Hậu quả khôn lường từ việc bêu rếu lịch trình ca bệnh COVID-19

Thứ tư, 19/08/2020, 12:55
Việc kỳ thị, bêu rếu lịch trình bệnh nhân COVID-19 có thể khiến các ca bệnh về sau lo ngại, giấu diếm thông tin…, dẫn tới mất “cơ hội vàng” kiểm soát dịch.

Ngày 18-8, cơ quan y tế công bố lịch trình của bệnh nhân COVID-19 số 979 tại Hà Nội với chi tiết người này từng dự nhiều cuộc liên hoan trước khi được xác định dương tính với virus SAR-CoV-2.

Ngay lập tức, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, hàng loạt “biệt danh” được đặt cho bệnh nhân này như: “thánh liên hoan”, “gương mặt vàng trong làng liên hoan”...

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng này.

Nhiều lần trước đó, mỗi khi một bệnh nhân COVID-19 có lịch trình phức tạp trước khi nhiễm bệnh, số đông cộng đồng mạng sẽ coi đây là một chủ đề để bàn tán, chia sẻ, thậm chí mỉa mai.

Hậu quả khôn lường từ việc bêu rếu lịch trình ca bệnh COVID-19 - ảnh 1

Ngành y tế Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm cho những người trở về từ Đà Nẵng. Ảnh: HP

Cần hiểu rằng, việc khai báo lịch trình một cách chính xác của bệnh nhân nhiễm COVID-19 vô cùng quan trọng. Nó giúp cơ quan chức năng nhanh chóng xác định được những người từng tiếp xúc với bệnh nhân, từ đó có phương án khoanh vùng, cách ly, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm kịp thời.

Chính vì vậy, hành động kỳ thị lịch trình của bất cứ bệnh nhân COVID-19 nào sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường trong công tác phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua và khen thưởng, Bộ Y tế, bày tỏ quan điểm không ủng hộ những hành động trên. Ông cảm thấy “chạnh lòng”, bởi các bệnh nhân không hề có lỗi gì.

“Bệnh tật là điều chẳng ai mong muốn nó đến với mình và cũng không thể đoán trước được điều gì. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của bệnh dịch. Đặc biệt, COVID-19 không phân biệt tuổi tác, giới tính, tôn giáo, sắc tộc, địa vị xã hội...” – ông Đình Anh nhấn mạnh.

Theo ông, với bệnh lây truyền do vi khuẩn, virus, mắt thường không thể nhìn thấy, do vậy không thể biết ai là người đang mang mầm bệnh. Việc phán xét người này, người kia là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh là không có cơ sở.

Và điều rất quan trọng, nếu cộng đồng phê phán, lên án, kỳ thị, phân biệt đối xử thì những cá nhân bị bệnh sẽ giấu diếm bệnh tật, lịch trình di chuyển…, tạo ra các “tảng băng chìm”, gây khó khăn cho việc phát hiện sớm, cách ly sớm và xử lý triệt để các ổ dịch. Đôi khi làm mất đi “cơ hội vàng” để kiểm soát dịch bệnh.

“Thay vì lên án, phê phán họ, chúng ta hãy động viên họ vượt qua, bởi vì những người khi bị bệnh COVID-19 họ thường bị sang chấn tâm lý, cho nên cần thường xuyên động viên chia sẻ để họ an tâm điều trị, tuân thủ các khuyến cáo và các quy định của ngành y” – ông nói.

Vị Vụ trưởng cũng cho rằng cộng đồng cần giúp đỡ các bệnh nhân và gia đình họ vượt qua những khó khăn khi có người thân chẳng may mắc bệnh, thậm chí tử vong do COVID-19 gây ra. Thay vì “ném đá”, tất cả hãy chuẩn bị và chủ động bảo vệ cho mình, cho gia đình mình và cho cộng đồng.

Theo PLO

Các tin cũ hơn