Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần. Hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đã lên lịch tổ chức hội nghị để trao đề cử đại diện đảng ra tranh cử. Đại diện đảng Cộng hòa sẽ là đương kim Tổng thống Donald Trump. Đại diện đảng Dân chủ gần như chắc chắn sẽ là ông Joe Biden - cựu Phó Tổng thống Mỹ.
Ông Biden đã chọn được người liên minh cấp phó với mình - nữ Thượng nghị sĩ Kamala Harris. Mọi thứ có vẻ thuận lợi với ông Biden khi ông đang dẫn trước ông Trump ở hầu hết các cuộc thăm dò.
Bóng ma năm 2016
Theo trang web Five Thirty Eight (Mỹ) chuyên phân tích các kết quả thăm dò, trung bình tính đến ngày 7-8, tỉ lệ ủng hộ ông Biden là 49,9%, so với 49,7% ngày 5-3. Trong khi đó tỉ lệ ủng hộ ông Trump ngày 7-8 là 42,1%, so với 45,6% hồi đầu tháng 3.
Ông Biden dẫn trước ông Trump 8% trong bộ phận cử tri cốt yếu (đã xác định sẽ bầu cho ai) - 51% của ông Biden so với 43% của ông Trump. Ông Biden cũng dẫn trước ông Trump 10% trong bộ phận cử tri độc lập - 46% so với 36% của ông Trump.
Bản đồ chiến trường tranh cử đài NPR công bố tuần này cho thấy ông Biden đang mở rộng đà thắng thế ở các bang quan trọng, còn ông Trump thì đang dần co cụm. Cũng theo bản đồ này thì đảng Dân chủ khả năng sẽ kiểm soát Hạ viện, còn đảng Cộng hòa có nguy cơ mất thế đa số ở Thượng viện.
Các kết quả thăm dò với ông Biden và ông Trump lúc này dường như lặp lại điều đã diễn ra với ông Trump và bà Hillary Clinton - ứng viên Tổng thống Dân chủ - bốn năm trước. Năm 2016, hầu hết các cuộc thăm dò đều cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Trump rất xa nhưng kết quả cuối cùng lại là ông Trump chiến thắng. Theo NPR, đảng Dân chủ đang rất lo lắng bóng ma năm 2016 sẽ lặp lại với trường hợp ông Biden.
Theo NPR, có thể hiểu sự lo lắng này của đảng Dân chủ vì bóng ma năm 2016 là điều rất thật. Hơn nữa, một cuộc bầu cử có sự tham gia của đương kim Tổng thống tìm kiếm nhiệm kỳ hai thì khả năng chiến thắng luôn lớn hơn cho người này.
Kịch bản bầu cử Tổng thống Mỹ giữa ông Trump (giữa) và ông Biden (phải) khó lặp lại như với bà Clinton (trái). Ảnh: USA TODAY
Tình huống năm 2016 khó lặp lại
Tuy nhiên, cũng theo NRP, có rất nhiều lý do cho thấy cuộc bầu cử năm nay sẽ không giống năm 2016.
Thứ nhất, có vẻ “mức trần” ủng hộ của ông Trump bị giới hạn ở mức 46%. Điều đáng lo nhất của đội tranh cử của ông Trump là khả năng của ông trong thu hút cử tri không thể vượt qua mức 46% của năm 2016. Kỳ bầu cử này, mức ủng hộ cao nhất ông Trump có là 45,6% hồi đầu tháng 3, trong khi ông Biden là 49,7%. Nhà nghiên cứu Eric Ostermeier tại Trường Các vấn đề công cộng Humphrey thuộc ĐH Minnesota (Mỹ) cũng cho rằng khả năng duy trì tỉ lệ ủng hộ trong bộ phận cử tri độc lập của ông Biden đã giải thích sự dẫn trước của ông trong rất nhiều cuộc thăm dò và đây là vấn đề với ông Trump.
Ông phân tích một phần lớn câu chuyện năm 2016 của ông Trump là nhờ bộ phận cử tri dao động cuối cùng đã chọn nghiêng về phía ông, mang lại chiến thắng cho ông ở các bang chiến trường. Phân tích sau bầu cử năm 2016 của Hiệp hội Nghiên cứu ý kiến công cộng Mỹ cho thấy phần nhiều những người nói mình chưa quyết định thì cuối cùng lại bỏ phiếu cho ông Trump. Phân tích năm 2016 của Reuters/Ipsos cũng cho thấy trước bầu cử có một lượng đáng kể cử tri còn dao động đưa ra tín hiệu rằng họ sẽ bỏ phiếu cho ông Trump thay vì bà Clinton.
Năm nay, cử tri còn dao động khả năng phần lớn là các đối tượng phụ nữ, chưa có bằng đại học, còn trẻ, là người da màu. Mà nhiều cuộc thăm dò cho thấy 2/3 những đối tượng này cho rằng Mỹ đang đi sai đường, không hài lòng với cách điều hành đất nước của ông Trump. 2/3 này sẽ là các cử tri tiềm năng của ông Biden. Còn ông Trump thì chính xác hiện chỉ có 1/3 lượng cử tri còn dao động phát tín hiệu cuối cùng sẽ bỏ phiếu cho ông.
“Ngay lúc này, ông Trump đang thất thế và Thượng viện đang nghiêng về phe Dân chủ” - bà Susan Davis, nhà chiến lược của đảng Cộng hòa, thừa nhận. |
Ông Biden không phải bà Clinton
Thứ hai, năm nay số phiếu cử tri bầu cho các ứng viên bên thứ ba - ngoài hai ứng viên chính của hai chính đảng lớn - khả năng sẽ thấp hơn. Năm 2016 có tới 6% cử tri bỏ phiếu cho các ứng viên bên thứ ba, mức cao nhất kể từ năm 1996. Điều này đã giúp ông Trump thắng phiếu ở đại cử tri đoàn. Tuy nhiên, có nhiều lý do để tin tỉ lệ năm nay sẽ thấp hơn. Chẳng hạn, các ứng viên bên thứ ba năm nay không nổi bật và không được chú ý nhiều bằng năm 2016. Và có lẽ quan trọng nhất là lần này không ai đánh giá thấp cơ hội của ông Trump như từng nghĩ vậy năm 2016, đặc biệt từ phía đảng Dân chủ.
Thứ ba, người Mỹ ưa ông Biden hơn bà Clinton. Ông Trump và bà Clinton là hai ứng viên Tổng thống ít được thiện cảm từ người dân Mỹ nhất trong lịch sử Mỹ, theo NPR.
Thời điểm tháng 7-2016, bà Clinton được 34% người Mỹ yêu mến nhưng tới 56% người không ưa mà trong đó có tới 43% “rất không ưa”, theo thăm dò của đài NBC và báo WSJ. Cũng theo thăm dò của NBC/WSJ, thời điểm tháng 7 năm nay ông Biden cũng được 34% người Mỹ yêu mến nhưng số người không ưa chỉ chiếm 46%, trong đó 33% “rất không ưa”.
Con số người không ưa và rất không ưa ông Biden thấp hơn so với bà Clinton tới 10% rất đáng chú ý. Trang tin MarketWatch cũng cho rằng lần này ông Trump khó có thể thuyết phục bộ phận cử tri còn dao động nghiêng theo mình. Nhà chiến lược Cộng hòa Doug Heye và từng là người phát ngôn của Ủy ban đảng Cộng hòa quốc gia lo đội tranh cử của ông Trump khó có thể khiến cử tri bất mãn ông Biden - khi đây là nhân vật có uy tín lớn ở Washington, như đã từng làm thành công với bà Clinton - người phụ nữ liên tục hàng thập niên hứng chỉ trích tiêu cực.
Cho tới thời điểm này, phân tích cho thấy ông Trump không có một lực lượng ủng hộ nào bí mật sẽ xuất hiện một cách bất ngờ để thay đổi vị thế của ông trong ngày bầu cử. Với mọi dữ liệu hiện có thì ông Trump khó có khả năng tạo được một cú bất ngờ thứ hai để tái đắc cử, theo MarketWatch.
Cơ hội cho ông Trump? Theo MarketWatch, vẫn còn thời gian để ông Trump thay đổi tình hình. Theo định nghĩa thì các cử tri còn dao động nghĩa là họ chưa có quyết định. Hai yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định của họ là Mỹ đang phát triển thế nào và ông Trump điều hành đất nước thế nào. Để tăng cơ hội cho mình thì ông Trump sẽ cần phải điều chỉnh về cơ bản đường đi của đất nước. Tuy nhiên, có vẻ ông Trump và đội tranh cử của mình không đi theo hướng này. Thời gian qua, đội tranh cử của ông Trump tập trung tấn công đối thủ Biden. Chiến lược của đội tranh cử của ông Trump là nhắm vào điểm yếu tuổi tác ông Biden cũng như chê bai năng lực của ông. Phía ông Trump cũng kiên trì gắn hình ảnh ông Biden với “cực đoan cánh tả” và vẽ viễn cảnh xã hội Mỹ bất ổn hơn, tội phạm sẽ bùng phát nếu ông Biden thắng. Nhiều nguồn tin trong đội tranh cử của ông Trump nói mục tiêu là kìm đà thắng thế của ông Biden trong bộ phận cử tri độc lập. |
Theo PLO