Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden. Ảnh Getty.
Hầu hết các quốc gia lớn ở “lục địa già” đã cảm thấy quá mệt mỏi với Donald Trump bởi thái độ và sự “coi thường ra mặt” của ông với NATO và Liên minh châu Âu. Họ sẽ tìm đến Biden để khôi phục các mối quan hệ đồng minh truyền thống.
Chỉ với nhiệm kỳ bốn năm, Donald Trump đã khiến các đồng minh châu Âu “muối mặt” khi bị ông chỉ thẳng gọi tên “những kẻ ăn bám”. Tuy nhiên, cuối cùng những sự va chạm này có thể bỏ qua được khi Trump đi và Biden tới. Dù sao đi chăng nữa, họ vẫn phải tìm kiếm sự lãnh đạo của Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề lớn mà họ phải đối mặt từ Nga và thậm chí từ Trung Quốc.
Người Nga sẽ có cảm xúc lẫn lộn. Thái độ của Trump đối với Putin vẫn là một câu đố trong suốt 4 năm qua, ông từ chối nói bất cứ điều gì chỉ trích về nhà lãnh đạo Nga.
Một số chuyên gia Nga khẳng định, Putin đang coi Trump là thứ mà tình báo Nga luôn gọi là "kẻ ngốc hữu dụng" - tức là một người dễ bị dụ dỗ bởi những lời xu nịnh và lừa dối.
Tuy nhiên, trên thực tế, Donald Trump thường tỏ ra cứng rắn với Nga, tiến hành trục xuất trên diện rộng các sĩ quan tình báo Nga và cung cấp nhiều vũ khí sát thương hơn chính quyền Obama cho các lực lượng Ukraine đang chiến đấu với Nga.
Người Nga sẽ mong đợi một tư thế chỉ trích công khai hơn từ chính quyền Biden, nhưng cũng sẽ mong đợi nhiều cuộc tiếp xúc chính thức hơn và một quá trình đàm phán bình thường và hợp lý hơn - những điều tích cực giúp cân bằng một cách khiêm tốn căng thẳng có thể vẫn duy trì hoặc phát triển trong mối quan hệ.
Trung Quốc cũng sẽ có cảm xúc lẫn lộn. Bắc Kinh có thể đang mong đợi một “cuộc hàn gắn” từ Joe Biden cho những “vết thương lòng” mà Donald Trump đã gây ra trong thời gian qua.
Họ mong chờ một Biden với động thái mềm mại và khéo léo với những xung đột thương mại sẽ được gác lại sang một bên hoặc tồn tại ở một số hình thức.
Bắc Kinh thừa biết rằng quan hệ với Trung Quốc sẽ là trọng tâm chính trong chính sách đối ngoại của Biden trong chừng mực nào đó ở thời “hậu Donald Trump”. Vì vậy, Trung Quốc sẽ chuẩn bị cho sự cạnh tranh trên diện rộng - quân sự, ngoại giao và kinh tế để tăng cường can dự trong khu vực với mục đích củng cố thế trận quân sự ngày càng cao của mình.
Ở một khía cạnh nào đó, Triều Tiên rõ ràng sẽ không hoan nghênh chiến thắng của Biden. Họ biết rằng mối quan hệ “ấm cúng và hòa bình” mà Kim Jong Un có với Trump sẽ kết thúc. Bình Nhưỡng có lẽ sẽ chẳng mong đợi một thứ tình cảm từ Biden, người đã từng có nhiệm kỳ làm phó dưới thời Barack Obama.
Triều Tiên có lẽ sẽ thất vọng khi Joe Biden đắc cử.
Dưới thời Barack Obama, nước Mỹ đã ở “rất gần” chiến tranh với Triều Tiên như trong một tiết lộ của Donald Trump hồi tháng 2.
"Tôi tin rằng Obama đã ở rất gần chiến tranh với Triều Tiên. Tôi nghĩ ông ấy đã chuẩn bị cho chiến tranh. Ông ấy nói với tôi rằng ông ấy đã chuẩn bị cho việc bắt đầu một cuộc chiến lớn với Triều Tiên", Tổng thống Trump nói trong bài phát biểu tại Vườn Hồng, Nhà Trắng hôm 15/2.
Nhìn chung, thời gian tới thế giới sẽ trông đợi vào Biden để giải tỏa sự bối rối và mất phương hướng trên diện rộng sau 4 năm áp dụng chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Trump. Dù rất có thể, Biden sẽ không thể đảo ngược các chính sách của Trump trong một sớm một chiều.
Chắc chắn Joe Biden sẽ phải tái tạo lại vị trí đầu tầu của Mỹ trên thế giới, có thể họ sẽ trở lại với Hiệp định Paris về Chống biến đổi khí hậu, quay trở lại Unesco, tham gia TPP. Và trên hết là các diễn đàn đa phương quan trọng như WHO, WTO, Unicef, NATO… những nơi mà Donald Trump đã từng bỏ rơi.
Tất cả có lẽ chỉ là những bước khởi đầu cần thiết để hướng tới những thay đổi tầm xa hơn mà Joe Biden lựa chọn theo đuổi. Châu Âu, Nga, Trung Quốc sẽ hoan nghênh một Joe Biden với phong thái thân thiện và dễ nói chuyện nhưng sẽ còn đó những vấn đề quốc tế rắc rối mà một người “mềm mại” như Biden chưa chắc có thể giải quyết, chẳng hạn như vị thế quân sự ngày một cao của Bắc Kinh.
Theo DĐDN