Áp lực chính trị trong cuộc chiến tìm vaccine Covid-19 của Mỹ

Thứ ba, 04/08/2020, 09:04
Hồi tháng 4, giữa lúc các bệnh viện quá tải vì Covid-19, Bộ Y tế Mỹ đề xuất Chiến dịch Thần tốc để tìm ra vaccine trước tháng 10.

Do một loại vaccine mới thường mất nhiều năm để phát triển, mục tiêu cho phép công chúng tiếp cận rộng rãi vaccine Covid-19 vào tháng 10 của Chiến dịch Thần tốc (Warp Speed) được đánh giá vô cùng tham vọng.

Tuy nhiên, với khoảng 1.000 người chết mỗi ngày, hàng chục triệu người thất nghiệp, nền kinh tế lao dốc và trường học khó có thể tái mở cửa, chính phủ Mỹ vẫn quyết tâm đổ hàng tỷ USD vào các công ty dược phẩm và công nghệ sinh học, hỗ trợ hậu cần và cắt giảm thủ tục cho họ nhằm giành chiến thắng trong cuộc đua vaccine này.

Thời hạn mà Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đề xuất còn gây chú ý, bởi nó diễn ra ngay trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11. Dù giới chức Nhà Trắng không đề cập tới cuộc bầu cử trong các buổi thảo luận của tổ giám sát nỗ lực phát triển vaccine, nguồn tin giấu tên cho biết họ thường xuyên hỏi về thời hạn tháng 10. Trong nội bộ đội ngũ cố vấn chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump, việc tìm ra vaccine Covid-19 trước bầu cử cũng được coi là mục tiêu hàng đầu.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere khẳng định việc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và phân phối vaccine Covid-19 nhằm phục vụ ưu tiên cao nhất của Trump là sức khỏe và sự an toàn của người Mỹ, "không liên quan đến chính trị".

Tuy nhiên, dưới áp lực không ngừng từ Nhà Trắng, giới nghiên cứu vẫn lo ngại về động cơ chính trị, đồng thời cố gắng đảm bảo chính phủ duy trì cân bằng giữa tốc độ và tiêu chuẩn vaccine nghiêm ngặt, sao cho đủ an toàn và hiệu quả.

Một nhà khoa học nghiên cứu vaccine phòng nCoV tại phòng thí nghiệm ở San Diego, California, Mỹ, hôm 17/3. Ảnh: Reuters.

Một nhà khoa học nghiên cứu vaccine Covid-19 tại phòng thí nghiệm ở San Diego, California, Mỹ, hôm 17/3. Ảnh: Reuters.

"Cha đẻ" của Chiến dịch Thần tốc là bác sĩ Peter Marks, lãnh đạo đơn vị quản lý tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), cơ quan chịu trách nhiệm phê chuẩn các loại vaccine và phương pháp điều trị. Sáng kiến được nêu ra trong cuộc điện đàm hôm 10/4 giữa ông và Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar, người nhanh chóng tán thành nó.

Theo một nguồn tin am hiểu vấn đề, nhiều quan chức y tế cho rằng thời hạn phát triển thành công vaccine trước tháng 10 là không thực tế. Vài tháng sau đó, họ cũng công khai bày tỏ ý kiến rằng mục tiêu nên là cuối năm nay hoặc đầu năm 2021. Tuy nhiên, do ghế Bộ trưởng Y tế đang bị lung lay nghiêm trọng từ cơn thịnh nộ của Tổng thống Trump với Covid-19, Azar được cho là khao khát chứng minh bản thân với Nhà Trắng.

Ông đã bắt tay với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, người đứng đầu cơ quan từ lâu có kinh nghiệm phát triển và phân phối vaccine để bảo vệ quân đội. Tướng Gustave Perna, một chuyên gia về hậu cần, trở thành giám đốc điều hành của Chiến dịch Thần tốc.

Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner, con rể Trump, và tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên nhóm chuyên trách Covid-19 của Nhà Trắng, đã đồng ý giao chức cố vấn khoa học trưởng của chiến dịch cho Moncef Slaoui, chuyên gia kỳ cựu trong ngành công nghiệp dược phẩm, bất chấp lo ngại của FDA về quan hệ tài chính của ông với hai công ty đang phát triển vaccine. Thay vì bận tâm tới vấn đề xung đột lợi ích, Kushner và những người khác lập luận rằng họ cần ai đó giàu kinh nghiệm để giám sát chiến dịch.

Ngay sau khi Slaoui được chỉ định, bác sĩ Marks rời khỏi dự án mà ông gây dựng và trở lại làm việc toàn thời gian tại vị trí quản lý cấp cao của FDA, nơi ông sẽ đóng vai trò là người ra quyết định chủ chốt về việc liệu vaccine có được phê duyệt hay không.

Chính phủ Mỹ tiến hành "cuộc săn lùng" vaccine với tốc độ khẩn trương. Các xe rơ moóc được triển khai nhanh chóng để vận chuyển những liều vaccine thử nghiệm. Khi một công ty thiếu kim tiêm, Lầu Năm Góc đã điều máy bay cung cấp vật tư trong 48 giờ.

Các công ty dược phẩm báo cáo kết quả thử nghiệm của họ theo định kỳ, nhằm đẩy nhanh quá trình đánh giá vaccine. Với việc chính phủ chi trả hầu hết chi phí, các công ty đang bắt đầu sản xuất sẵn hàng triệu liều vaccine để chúng có thể được phân phối nhanh chóng nếu được thông qua.

Hai "ứng viên" hàng đầu hiện nay là loại vaccine do tập đoàn công nghệ sinh học Moderna kết hợp với Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) phát triển, và loại vaccine vừa bắt đầu thử nghiệm giai đoạn ba, giai đoạn cuối trong thử nghiệm lâm sàng, của tập đoàn dược phẩm Pfizer. Đội ngũ quản lý Chiến dịch Thần tốc đang cố gắng đảm bảo nhiều loại vaccine tiềm năng được theo đuổi, nhằm tăng xác suất thành công.

Các nhà khoa học cảnh báo về hiểm họa nếu "đốt cháy giai đoạn" đối với loại vaccine dự kiến tiêm cho khoảng 300 triệu người Mỹ, nói thêm rằng một nỗ lực thất bại sẽ gây mất lòng tin của công chúng với vaccine nói chung. Tuy nhiên, một quan chức Nhà Trắng cấp cao giấu tên cho rằng cũng không thể trì hoãn triển khai một loại vaccine hiệu quả thêm ba hoặc 4 tháng nữa, khi ngày càng nhiều người chết vì Covid-19.

Bất chấp những nỗ lực của chính quyền Trump và các công ty dược phẩm, mục tiêu tháng 10 ban đầu được cho là đã nằm ngoài tầm với, khiến giới chức phải chuyển thời hạn sang cuối năm hoặc đầu năm 2021. Trong khi đó, Michael Caputo, phát ngôn viên của Bộ trưởng Azar, lại phủ nhận thông tin về thời hạn tháng 10.

"Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ hy vọng Chiến dịch Thần Tốc sẽ đạt 300 triệu liều vaccine Covid-19 an toàn và hiệu quả cho người Mỹ vào tháng 1/2021. Chúng tôi biết điều đó là lạc quan. Tôi chưa bao giờ nghe về bất cứ thời hạn nào khác và chắc chắn không phải từ Bộ trưởng", Caputo nói.

Phát ngôn viên cũng bác bỏ hoài nghi rằng vaccine sẽ được phê chuẩn trước khi sẵn sàng. "Những bình luận thiếu suy nghĩ về việc ban quản lý FDA bằng cách nào đó sẽ thông qua một loại vaccine thiếu an toàn và hiệu quả vì mục đích chính trị chỉ gây mất lòng tin vào hệ thống y tế công cộng", ông nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong và ngoài chính phủ vẫn bày tỏ lo ngại rằng Nhà Trắng sẽ hối thúc FDA xem xét những dữ liệu không đầy đủ, sau đó thông qua ít nhất một loại vaccine khẩn cấp được phân phối hạn chế, có thể chỉ dành cho các nhóm đặc biệt như nhân viên y tế tuyến đầu, trước ngày 3/11.

Tiến sĩ Birx (trái) và Bộ trưởng Azar tại Nhà Trắng hôm 6/5. Ảnh: NY Times.

Tiến sĩ Birx (trái) và Bộ trưởng Azar tại Nhà Trắng hôm 6/5. Ảnh: NY Times.

"Rất nhiều người trong cuộc vô cùng lo lắng rằng chính phủ sẽ nhúng tay vào Chiến dịch Thần tốc, lấy ra một, hai hoặc ba loại vaccine rồi nói rằng họ đã thử nghiệm trên vài nghìn người và nó đủ an toàn để triển khai ngay bây giờ. Họ thực sự lo lắng về điều đó", Paul Offit, thành viên ủy ban cố vấn vaccine cho FDA, cho biết.

Hiện chưa rõ việc phê chuẩn vaccine Covid-19 ngay trước thềm bầu cử có ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu hay không. Tuyên bố về đột phá trong phát triển vaccine có thể thắp lên hy vọng cho người Mỹ, nhưng một số chiến lược gia đảng Cộng hòa nhận định điều này có thể không giúp được Trump, bởi ứng viên Tổng thống phe Dân chủ Joe Biden, đối thủ của ông, cũng chắc chắn sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển vaccine nếu đắc cử.

"Tôi không biết liệu vaccine có thể giúp Trump xoay chuyển cục diện chính trị hay không", Sarah Longwell, chiến lược gia bảo thủ của đảng Cộng hòa, cho biết. Bà nhận thấy công chúng hiện tập trung hơn vào nỗ lực kiềm chế nCoV của chính phủ và việc tái mở cửa trường học. "Nếu vaccine là một bất ngờ vào tháng 10, vẫn còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến cuộc chơi", Longwell nêu ý kiến.

Các công ty dược phẩm được cho là đang bị mắc kẹt ở giữa. Họ khao khát đưa sản phẩm ra thị trường nhanh nhất có thể, nhưng cũng đối mặt với những rủi ro vì quá vội vàng theo kịp lịch bầu cử, giới phân tích đánh giá.

"Họ nhận thức sâu sắc về động cơ chính trị. Một vaccine thất bại sẽ gây tổn hại trên diện rộng đối với hoạt động kinh doanh của họ. Thật vô nghĩa khi đánh cược uy tín không chỉ với vaccine, mà toàn bộ sản phẩm của họ, chỉ để mang lại lợi thế chính trị cho Tổng thống", Rob Smith, giám đốc công ty nghiên cứu Capital Alpha Partners của Mỹ, nhận định.

Trong khi đó, cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci, giám đốc NIAID, vẫn bày tỏ tự tin rằng tình hình sẽ được kiểm soát. "Xuyên suốt lịch sử, FDA đã đưa ra các quyết định dựa trên khoa học. Lần này họ cũng sẽ làm thế, tôi chắc chắn", ông nói.

Theo VNE

Các tin cũ hơn