'Bão lửa' Covid-19 càn quét nước Mỹ

Thứ hai, 16/11/2020, 15:40
Mỹ tăng một triệu ca nCoV chỉ trong 6 ngày, nâng số người nhiễm vượt 11 triệu, buộc các bang trên cả nước ban hành thêm hạn chế ngăn virus.

Mỹ vượt mốc 11 triệu ca nhiễm nCoV hôm 15/11, chỉ chưa đầy một tuần sau khi vùng dịch lớn nhất thế giới ghi nhận 10 triệu ca nhiễm hôm 9/11, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins. Đây là mức tăng một triệu ca nhanh nhất tại Mỹ từ khi đại dịch bùng phát. Ít nhất 45 bang báo cáo nhiều ca nhiễm mới trong tuần qua so với một tuần trước đó.

"Chúng tôi đang chứng kiến cơn bão lửa Covid-19 trên khắp đất nước", tiến sĩ Leana Wen, chuyên gia y tế khẩn cấp của Mỹ, nói. "Đó không phải một hoặc hai điểm nóng, toàn bộ đất nước giờ đây là điểm nóng lây nhiễm Covid-19".

Ngay cả Wyoming, bang thưa thớt dân cư nhất ở Mỹ, cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Hôm 14/11, bang ghi nhận các con số kỷ lục, với 200 người nhập viện và 17 người chết vì Covid-19 trong một ngày. Trên toàn quốc, hơn 246.000 người đã chết vì Covid-19, trong đó 1.266 ca tử vong được báo cáo chỉ riêng trong ngày 14/11.

Các chuyên gia của Trung tâm Xét nghiệm hỗ trợ tài xế tại địa điểm xét nghiệm Covid-19 ở phía nam Los Angeles, bang California hôm 14/11. Ảnh: AFP.

Các chuyên gia của Trung tâm Xét nghiệm hỗ trợ tài xế tại địa điểm xét nghiệm Covid-19 ở phía nam Los Angeles, bang California hôm 14/11. Ảnh: AFP.

Một số bang đã tăng cường các biện pháp hạn chế, trong khi một quan chức bang cho rằng việc người dân thay đổi hành vi quan trọng hơn áp lệnh phong tỏa. Thị trưởng Los Angeles Eric Garcetti cho biết nếu mọi người đề phòng và không chủ quan cho rằng bạn bè của họ không bị nhiễm, kết quả có thể hiệu quả hơn phong tỏa.

"Điều tốt là bây giờ chúng ta đã khôn ngoan hơn hồi tháng 3. Chúng ta hiểu rằng phong tỏa toàn diện không phải cách tốt nhất bây giờ", ông nói. "Vấn đề không phải cửa hàng có mở cửa hay không, mà là hành vi của tôi và các bạn. Vấn đề là cách chúng ta nghĩ, 'Ồ tôi biết người đó, tôi thân thuộc với họ. Tôi có thể đi chơi với họ'. Những suy nghĩ như thế là nguyên nhân lây lan".

"Vì vậy, nếu mọi người không thích phong tỏa, giải pháp rất đơn giản: hủy kế hoạch đi nghỉ ngay bây giờ. Đừng vào nhà người khác trong Lễ Tạ ơn", Garcetti nhấn mạnh. "Đối với tôi, chỉ có hai câu thần chú: Đừng hít thở chung bầu không khí và đừng làm những điều ngu ngốc".

Với sự gia tăng nhanh chóng của các đợt lây nhiễm mới, nhiều bang đang gấp rút áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt hơn. Bang Washington công bố quy định mới đối với các cuộc tụ tập xã hội, kinh doanh và lễ nghi tôn giáo. Michigan thông báo các trường trung học và cao đẳng sẽ chuyển sang học tập từ xa trong ba tuần. Utah yêu cầu người dân đeo khẩu trang trên toàn bang. Ohio ban hành các quy định nghiêm ngặt hơn về khẩu trang cho các doanh nghiệp, trong khi New York yêu cầu đóng cửa hầu hết quán bar và nhà hàng trước 22h.

"Chúng ta đang trong thời điểm tồi tệ nhất của đại dịch này cho đến nay. Tình hình chưa bao giờ tồi tệ hơn", Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer cho biết hôm 15/11 khi công bố các quy định hạn chế mới, chỉ ra những tháng mùa đông đang đến gần khi mọi người tụ tập trong nhà, làm tăng nguy cơ lây lan virus. "Chúng ta đang ở đỉnh dịch và cần thực hiện một số hành động".

Jonathan Nez, chủ tịch cộng đồng người Mỹ bản địa Navajo Nation, thuộc bang Arizona, cho biết đang tiến ngày càng gần với cuộc khủng hoảng y tế công cộng lớn, khi các bệnh viện chật kín bệnh nhân. "Hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng tôi ở Navajo Nation không thể cầm cự trước sự gia tăng lâu dài ca Covid-19", ông cho hay.

Các bệnh viện đang ở thời điểm tồi tệ trong đại dịch. Mỹ ghi nhận ca nhập viện cao kỷ lục hôm 14/11 với 69.455 trường hợp, vượt xa mức đỉnh mùa xuân với 59.940 ngày 15/4 và mức đỉnh mùa hè 59.718 ngày 23/7.

Ở một số bệnh viện, tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng đến mức các bác sĩ, y tá nhiễm nCoV nhưng không có triệu chứng được phép tiếp tục làm việc trong các khoa điều trị Covid-19. Tiến sĩ Megan Ranney, một bác sĩ cấp cứu tại Đại học Brown, nói rằng các nhân viên y tế đang chứng kiến đồng nghiệp của họ bị nhiễm và họ "mệt mỏi, sợ hãi".

"Chúng tôi đang chứng kiến những bệnh nhân không thể gặp gia đình của họ lần cuối để nói lời từ biệt. Chỉ có tiếng bíp của máy móc, âm thanh của máy thở", bà cho biết, thêm rằng tình trạng căng thẳng đối với các bệnh viện không chỉ ảnh hưởng đến bệnh nhân Covid-19 mà còn tác động đến những người mắc các bệnh khác như ung thư, đau tim và đột quỵ.

Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia, cho biết nếu các bệnh viện quá tải bệnh nhân Covid-19, giới chức địa phương hoặc bang có thể yêu cầu một số nơi phong tỏa trở lại, song sẽ không để xảy ra phong tỏa toàn quốc.

Các bệnh viện không chỉ vật lộn với Covid-19. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, họ cũng đang đối phó với bệnh cúm, nguyên nhân gây ra ước tính 400.000 ca nhập viện và 22.000 ca tử vong ở Mỹ trong mùa cúm vừa qua. Cả bệnh cúm và Covid-19 đều có thể gây ra nhiều triệu chứng giống nhau, bác sĩ Jerome Adams cho biết.

"Một triệu chứng mà tôi khuyến cáo mọi người theo dõi để phân biệt bệnh cúm với Covid-19 là mất vị giác hoặc khứu giác", Adams nói. "Nếu có triệu chứng đó, bạn cần liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ y tế của mình ngay lập tức và đến làm xét nghiệm Covid-19".

Adams khuyến khích người dân tiêm phòng cúm trong năm nay và cảnh báo họ không nên tự chẩn đoán. Y bác sĩ có thể đưa ra câu trả lời tốt hơn để bệnh nhân có thể có cách xử lý phù hợp với các triệu chứng của họ.

"Covid-19 dường như lây lan dễ dàng hơn nhiều so với bệnh cúm, và nó gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng hơn ở một số người", ông nói.

Tiến sĩ Jonathan Reiner, giáo sư y khoa tại Đại học George Washington, cho biết các triệu chứng giữa bệnh cúm và Covid-19 sẽ "không thể phân biệt được". "Bạn không nên đi làm, đi học nếu xuất hiện cảm giác như cúm" bởi đó có thể là Covid-19. "Bạn nên cách ly và làm xét nghiệm", tiến sĩ cho hay.

Theo VNE

Các tin cũ hơn