'Bệnh viện Đà Nẵng là ổ dịch siêu lây nhiễm'

Thứ bảy, 01/08/2020, 19:16
Theo quyền Bộ trưởng Y tế, Bệnh viện Đà Nẵng là ổ dịch siêu lây nhiễm. Do đó, các đơn vị cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân có bệnh lý nền ra khỏi đây.

Ngày 1/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế đã làm việc trực tuyến với Bộ Chỉ huy tiền phương Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn (hiện có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng) phụ trách.

Tại buổi làm việc, GS.TS Nguyễn Thanh Long đề nghị các đơn vị liên quan phải nhanh chóng giải phóng, giảm mật độ cho Bệnh viện Đà Nẵng, đưa nhân viên y tế cách ly tại khách sạn.

GS Long nhận định: "Bệnh viện Đà Nẵng là ổ dịch siêu lây nhiễm, do đó, các bệnh nhân có bệnh lý nền cần thuyên chuyển bớt". Cùng đó, nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại các khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Hô hấp, Tim mạch phải nhanh chóng được giải phóng.

GS Long cũng đề nghị mở toàn bộ cửa sổ, không bật điều hòa, ngăn không để các bệnh viện trở thành ổ dịch siêu lây nhiễm.

“Phải coi Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng và Bệnh viện C Đà Nẵng là cơ sở y tế sạch để tiếp nhận bệnh nhân. Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng phải là nơi an toàn điều trị cho các bệnh nhân ung thư. Bởi bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 chưa chắc qua khỏi”, GS Long khẳng định.

Cũng trong chỉ đạo của quyền Bộ trưởng Y tế, các bệnh nhân chạy thận nhân tạo cần được tách riêng, phân loại người mắc Covid-19 và thực hiện phòng lây nhiễm triệt để.

Benh vien Da Nang anh 1

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế, Bệnh viện Đà Nẵng là ổ dịch siêu lây nhiễm nên cần nhanh chóng chuyển các bệnh nhân có bệnh lý nền ra khỏi đây. Ảnh: VGP.

PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội), đội trưởng Đội Điều tra Giám sát dịch, đã đề xuất cách ly tập trung đối với các trường hợp F1.

Ông Dương cũng đưa phương án thành lập các Tổ giám sát Covid-19 cộng đồng, giữ nhiệm vụ nhắc nhở, tuyên truyền tới từng gia đình thực hiện tốt Chỉ thị 06, đồng thời quan sát, chủ động phát hiện người dân có triệu chứng bất thường.

Đồng ý với đề xuất trên, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết hiện có đến 40% ca bệnh Covid-19 không có triệu chứng nên ngành y tế tuyệt đối không bỏ sót bất kỳ trường hợp nghi ngờ nào.

Đối với việc xét nghiệm tại cộng đồng, GS Long đề nghị TP.Đà Nẵng tổ chức các chốt lấy mẫu ở những nơi có nguy cơ trước, như khu vực bán đảo Sơn Trà, Hải Châu, địa điểm đông khách du lịch và nhân viên y tế.

Hiện năng lực xét nghiệm tại Đà Nẵng đã đáp ứng thực hiện 10.000 mẫu/ngày. Theo thống kê, khoảng 11.000 người dân đến Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian qua.

Về thẩm định phòng xét nghiệm, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh “cần huy động tổng lực” và giao Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội) và Viện Pasteur TP.HCM chịu trách nhiệm thẩm định.

Liên quan công tác điều trị cho người mắc Covid-19 tại các bệnh viện, thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, cho biết bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã thiết lập một đơn vị ICU; Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, Đà Nẵng đặt 20 máy chạy thận nhân tạo.

"Việc giãn cách bệnh nhân Covid-19, bệnh nhân nặng, bệnh nhân thường đang được tiếp tục thực hiện”, ông nói.

Theo ông Khoa, 38 y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã tới chi viện cho 5 đơn vị: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm y tế huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Bắc Quảng Nam và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Bệnh viện Trung ương Huế hỗ trợ điều trị 18 bệnh nhân, đa số là ca nặng.

Cũng trong buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết Tiểu ban Điều trị sẽ tập trung các ca dương tính vào bệnh viện chuyên biệt, những nơi này có thể tiếp nhận 2.000 bệnh nhân.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích