Ông Đặng Phú Thành, Trưởng phòng Hạ tầng Kỹ thuật, Sở Xây dựng TP.HCM, người chủ trì, xây dựng đề án thu phí dịch vụ thoát nước từ nay đến năm 2024, trả lời VnExpress về những nội dung trong đề án.
Ông Đặng Phú Thành, Trưởng phòng Hạ tầng Kỹ thuật, Sở Xây dựng TP.HCM trả lời với VnExpress ngày 17/8. Ảnh: Hà An
- Vì sao Sở Xây dựng thực hiện đề án này?
- Việc thu phí thoát nước thực hiện theo Nghị định 80/2014 của Chính phủ, quy định trách nhiệm về lập, thẩm định, phê duyệt giá dịch vụ thoát nước. Trên cơ sở đó ngày 23/4/2014, Thành ủy TP.HCM giao cho Trung tâm điều hành chống ngập nước (nay thuộc Sở Xây dựng) phối hợp với Sở Tài chính thực hiện thu tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Từ đó đến nay, chúng tôi phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức nghiên cứu, xây dựng và đề xuất giá dịch vụ thoát nước theo Nghị định 80.
Dự thảo đã đưa ra ba phương án đề xuất thu phí thoát nước để tham vấn các sở ngành và Ngân hàng Thế giới. Trong đó phương án tăng trung bình mỗi năm 5% được đánh giá khả thi, đảm bảo không gây ra nhiều xáo trộn, tác động xã hội.
- Cơ sở nào để Sở Xây dựng đưa ra mức phí nước thải năm 2020 mỗi m3 là 1.430 đồng và năm 2024 mỗi m3 là 4.237 đồng?
- Sở Xây dựng thuê đơn vị tư vấn, lấy ý kiến sở ngành, cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra mức giá dịch vụ thoát nước. Chúng tôi đưa ra mức giá dựa theo quy chuẩn tính toán của Nghị định 80 và các quy định của Bộ Xây dựng. Với phương án được chọn, chúng tôi lấy giá nước sạch, cộng với mức thu phí môi trường đang thu bằng 10% giá cấp nước để đưa ra mức phí thoát nước năm 2020 là 15%.
Mức giá dựa trên chi phí sản xuất được tính đúng, tính đủ khi thực hiện nhiệm vụ xử lý cho một m3 nước thải tại khu vực được cung cấp dịch vụ. Chí phí xử lý gồm các chi phí vận hành, duy trì, bảo dưỡng hệ thống thoát nước; các chi phí khấu hao xe, máy móc, thiết bị, nhà xưởng, công trình được đầu tư để phục vụ công tác thoát nước và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành; các chi phí về thuế, phí khác theo quy định...
Sau năm 2024, chúng tôi sẽ căn cứ theo tình hình thực tế và các văn bản pháp luật để có điều chỉnh mức phí hợp lý nhất. Theo đề án, mỗi năm thành phố sẽ thu khoảng 830 tỷ đồng phí dịch vụ thoát nước.
- Giá nước sạch ở TP.HCM được điều chỉnh tăng 5-7% mỗi năm. Người dân lo lắng đề án này gây "phí chồng phí". Ông đánh giá thế nào về việc này?
- Chúng tôi có lộ trình đánh giá tổng thể trong nhiều năm, xem xét mức độ ảnh hưởng của người dân chứ không vội vàng làm trong một sớm một chiều. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, mức độ tác động và ảnh hưởng đến thu nhập, đặc biệt là các hộ nghèo khi thu phí dịch vụ thoát nước chỉ từ 0,051% năm 2020 và 0,197% năm 2024.
Hiện trong giá nước sạch đã có phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Mức phí bảo vệ môi trường sẽ không được thu nữa khi áp dụng đề án. Như vậy, đề án không làm phát sinh thêm phí mà để đảm bảo duy trì hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.
Trước đây chi phí duy tu, sửa chữa hệ thống thoát nước được lấy từ ngân sách. Bây giờ thành phố chủ trương việc thu phí phải tính đúng, tính đủ, người xả thải nhiều phải trả phí nhiều.
Cha con ông Nguyễn Phú Hộ (53 tuổi) móc bùn thải tại một cống thoát nước trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12, TP.HCM, ngày 14/8. Ảnh: Quỳnh Trần
- Thành phố sẽ sử dụng số tiền thu được ra sao để đem lại hiệu quả trong thoát nước và chống ngập thời gian tới?
- Số tiền thu từ phí thoát nước sẽ được phục vụ cho việc quản lý, vận hành hệ thống thoát nước hiện hữu, gồm nạo vét, sửa chữa duy tu, duy trì, bảo dưỡng hệ thống thoát nước hàng năm, thực hiện đúng quy định của Nghị định 80.
Còn các chương trình về chống ngập thuộc về lĩnh vực đầu tư, phát triển các dự án thoát nước phù hợp với biến đổi khí hậu, quy hoạch của thành phố... Đây là hai vấn đề tách bạch nhau. Việc chống ngập cần được giải quyết bằng nhiều phương án chứ không chỉ ở vấn đề duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước.
Hiện, mức giá dịch vụ thoát nước đã được Sở Xây dựng trình UBND TP.HCM và sẽ triển khai trong thời gian tới.
Theo đề án của Sở Xây dựng TP.HCM, phí dịch vụ thoát nước được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình có xả nước thải vào hệ thống thoát nước ở địa bàn thành phố. Việc thu phí sẽ dựa vào lượng nước tiêu thụ hàng tháng của hộ dân thông qua hóa đơn do Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV đảm nhiệm.
Số tiền thu được sau khi để lại 1% chi trả dịch vụ đi thu và đóng các loại thu, nghĩa vụ tài chính... Phần còn lại nộp vào ngân sách để đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước ở thành phố.
Nếu đề xuất này được chấp thuận, giá tiền nước và dịch vụ thoát nước bình quân mà người dân phải trả cho mỗi m3 trong năm 2020 là 11.029 đồng; năm 2021 là 12.198 đồng; năm 2022 là 13.469 đồng; năm 2023 là 14.848 đồng; năm 2024 là 16.344 đồng. Số tiền này chưa tính 10% thuế giá trị gia tăng.
Theo VNE