Các nguồn tin xác nhận không khí làm việc tại Nhà Trắng ngày càng trở nên "độc hại". Nhiều nhân viên, từ cấp thấp đến cao, đang rời bỏ vị trí ở đây để tìm kiếm công việc mới.
Ông Trump và Giám đốc Văn phòng nhân sự Tổng thống John McEntee. Ảnh: Reuters.
Nhân viên Nhà Trắng ở mọi cấp bậc đang lên kế hoạch tìm kiếm công việc mới, khi ngày càng nhiều trợ lý không còn niềm tin vào chiến dịch đảo ngược kết quả cuộc bầu cử của Tổng thống Donald Trump.
Các nguồn tin trong chính quyền Mỹ cho biết nhân sự tại Nhà Trắng không hài lòng với cách ứng xử của Tổng thống Trump khi kết quả bầu cử trở nên bất lợi. Một số viện lý do hoàn cảnh khẩn cấp để rời khỏi Nhà Trắng, theo CNN.
Không khí làm việc "độc hại"
Nhiều nhân viên Nhà Trắng lo ngại cách Tổng thống Trump từ chối chấp nhận thất bại sẽ làm hoen ố di sản suốt 4 năm cầm quyền của ông. Nghiêm trọng hơn, điều này có thể làm xói mòn niềm tin của cử tri vào cuộc bầu cử và nền dân chủ nước Mỹ, một nguồn tin tiết lộ với CNN.
Những người khác cho biết họ cần sớm tìm công việc mới và chuẩn bị bước đi tiếp theo của sự nghiệp, dù ông Trump kiên quyết không chấp nhận thất bại và đưa ra tuyên bố vô căn cứ mình đã chiến thắng.
Một thành viên cấp cao trong chính quyền miêu tả không khí làm việc tại Nhà Trắng ngày càng "độc hại". Số nhân viên đến làm việc thường xuyên giảm dần sau mỗi ngày.
Nhà Trắng dưới thời ông Trump chưa từng được coi là môi trường làm việc hiệu quả kiểu mẫu. Việc thiếu định hướng từ cấp lãnh đạo cùng tâm lý bại trận những ngày qua càng khiến sự chia rẽ nội bộ thêm tồi tệ.
Điều này không khó hiểu, bởi phần lớn nhân sự Nhà Trắng đối mặt nguy cơ thất nghiệp sau vài tuần nữa.
"Mọi người có gia đình và cuộc sống cần phải chu cấp. Áp lực khiến môi trường làm việc ngày càng trở nên tệ hại, người ta trở mặt với nhau, giải quyết ân oán khi còn có thể", một nhân viên Nhà Trắng giấu tên cho biết.
Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Alyssa Farah đã từ chức. Ảnh: CNBC.
Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Alyssa Farah, một trong những đồng minh thân cận của Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, thông báo từ chức hôm 3/12.
Sự ra đi của bà Farah là một tín hiệu cho thấy những người làm việc ở Nhà Trắng không còn coi việc rời bỏ chính quyền đương nhiệm là hành động phản bội Tổng thống Trump.
"Cô ấy là một người tuyệt vời, luôn hoàn thành xuất sắc công việc của mình. Cảm ơn Alyssa", ông Trump viết trên Twitter hôm 4/12.
Nhân sự trong chính quyền đương nhiệm đang dần chấp nhận sự thật rằng sẽ không có nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Trump, hay ít nhất là nhiệm kỳ 2 của ông Trump sẽ chưa bắt đầu ngay vào ngày 20/1/2021, một cố vấn Nhà Trắng tiết lộ.
Theo cố vấn, việc một số trợ lý khó chịu với sự cố chấp của Tổng thống Trump là điều có thể hiểu được.
"Không một ai tin ông ấy sẽ chấp nhận thất bại, không ai tin điều đó", trợ lý giấu tên cho biết.
Chạy đua tìm công việc mới
Số lượng lớn nhân sự rời bỏ chính quyền vào cuối nhiệm kỳ, dù là nhiệm kỳ hai hay nhiệm kỳ đầu tiên, là tình huống xảy ra đối với mọi đời Tổng thống.
Tuy nhiên, việc ông Trump từ chối chấp nhận thất bại khiến nhiều trợ lý, bao gồm một vài người từng gắn bó nhiều năm, rơi vào thế khó xử, bởi họ sẽ không còn được trả lương chỉ sau vài tuần nữa.
Tháng trước, Giám đốc Văn phòng Nhân sự Nhà Trắng John McEntee cảnh báo đội ngũ nhân viên rằng họ sẽ bị sa thải nếu bị phát hiện tìm kiếm công việc mới.
Cảnh báo này không có mấy hiệu quả. Nhiều nhân viên làm việc trong chính quyền liên bang chẳng hề bất ngờ và tiếp tục tìm kiếm hướng đi mới.
Thế nhưng, một số nhân viên trẻ ở cấp dưới hoảng sợ trước lời đe dọa của ông McEntee. Những người thuộc cấp quản lý cho biết cảnh báo của Văn phòng Nhân sự khiến cơ hội cho những người người trẻ tìm việc mới trở nên khó khăn hơn.
Một quan chức kỳ cựu miêu tả cuộc chạy đua giữa các nhân viên của chính quyền Tổng thống Trump để tìm kiếm công việc tại quốc hội giống như "trò chơi chiếc ghế âm nhạc". Khi nhạc dừng vào ngày 20/1/2021, rất nhiều người sẽ không có "ghế" để ngồi.
Đảng Cộng hòa giành thêm 13 ghế ở Hạ viện nhưng mất đi 1 ghế ở Thượng viện, và có thể mất thêm 1-2 ghế nữa sau cuộc bầu cử đầu năm tới ở Georgia. Điều này mở ra một số vị trí tuyển dụng mới ở Quốc hội, nhưng với số lượng hạn chế và đang dần được lấp đầy.
Ngoài Quốc hội, một số nhân viên Nhà Trắng đang cân nhắc chuyển sang làm việc trong khu vực tư nhân hoặc các tổ chức tư vấn chính sách. Đây cũng sẽ là một cuộc đua không hề dễ chịu, khi những người một thời từng là đồng nghiệp nay trở thành đối thủ.
Nhiều quan chức Nhà Trắng và trong bộ máy chính quyền đang âm thầm tìm công việc mới sau cuộc bầu cử. Họ kín tiếng và hầu như không chia sẻ kế hoạch cá nhân sau khi tin chắc nhiệm kỳ của ông Trump sắp kết thúc.
Nhiều người đã rời đi ngay khi được tuyển dụng vào vị trí mới, dù Tổng thống Trump từng nhiều lần tuyên bố ông sẽ có nhiệm kỳ 2.