Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Quốc gia, sáng nay 31-7, vùng áp thấp trên khu vực Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 7 giờ sáng nay, trung tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,8 độ vĩ Bắc - 113,5 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 160km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm vùng áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10km-15km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Sáng mai 1-8, tâm bão ở khoảng 17,8 độ vĩ Bắc - 110,5 độ kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 100km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 do áp thấp nhiệt đới) được xác định là: từ kinh tuyến 109 trở ra và từ vĩ tuyến 15 trở lên phía Bắc.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên ở Biển Đông có mưa dông mạnh, ở khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao 3-5m; biển động mạnh.
Ở khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm huyện đảo Phú Quý) có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh; sóng biển cao 2-4m.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có nguy cơ chịu tác động cao của gió giật và lốc xoáy.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km.
Sáng 2-8, tâm bão ở khoảng 19,2 độ vĩ Bắc - 107,6 độ kinh Đông, trên khu vực vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, hướng tới các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Theo SGGP