.

Hong Kongđang ghi nhận làn sóng bùng phát Covid-19 thứ ba. Ngày 30/7, đặc khu này thông báo phát hiện thêm 150 ca nhiễm mới, trong đó 145 ca là lây nhiễm nội địa. Có đến 61 ca bệnh không xác định được nguồn gốc lây nhiễm.

Đây là ngày thứ chín liên tiếp số ca nhiễm mới tính theo ngày tại Hong Kong cao hơn mốc 100.

Kể từ ngày 31/7, nhà hàng và quán ăn tại thành phố phải siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Một bàn ăn không được quá hai người ngồi. Mỗi cơ sở không được vượt 50% năng lực tiếp nhận thực khách.

Người phát ngôn cơ quan y tế đặc khu kêu gọi các công ty cho nhân viên làm việc tại nhà càng nhiều càng tốt. Biện pháp này sẽ giảm khả năng nhân viên tụ tập cùng ăn trưa kéo theo nguy cơ lây nhiễm. Đến nay, tổng số ca bệnh Covid-19 tại Hong Kong đã lên đến 3.151.

Trong khi đó, Triều Tiêncũng bắt đầu báo động về nguy cơ bùng phát Covid-19 với một trường hợp người đào tẩu bỏ trốn về nước từ Hàn Quốc. Từ đầu đại dịch đến nay, Triều Tiên luôn khẳng định không xảy ra lây nhiễm nội địa.

Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, ngày 30/7 cảnh báo người dân nước này không được lơ là trước nguy cơ dịch bệnh: "Một giây phút mất cảnh giác có thể dẫn đến khủng khoảng chết người".

Khu công nghiệp Kaesong lập tức bị cách ly và tiến hành kiểm tra y tế. Người đàn ông đào tẩu được mô tả có những triệu chứng mắc Covid-19. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chưa tuyên bố người này dương tính với virus corona hay không.

Theo Zing

Các tin cũ hơn