Sau 8 năm đàm phán, 15 quốc gia hôm qua (15/11) đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - một trong những hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới. RCEP gồm 10 nước thuộc ASEAN cùng Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Bắc Kinh rất tích cực thúc đẩy hiệp định này, coi đây là đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
New York Times đánh giá RCEP có phạm vi ảnh hưởng giới hạn nhưng lại mang một sức mạnh biểu tượng đáng kể. Hiệp định này bao phủ thị trường 2,2 tỷ người, lớn hơn bất kỳ FTA khu vực nào trước đây, và có thể giúp củng cố thêm hình ảnh của Trung Quốc với tư cách là cường quốc kinh tế thống trị trong khu vực. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gọi hiệp ước là "một chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do".
RCEP cũng được ký kết trong bối cảnh Mỹ đã rút khỏi nhiều thỏa thuận thương mại đóng vai trò định hình lại các mối quan hệ toàn cầu. Gần 4 năm trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump rút nước này khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là thỏa thuận có quy mô rộng hơn RCEP, được coi là câu trả lời của Mỹ trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Châu Á - Thái Bình Dương. Tổng thống đắc cử Joe Biden thì không hứa hẹn về việc có cân nhắc lại TPP hay không.
Màn hình trực tiếp buổi lễ ký hết RCEP hôm 15/11. Ảnh: TTXVN.
Đối với một số chuyên gia thương mại, thỏa thuận mới này cho thấy phần còn lại của thế giới sẽ không chờ đợi Mỹ. Liên minh châu Âu cũng đã tích cực theo đuổi các cuộc đàm phán thương mại. Khi các nước khác ký kết thỏa thuận mới, các hãng xuất khẩu Mỹ có thể dần mất chỗ đứng.
"Trong khi Mỹ đang tập trung vào các mối quan tâm trong nước, gồm chống lại đại dịch, tái thiết nền kinh tế và cơ sở hạ tầng, tôi không chắc phần còn lại của thế giới sẽ đợi cho đến khi Mỹ lo xong chuyện nội bộ", Jennifer Hillman - thành viên cấp cao về thương mại và kinh tế chính trị quốc tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ cho biết, "Tôi nghĩ rằng sẽ phải có một số hành động đáp trả những gì Trung Quốc đang làm".
Vì đại dịch, việc ký kết thỏa thuận hôm 15/11 khá đặc biệt, với các nghi lễ riêng được tổ chức ở mỗi quốc gia thành viên, và kết nối video trực tuyến. Bộ trưởng thương mại mỗi nước thay phiên nhau ký một bản sao riêng của hiệp định, trong khi nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ đứng gần đó theo dõi.
Hiệp định nhiều khả năng sẽ chính thức hóa, thay vì tạo dựng lại quan hệ kinh doanh giữa các quốc gia. RCEP chủ yếu xóa bỏ thuế đối với hàng hóa đã đủ điều kiện để được miễn thuế theo các hiệp định thương mại tự do hiện có. Nó cho phép các quốc gia giữ nguyên thuế đối với hàng nhập khẩu trong các lĩnh vực mà họ coi là đặc biệt quan trọng hoặc nhạy cảm.
Quy tắc xuất xứ đặt ra trong hiệp định sẽ đặt ra các tiêu chuẩn chung về tỷ lệ nội địa hóa (trong quy mô khu vực) để thành phẩm đủ điều kiện miễn thuế. Những quy tắc này có thể giúp các công ty thiết lập chuỗi cung ứng trải dài ở một số quốc gia.
Hiệp định này có ít tác động đến pháp lý, kế toán hoặc các dịch vụ xuyên biên giới và không đi sâu vào vấn đề thường gây tranh cãi là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, RCEP cũng có đề cập đến các vấn đề rộng như bảo vệ các liên đoàn lao động độc lập, môi trường và hạn chế trợ cấp của chính phủ cho các doanh nghiệp nhà nước.
Dễ thấy nhất, hiệp định không bao gồm Ấn Độ, một gã khổng lồ khác trong khu vực. New Delhi đã rút khỏi các cuộc đàm phán vào tháng 7/2020. Trung Quốc đã bác bỏ yêu cầu của Ấn Độ về một hiệp định tham vọng hơn, làm được nhiều hơn để gắn kết các nền kinh tế trong khu vực, bao gồm thương mại dịch vụ cũng như thương mại hàng hóa.
He Weiwen, một cựu quan chức Bộ Thương mại ở Bắc Kinh và là chuyên gia nổi tiếng về chính sách thương mại của Trung Quốc, nói rằng thỏa thuận dù sao cũng thể hiện một bước tiến lớn. "Quy mô của RCEP chắc chắn sẽ đóng góp vào thương mại tự do thế giới", ông nói.
Còn theo bà Mary Lovely, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, các rào cản thương mại thấp hơn của RCEP có thể khuyến khích các công ty toàn cầu tiếp tục hoạt động ở châu Á thay vì chuyển sang Bắc Mỹ. Việc này càng có lợi với các hãng đang cố gắng tránh thuế của Mỹ áp lên hàng hóa xuất xứ Trung Quốc.
"RCEP giúp các công ty nước ngoài thêm linh hoạt trong việc điều hướng giữa hai gã khổng lồ", bà nói, "Việc giảm thuế làm tăng giá trị của hoạt động trong khu vực châu Á, trong khi các quy tắc xuất xứ thống nhất giúp kéo sản xuất ra khỏi Trung Quốc dễ dàng hơn mà vẫn duy trì quyền tiếp cận thị trường đó".
Viễn cảnh Trung Quốc thiết lập quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với các nước láng giềng đã khiến Washington lo ngại. Câu trả lời của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó là TPP - hiệp định có các điều khoản sâu rộng về dịch vụ, sở hữu trí tuệ, liên đoàn lao động độc lập và bảo vệ môi trường. TPP cũng kêu gọi giới hạn hỗ trợ của nhà nước đối với các ngành công nghiệp. Đây vừa là thách thức vừa là sự thuyết phục để Bắc Kinh nới lỏng sự kiểm soát với nền kinh tế.
TPP không có Trung Quốc nhưng bao gồm nhiều đối tác thương mại lớn nhất của họ, như Nhật Bản và Australia, cũng như các nước láng giềng của Trung Quốc như Việt Nam và Malaysia. Sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận đó, 11 quốc gia còn lại đã tiếp tục duy trì hiệp định và đổi tên thành CPTPP.
Trung Quốc đã rất háo hức lấp đầy khoảng trống đó. Tuy nhiên, họ phải điều hướng tham vọng của Ấn Độ. Quan hệ của Ấn Độ với Trung Quốc đã xấu đi đáng kể trong những tháng gần đây do các cuộc đụng độ biên giới.
Ban đầu, Bắc Kinh cố gắng lôi kéo New Delhi tham gia. Tuy nhiên, các chính trị gia Ấn Độ rất thận trọng về việc phải giảm thuế mạnh tay và tiếp nhận một lượng hàng hóa lớn của Trung Quốc. Bởi lẽ, thâm hụt thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc lên đến 60 tỷ USD mỗi năm.
"Chúng tôi không tham gia RCEP vì nó không giải quyết các vấn đề nổi bật và mối quan tâm của Ấn Độ", Riva Ganguly Das, Thư ký quan hệ phương Đông tại Bộ Ngoại giao Ấn Độ, nói vào tuần trước. Tuy nhiên, bà Das nhấn mạnh rằng Ấn Độ vẫn quan tâm đến việc thắt chặt quan hệ thương mại ở Đông Nam Á.
Hiện chưa rõ Mỹ sẽ phản ứng như thế nào với RCEP. Đến tháng 1/2021, Tổng thống đắc cử Biden có thể mới nhậm chức, nhưng thương mại và Trung Quốc đã trở thành những vấn đề khiến ông phải suy nghĩ.
TPP bị cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ chỉ trích vì để các doanh nghiệp Mỹ phải chịu cạnh tranh gay gắt với nước ngoài. Nó vẫn còn gây tranh cãi và ông Biden chưa cho biết liệu có tham gia lại thỏa thuận này không. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán nó sẽ không có khả năng được ưu tiên cao.
Ông Biden cho biết ông sẽ không nôn nóng đàm phán bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào. Ông muốn tập trung sức lực vào đại dịch, phục hồi kinh tế và đầu tư vào sản xuất, công nghệ của Mỹ.